Cuộc họp Tổ công tác đặc biệt diễn ra theo hình thức trực tuyến, kết nối từ Bộ Y tế với nhiều điểm cầu là các chuyên gia về vắc xin, nhà nghiên cứu, đơn vị thử nghiệm lâm sàng, đơn vị nhận chuyển giao công nghệ sản xuất vắc xin ngừa COVID-19.
Trước đó, nhằm thúc đẩy quy trình thử nghiệm lâm sàng, phát triển vắc xin ngừa COVID-19 trong nước theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, ngày 14-7, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đã có quyết định thành lập Tổ công tác đặc biệt về nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng, phát triển vắc xin ngừa COVID-19 do giáo sư, tiến sĩ Trần Văn Thuấn làm tổ trưởng.
Sau khi nghe báo cáo tổng hợp của Cục Khoa học công nghệ và đào tạo về tình hình nghiên cứu, thử nghiệm lâm sàng vắc xin COVID-19 trong nước cũng như việc chuyển giao công nghệ, các thành viên tham dự cuộc họp đã cùng bàn thảo nhằm thống nhất kế hoạch mời chuyên gia của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) hỗ trợ nghiên cứu phát triển vắc xin COVID-19 tại Việt Nam.
Thúc đẩy nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng vắc xin Nanocovax, vắc xin COVIVAC trong nước; thống nhất kế hoạch hợp tác chuyển giao công nghệ, kế hoạch triển khai thử nghiệm lâm sàng vắc xin chuyển giao công nghệ.
Phát biểu tại cuộc họp, Thứ trưởng Trần Văn Thuấn nhấn mạnh vắc xin phòng COVID-19 là vấn đề luôn được lãnh đạo Đảng và Nhà nước quan tâm, Thủ tướng đã mời chuyên gia WHO hỗ trợ Việt Nam về nghiên cứu, sản xuất vắc xin để làm sao Việt Nam nhanh chóng sản xuất được vắc xin trong nước nhằm "đảm bảo tự chủ về vắc xin cho nhu cầu của nhân dân".
"Làm sao để tranh thủ, tận dụng tối đa hỗ trợ của chuyên gia WHO trong công nhận phòng xét nghiệm, công nhận tiến trình thử nghiệm lâm sàng và quan trọng nhất là công nhận vắc xin COVID-19 của Việt Nam để tiến tới tự chủ vắc xin và có thể xuất khẩu", Thứ trưởng nhấn mạnh.
Thứ trưởng Trần Văn Thuấn cũng đề nghị các thành viên của Tổ công tác đặc biệt phát huy cao nhất năng lực, trách nhiệm trong công việc.
Ngày 21-7, nhóm chuyên gia Việt Nam sẽ có cuộc họp trực tuyến đầu tiên với chuyên gia của WHO trong công nhận phòng xét nghiệm và công nhận tiến trình thử nghiệm lâm sàng vắc xin ngừa COVID-19 của Việt Nam.
Theo thông tin từ nhóm Cục Khoa học, công nghệ và đào tạo, Bộ Y tế, cho đến nay các đơn vị triển khai thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3 vắc xin Nano Covax đã hoàn tất tiêm mũi 2 cho hơn 800 người tham gia thử nghiệm giai đoạn 3a, gần 200 người khác chuẩn bị tiêm mũi 2. Đồng thời hoàn tất tiêm mũi 1 cho 13.000 người tham gia thử nghiệm giai đoạn 3b.
Cục Khoa học, công nghệ và đào tạo cho biết nhóm nghiên cứu đang triển khai lấy mẫu ngày thứ 42 sau tiêm của những người đã tiêm xong mũi 2, tiến tới đánh giá hiệu quả sinh miễn dịch của vắc xin.
"Sau khi hoàn tất đánh giá nhóm nghiên cứu báo cáo Hội đồng đạo đức trong nghiên cứu y sinh và báo cáo Bộ Y tế.
Về cấp phép cho vắc xin, đang có 2 phương án: theo quy trình truyền thống phải thông qua hiệu quả giảm số mắc, số ca tử vong của vắc xin, thời gian chờ đợi sẽ kéo dài; phương án thứ 2 là thông qua tính sinh miễn dịch và khả năng ức chế virus của vắc xin, thời gian cấp phép lưu hành vắc xin sẽ nhanh hơn" - đại diện Cục Khoa học, công nghệ và đào tạo cho biết.
Tại Việt Nam hiện có 2 vắc xin ngừa COVID-19 nội đang ở giai đoạn thử nghiệm lâm sàng, trong đó Nano Covax đang thử nghiệm giai đoạn 3 và COVIVAC chuẩn bị vào giai đoạn 2. Tháng 6 vừa qua, nhà sản xuất Nano Covax đã có Thư gửi Thủ tướng Chính phủ, đề nghị được cấp phép vắc xin theo điều kiện khẩn cấp của Luật Dược hiện hành.
Nhà sản xuất cho biết có khả năng sản xuất 50 triệu liều vắc xin trong năm 2021 và 100 triệu liều năm 2022, giá thành 120.000 đồng/mũi tiêm.
Tổ công tác đặc biệt với mục tiêu hỗ trợ tối đa cho các nhà nghiên cứu, sản xuất vắc xin phòng COVID-19 trong nước với phương châm chủ động tối đa, linh hoạt, các đơn vị cần đến đâu, chuyên gia của Tổ công tác đặc biệt hỗ trợ đến đó. Đồng thời đề nghị Cục Khoa học đào tạo và công nghệ chủ động mời thêm chuyên gia hỗ trợ khi cần theo đúng thẩm quyền.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận