14/07/2016 09:23 GMT+7

Phán quyết của Tòa làm rõ hai vấn đề được kỳ vọng nhất

NGUYỄN NGỌC LAN (ĐH Cambridge, Vương quốc Anh)  - TS TRƯƠNG MINH HUY VŨ
NGUYỄN NGỌC LAN (ĐH Cambridge, Vương quốc Anh) - TS TRƯƠNG MINH HUY VŨ

TTO - Hai vấn đề cốt lõi trong lập luận khởi kiện của Philippines là quyền lịch sử trên Biển Đông và quy chế đảo, cũng là hai vấn đề được kỳ vọng nhất, đã được Tòa trọng tài làm rõ bằng các quyết định 
của mình.

Hình ảnh chụp từ trên không cuối năm 2015 cho thấy Trung Quốc vẫn tiếp tục bồi lấp, tôn tạo đá Vành Khăn - Ảnh: Reuters
Hình ảnh chụp từ trên không cuối năm 2015 cho thấy Trung Quốc vẫn tiếp tục bồi lấp, tôn tạo đá Vành Khăn - Ảnh: Reuters

 

Phán quyết của Tòa trọng tài thường trực ngày 12-7 mang một ý nghĩa lịch sử không những với tranh chấp tại Biển Đông, mà còn là một án lệ quan trọng đối với luật biển quốc tế.

Phủ định “quyền lịch sử”

Mặc dù chưa từng đưa ra một lời giải thích hay cơ sở pháp lý chính thức nào đối với đường chín đoạn, Trung Quốc luôn nhắc đi nhắc lại về khái niệm “quyền lịch sử” của mình tại Biển Đông.

Trong phán quyết của mình, Tòa trọng tài trước hết khẳng định thẩm quyền của mình với các đệ trình số 1 và 2 của Philippines đưa ra vì liên quan đến vấn đề giải thích Công ước của Liên Hiệp Quốc về Luật biển (UNCLOS) và không rơi vào ngoại lệ mà Trung Quốc đã đưa ra năm 2006.

Không chỉ xác nhận thẩm quyền xét xử, Tòa trọng tài còn làm rõ tính pháp lý về “quyền lịch sử” của Trung Quốc theo UNCLOS.

Mặc dù đây không phải là lần đầu tiên “quyền lịch sử” được đưa ra trước một tòa án quốc tế, việc tòa tuyên bố yêu sách “quyền lịch sử” của Trung Quốc không phù hợp với UNCLOS là một tiếng nói quan trọng và có thẩm quyền để bác bỏ yêu sách mơ hồ dựa trên lịch sử mà Trung Quốc đưa ra.

Quan trọng không kém, tòa cũng làm sáng tỏ sự tương tác của quyền này với Luật biển hiện đại, được ghi nhận trong UNCLOS, trực tiếp phủ định quan điểm của Bắc Kinh cho rằng “quyền lịch sử” của mình ở Biển Đông có trước UNCLOS.

Chuẩn mực pháp lý khách quan

Phán quyết của tòa về quy chế pháp lý đảo của một số thực thể tại Trường Sa theo điều 121 UNCLOS là vấn đề thứ hai đem lại tác động đa chiều.

Hồ sơ của phía Philippines yêu cầu tòa xác định các thực thể gồm đá Vành Khăn, đá Subi, đá Gaven, đá Tư Nghĩa (gồm cả đá Kennan), bãi Cỏ Mây, bãi cạn Scarborough, đá Gạc Ma, đá Châu Viên và đá Chữ Thập là “đảo” hay “đá”, hay là thực thể nửa nổi nửa chìm, từ đó có thể khẳng định chúng có quyền có EEZ và thềm lục địa (đến 200 hải lý) hoặc lãnh hải (đến 12 hải lý) hay không.

Tòa trọng tài xác định rằng các thực thể nêu tên ở trên không phải là đảo, mà một số là đá và một bãi nửa nổi nửa chìm, vì thế Trung Quốc không thể yêu sách vùng biển mở rộng đến 200 hải lý xung quanh các thực thể (mà họ chiếm đóng trái phép).

Quan trọng không kém, chương 6 trong phán quyết của tòa cũng khẳng định rằng không có thực thể nào tại quần đảo Trường Sa là đảo và vì thế chúng không được hưởng vùng biển mở rộng đến 200 hải lý.

Tuyên bố này của tòa sẽ có tác động hết sức quan trọng đến với tất cả các bên tranh chấp khác trên Biển Đông.

Ở phạm vi quốc tế, đây là lần đầu tiên trong lịch sử án lệ của tòa quốc tế, điều 121 UNCLOS về quy chế pháp lý đảo được giải thích và làm rõ.

Tất cả các phân tích hay lập luận pháp lý của tòa sẽ tác động đến cách thức các quốc gia khác trên thế giới hiểu và áp dụng luật quốc tế.

Cụ thể như việc Tòa trọng tài làm rõ các yêu cầu nêu trong điều 121 (3) như thế nào là “khả năng có đời sống kinh tế riêng” hoặc “duy trì sự sống của con người” sẽ cung cấp các hướng dẫn quan trọng để các quốc gia, không chỉ ở Biển Đông, giải thích các điều khoản nói trên, cũng như cách áp dụng chúng vào các thực thể khác trong thực tế.

Các quốc gia từ đó sẽ có một chuẩn mực pháp lý khách quan để áp dụng cho các thực thể khác tại Biển Đông nhằm xác định các vùng biển mà họ được hưởng.

Một vấn đề quan trọng khác mà phán quyết ngày 12-7 mang lại là việc khẳng định xu thế và vai trò của cơ quan tài phán quốc tế trong giải quyết các tranh chấp phức tạp, bao gồm tranh chấp Biển Đông.

Đàm phán song phương - như Trung Quốc luôn đề xuất - vẫn được xem là một phương thức quan trọng trong quá trình giải quyết các tranh chấp lãnh hải - lãnh thổ, nhưng điều đó không giới hạn quyền và sự lựa chọn của các quốc gia tìm kiếm các biện pháp khác nhau, ví dụ như các cơ quan tài phán quốc tế hay các cơ chế mang tính đa phương để giải quyết tranh chấp một cách hòa bình.

Phán quyết mang giá trị pháp lý ràng buộc

Bất chấp sự vắng mặt của Trung Quốc tại tòa, cũng như các lập luận phủ định “thẩm quyền” của Tòa trọng tài hay cho rằng phán quyết của tòa sẽ không có ý nghĩa gì với Bắc Kinh, Tòa trọng tài khẳng định phán quyết của tòa mang giá trị pháp lý ràng buộc với tất cả các bên và Trung Quốc là một thành viên của UNCLOS không là ngoại lệ.

Bác bỏ các yêu sách mơ hồ

Tuyên bố của tòa về giải thích quy chế pháp lý đảo của điều 121 UNCLOS chắc chắn là một tiếng nói có thẩm quyền để bác bỏ các yêu sách mơ hồ về mặt pháp lý đang được một số quốc gia duy trì, cố ý hoặc vô ý, tại Biển Đông.

Một quyết định như vậy sẽ không chỉ chấm dứt tính hợp pháp của một số tuyên bố chủ quyền, mà còn ít nhất sẽ “giới hạn” lại tranh chấp ở một mức độ nhất định, tạo tiền đề để các quốc gia phát triển tiếp một phương thức giải quyết hay ít nhất quản lý tranh chấp tại Biển Đông một cách hòa bình và đúng luật.

NGUYỄN NGỌC LAN (ĐH Cambridge, Vương quốc Anh) - TS TRƯƠNG MINH HUY VŨ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên