14/04/2015 11:09 GMT+7

Phập phồng lo cá không trụ nổi vì đánh bắt tận diệt

QUANG KHẢI
QUANG KHẢI

TTO - Tình trạng chích điện, bủa lưới bắt cá trên kênh Nhiêu Lộc khiến lượng cá thả trên kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè (TP.HCM) và một số tuyến kênh khác ngày một mất dần.

Một người chích điện bắt cá trên kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè - Ảnh: Hữu Khoa

Ông Trần Đình Vĩnh - chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng và bảo vệ nguồn lợi thủy sản TP.HCM (thuộc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn TP) - cho biết đến nay đã có ba lần thả cá giống trên tuyến kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, Tàu Hủ - Bến Nghé với số lượng hàng trăm ngàn con, chi phí trên 500 triệu đồng.

Nước đủ điều kiện cho cá sống

Ngoài ra, các chùa, người dân cũng thả cá phóng sinh với số lượng lớn nhiều năm qua. Hiện nguồn cá trên các tuyến kênh phần lớn do con người thả nuôi làm đẹp kênh chứ không phải “chim trời, cá nước, ai bắt được nấy ăn” như nhiều người vẫn nghĩ.

Theo nhiều người dân, nếu không có biện pháp căn cơ, hạn chế tình trạng đánh bắt cá, hình ảnh những đàn cá tung tăng bơi lội trên các tuyến kênh này có thể sẽ không còn nữa.

Theo kết quả phân tích của Chi cục Quản lý chất lượng và bảo vệ nguồn lợi thủy sản TP, gần đây nước trên tuyến kênh Nhiêu Lộc (đoạn từ cầu Thị Nghè đến cầu Lê Văn Sỹ, dài khoảng 3km) đã không còn mùi, không bị nhiễm kim loại nặng, các chỉ tiêu quan trọng như DO (oxy hòa tan trong nước), pH... đạt tiêu chuẩn cho phép.

Tầm 1g-2g sáng, nước kênh rút cũng là lúc các ghe xuồng đánh bắt cá tiến vào kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè hành nghề - Ảnh: Hữu Khoa
Tầm 1g-2g sáng, nước kênh rút cũng là lúc các ghe xuồng đánh bắt cá tiến vào kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè hành nghề - Ảnh: Hữu Khoa

Riêng chỉ tiêu COD (lượng oxy cần thiết để oxy hóa các hợp chất hóa học trong nước) vào một số thời điểm đạt 4,48-16 mg/lít (tiêu chuẩn từ 35-100mg/lít), không ảnh hưởng nhiều đến chất lượng nước.

Trong khi đó tại tuyến kênh Tàu Hủ, đoạn từ cầu Khánh Hội đến cầu Calmette cũng có chất lượng nước tương tự. Tuy nhiên, một số đoạn cuối trên hệ thống kênh còn dấu hiệu ô nhiễm hữu cơ, một số chỉ tiêu COD, NH3... cao hơn giới hạn cho phép.

“Điều này cho thấy chất lượng nước trên đoạn kênh không đồng nhất, có nơi ổn nhưng một số điểm vẫn còn ô nhiễm, tuy nhiên nhìn chung ở nhiều đoạn kênh nguồn nước đủ điều kiện để cá sinh trưởng và phát triển”, ông Vĩnh nhận định.

Chi cục Quản lý chất lượng và bảo vệ nguồn lợi thủy sản TP cho biết đang tiếp tục lấy mẫu nước kiểm tra để tiếp tục thả cá giống trên các tuyến kênh lần thứ tư vào ngày 24-4.

Về chất lượng nguồn cá, ông Trần Đình Vĩnh cho biết đã phân tích ngẫu nhiên một số loại cá trên kênh nhưng chưa phát hiện có độc tố hay nhiễm kim loại nặng.

 

Cán bộ Chi cục Quản lý chất lượng và bảo vệ nguồn lợi thủy sản TP tuyên truyền người dân không nên câu cá trên kênh nội thị - Ảnh: Quang Khải

... Người ra tay tận diệt

Cũng theo ông Trần Đình Vĩnh, sau khi báo Tuổi Trẻ có phóng sự ảnh về tình trạng đánh bắt cá trên kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, chi cục đã cử lực lượng thanh tra triển khai kiểm tra vào cả ban đêm.

“Quy định không cấm câu cá nhưng các trường hợp đánh bắt cá kiểu tận diệt như dùng thuốc nổ, thuốc độc, lưới quét, câu chùm, xung điện là vi phạm” - một cán bộ Chi cục Quản lý chất lượng và bảo vệ nguồn lợi thủy sản TP nói.

Tuy nhiên việc giám sát vấn đề này chủ yếu cho có? Ông Vĩnh thừa nhận lực lượng rất mỏng nên khi nhận được tin báo lực lượng thanh tra xuống, người đánh bắt trái phép đã đi mất.

Ông Vĩnh cũng cho rằng nếu lực lượng công an địa phương kiểm tra xử lý những vụ việc này theo địa bàn quản lý chắc rằng tình trạng đánh bắt trái phép sẽ giảm.

Liên quan đến hình ảnh phản cảm là một bên thả cá, một bên thì câu cá, ông Vĩnh cho biết đang kiến nghị Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tham mưu UBND TP ra quy định cấm đánh bắt cá có thời hạn nhất định trên các tuyến kênh nội đô.

Không nên ăn cá Nhiêu Lộc - Thị Nghè

GS TS Nguyễn Văn Phước, viện trưởng Viện Tài nguyên môi trường, khuyến cáo người dân không nên sử dụng cá được đánh bắt trực tiếp trên các dòng kênh.

Bởi vì theo ông Phước, ngoài yếu tố kim loại nặng thì ẩn họa về một số loại vi trùng, vi khuẩn gây bệnh có thể hiện diện trong các loài cá, đặc biệt các dư lượng về hóa chất khác có thể tích tụ trong cá.

 

QUANG KHẢI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên