24/10/2014 09:15 GMT+7

​Phạm nhân chết 16 tháng, gia đình mới biết

DUY THANH
DUY THANH

TT - Khăn gói từ Nha Trang (tỉnh Khánh Hòa) đến trại giam Xuân Phước thăm con trai đang thụ án, vợ chồng ông Trần Đứng “chết đứng” khi hay tin con qua đời trước đó hơn 16 tháng.

Vợ chồng ông Trần Đứng Ảnh: Duy Thanh
Vợ chồng ông Trần Đứng Ảnh: Duy Thanh

Năm 2001, anh Trần Anh Tuấn bị TAND tỉnh Khánh Hòa tuyên án 12 năm tù và thụ án tại trại giam Xuân Phước (Bộ Công an, đóng tại huyện miền núi Đồng Xuân, tỉnh Phú Yên). Theo thông báo của trại, ngày 25-6-2013 Tuấn mãn hạn tù. 

Bất ngờ biết tin con chết

“Phường phải có trách nhiệm”

Chiều 23-10, ông Trần Văn Dũng - giám thị trại giam Xuân Phước - cho biết: “Phạm nhân khi chấp hành án mà bệnh tật và tử vong thì chúng tôi gửi thông báo cho gia đình và địa phương, nhưng không hiểu sao gia đình anh Tuấn không biết được. Trong trường hợp gia đình người ta không nhận được thông báo thì trách nhiệm của địa phương là phải báo cho thân nhân, gia đình. Còn khi gia đình chuyển đi nơi khác thì đúng là cũng khó, nhưng chính quyền phải chuyển tiếp để báo cho gia đình người ta biết”.

Theo luật sư Nguyễn Hồng Hà - phó chủ nhiệm Đoàn luật sư tỉnh Khánh Hòa, trong trường hợp này đúng ra UBND P.Vĩnh Thọ phải là nơi cấp giấy chứng tử cho anh Tuấn, bởi nơi cư trú cuối cùng của anh là tại đây (ghi rõ trong thông báo của trại giam Xuân Phước), chứ không phải là UBND xã Xuân Phước. Cũng theo ông Hà, việc phường nhận thông báo phạm nhân chết nhưng không liên lạc với gia đình, không làm việc với trại giam Xuân Phước mà xếp hồ sơ là việc làm chưa đúng quy định pháp luật.

Tháng 10-2014, bà Ngọc (vợ ông Đứng, trú tại xã Phước Đồng, Nha Trang) nhẩm tính dường như Tuấn đã mãn hạn tù nhưng không thấy về.

Lo con cải tạo không tốt, bị kỷ luật tăng thêm thời gian ở trại, ngày 14-10 vợ chồng ông Đứng cùng một người bà con xin giấy thăm Tuấn.

“Vợ chồng tôi đến đó, cán bộ trại giam đi kiểm tra và báo lại là không có ai tên Trần Anh Tuấn. Khi chúng tôi gặp giám thị thì mới được thông báo là Tuấn mất vào ngày 12-6-2013 do bệnh nặng và đã được chôn cất trong nghĩa trang của trại” - bà Ngọc kể.

Cán bộ trại cho biết có gửi thông báo về cho P.Vĩnh Thọ (TP Nha Trang, nơi anh Tuấn đăng ký hộ khẩu), có liên lạc bằng điện thoại nhưng gia đình không bắt máy.

Đại tá Phạm Xuân Lâm - phó giám thị trại giam Xuân Phước - còn lục hồ sơ và giao cho gia đình một bản sao giấy chứng tử do UBND xã Xuân Phước (huyện Đồng Xuân) cấp ngày 13-6-2013 (tức một ngày sau khi phạm nhân qua đời), một thông báo về việc Tuấn chết của trại gửi ông Trần Đứng (ở tổ 31 Hải Phước, P.Vĩnh Thọ), một bản photo thông báo ngắn gọn, có dấu mộc Bưu điện Xuân Phước ngày 12-6-2013 gửi cho ông Đứng.

Địa phương không có trách nhiệm thông báo?

Sáng 16-10, bà Ngọc đến UBND P.Vĩnh Thọ gặp ông Phạm Nguyễn Tất Nhiên, công chức phụ trách mảng hộ tịch - tư pháp.

“Tôi hỏi ông Nhiên vì sao nhận được thông báo Tuấn chết trong trại mà không thông tin cho gia đình, ông Nhiên nói không nhận được thông báo nào cả. Tôi đề nghị phường xác nhận là không nhận được thông báo trên để tôi khiếu nại lãnh đạo trại giam Xuân Phước, ông Nhiên không đồng ý, tôi xin gặp chủ tịch hoặc phó chủ tịch phường cũng không được. Tôi bức xúc lớn tiếng thì ông Nhiên đuổi tôi ra khỏi trụ sở phường” - bà Ngọc kể.

Theo bà Ngọc, chiều 16-10 bà đến phòng làm việc của ông Trình Xuân Minh Thế - phó chủ tịch UBND P.Vĩnh Thọ.

“Tại đây, ông Thế gọi thì ông Nhiên mang ra hai thông báo về việc Tuấn chấp hành xong hình phạt tù và về việc Tuấn chết trong khi thụ án. Lúc bấy giờ, ông Thế mới hỏi là gia đình có cần làm giấy chứng tử không thì tôi nói đã có trại cung cấp rồi. Thấy tôi bức xúc, ông Thế bảo: Chị muốn kiện thì cứ kiện, chứ con chị chết rồi, kiện cũng chẳng được gì đâu!” - bà Ngọc nói.

Ngày 23-10, ông Phạm Nguyễn Tất Nhiên cho biết ông không hề nói không nhận thông báo về cái chết của Tuấn từ trại giam Xuân Phước và không hề đuổi bà Ngọc ra khỏi phòng tiếp dân.

“Tôi nói với bà Ngọc là phường chỉ nhận thông báo mà trại gửi cho phường để biết, chứ không nhận được thông báo gửi cho gia đình. Bà Ngọc không đồng ý mà buộc tôi phải xác nhận, tôi nói tôi không xác nhận được thì bà la lối, chửi bới, gây mất trật tự” - ông Nhiên trình bày.

Theo ông, thông báo của trại giam Xuân Phước gửi UBND P.Vĩnh Thọ ghi là “thông báo để UBND P.Vĩnh Thọ được biết” chứ không thấy đề nghị địa phương báo cho gia đình.

Còn ông Trình Xuân Minh Thế thì nói: “Gia đình ông Đứng đã cắt khẩu khỏi địa phương từ năm 2000, đang sinh sống nơi khác, ông Đứng nói mẹ ông và anh Tuấn còn hộ khẩu ở tổ 31 Hải Phước, P.Vĩnh Thọ nhưng chúng tôi mới kiểm tra thì tổ dân phố nói họ không còn sống ở đấy nữa.

Ở phường này hiện có hàng trăm người sinh sống nơi khác nhưng hộ khẩu vẫn còn ở đây cả chục năm, tìm không được. Có thể thư thông báo về cái chết của Tuấn do trại giam Xuân Phước gửi qua bưu điện về địa chỉ gia đình ông Đứng bị thất lạc”. Ông Thế cũng phủ nhận việc thách thức bà Ngọc đi thưa kiện, chỉ khuyên bà không nên kiện tụng làm gì vì dù sao Tuấn cũng đã qua đời...

Ông Thế còn nói chiều 22-10 có gọi điện đến ông Đứng, gửi lời xin lỗi và chia buồn với gia đình, đồng thời cho biết sẽ xem xét nếu công chức tiếp dân có hành vi không đúng thì sẽ xử lý.

Nhưng trao đổi với chúng tôi, ông khẳng định phường không sai, không khuyết điểm gì. Khi được hỏi không sai sao phải xin lỗi, ông Thế nói rằng ông chỉ “hạ mình một chút vì người ta đang đau khổ và bức xúc”.

DUY THANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên