05/12/2011 08:10 GMT+7

Phải xây thêm nhiều bệnh viện

GS.TS Trần Quỵ
GS.TS Trần Quỵ

TT - Nguyên giám đốc Bệnh viện Bạch Mai, GS.TS Trần Quỵ, cho rằng quá tải bệnh viện là hậu quả của tình trạng vô lý xây dựng nhiều chung cư, nhà cao tầng đẹp nhưng không xây bệnh viện, trường học.

Ông Quỵ nói:

d4JyOmaE.jpgPhóng to
Ông Trần Quỵ - Ảnh: Quang Thế

"Biện pháp trước mắt là phải... kê thêm giường. Nhưng không nên ứng dụng biện pháp này lâu dài, chỗ nào cũng kê giường vào sẽ khiến bệnh viện thành trại tập trung"

- Nhu cầu khám chữa bệnh tăng nhưng khả năng đáp ứng lại quá kém. Hiện số lượng giường bệnh/vạn dân quá thấp (18 giường/vạn dân), nhiều năm rồi bệnh viện không được xây thêm, không được đầu tư, trong khi khách sạn, nhà hàng, nhà ở... thì xây rất nhanh.

Khu Trung Hòa, Nhân Chính ở Hà Nội nhà cao tầng chi chít nhưng không có lấy một bệnh viện, trường mẫu giáo thì phải xếp hàng cả đêm để xin học. Đây là điều vô lý. Bệnh viện tuyến T.Ư, tỉnh, huyện không được đầu tư đúng mức, như Bệnh viện Bạch Mai thì có khi 3, 4, 5 bệnh nhân/giường bệnh, có lúc bệnh nhân vào không biết nằm ở đâu.

Người bình thường 2-3 người/giường đã không chịu được, người bệnh thì 3-5 người/giường, nằm trở đầu đuôi, thậm chí nằm... gầm giường.

* Rất nhiều ý kiến nói đến biện pháp giải quyết tình trạng này, nhưng đều cho là khó giải quyết vì không có tiền...

- Phải kết hợp cả những biện pháp cấp bách và biện pháp lâu dài, cơ bản. Nhưng quan trọng hơn là những giải pháp lâu dài. Một biện pháp cần làm ngay là tăng cường điều trị ngoại trú. Ở nước ngoài, nguyên tắc là ba bệnh nhân ngoại trú (uống thuốc tại nhà nhưng hằng ngày được bác sĩ khám, theo dõi tiến triển điều trị) mới có một bệnh nhân điều trị nội trú. VN ngược lại, bệnh nhân nội trú lại nhiều hơn.

Thứ nữa là biện pháp giảm ngày điều trị. Biện pháp này đã được nói đến nhiều: ví dụ Bệnh viện Bạch Mai ngày điều trị trung bình là 11 ngày/bệnh nhân, nay cố gắng giảm xuống 8-10 ngày. Ở nước ngoài, ngày điều trị trung bình/bệnh nhân tại bệnh viện chỉ là 3-5 ngày. Bệnh nhân ở các tỉnh thành chuyển về tuyến T.Ư, tuyến này chỉ làm nhiệm vụ chẩn đoán chính xác, làm xét nghiệm đầy đủ, điều trị qua giai đoạn cấp cứu rồi chuyển về tuyến tỉnh thành điều trị theo phác đồ của bệnh viện T.Ư.

Việc cán bộ y tế tuyến trên tăng cường cho tuyến dưới là một biện pháp chống quá tải. Nhưng vấn đề là phải xuống đào tạo, hỗ trợ chuyên môn, kỹ thuật, cầm tay chỉ việc bao giờ tuyến dưới làm được kỹ thuật đó mới thôi, chứ không phải đến làm thay họ vài tháng, khám được một số bệnh nhân, mổ được một số ca rồi về. Một vấn đề nữa cần lưu ý là xây dựng hệ thống bệnh viện vệ tinh của bệnh viện tuyến T.Ư đầu ngành.

* Những việc ông vừa nói đều là những biện pháp không cần đầu tư lớn, ngành y tế có thể làm được ngay. Tại sao vẫn không giải quyết được quá tải?

- Các biện pháp giảm ngày điều trị, đào tạo cán bộ, tăng cường cho tuyến dưới... ngành y tế làm được, nhưng không phải là biện pháp chống quá tải cơ bản. Cơ bản phải là mở rộng số lượng giường bệnh, bệnh viện, cái đó Nhà nước mới lo được.

* Thưa ông, dịch vụ y tế bị kêu nhiều vì nhiều người cho rằng giá viện phí rẻ, nhưng 3-5 bệnh nhân/giường bệnh mà người nào cũng phải trả tiền giường như nhau thì đâu có rẻ. Đã có nhiều năm làm giám đốc bệnh viện, ông thấy người dân kêu có lý không?

- Nằm ghép vẫn thu tiền, người bệnh có kêu nhưng thật ra cũng phải thu vì còn những chi phí như công điều trị, điện, nước, phí vệ sinh... cho bệnh nhân đó, chứ không chỉ ở cái giường. Về chất lượng điều trị, nhân lực ngành y tế quá thiếu, lẽ ra một bác sĩ phải có 3-4 điều dưỡng, nhưng mình thì một bác sĩ chỉ có 1,3 điều dưỡng, khó thực hiện chăm sóc toàn diện, phải nhờ vào người nhà bệnh nhân.

* Tại nhiều hội thảo trước đây, chính các giám đốc bệnh viện cũng thừa nhận quá tải bệnh viện thì bệnh nhân khổ, bức xúc, nhưng bệnh viện cũng thích quá tải vì quá tải mới có nguồn thu, nhất là trong điều kiện đầu tư cho y tế khó khăn. Ông nhìn nhận thế nào về vấn đề này?

- Không bệnh viện nào thích quá tải đâu, vì năng suất làm việc của bác sĩ, điều dưỡng đã quá vất vả rồi, làm việc trong điều kiện thiếu nhân lực, bệnh viện quá tải không bảo đảm sức khỏe. Làm sao người ta lại thích đi làm suốt ngày, trong khi kinh phí bệnh viện không có, lương và phụ cấp thấp. Còn nguồn thu, tôi cho là không ăn thua gì.

* Ông nghĩ như thế nào về việc phát triển hệ thống bệnh viện tư nhân ở VN?

- Tôi cho là phải phát triển hệ thống bệnh viện cả công và tư. Nhà nước không có tiền đầu tư cho bệnh viện thì phải có cơ chế để phát triển hệ thống bệnh viện tư. Chúng ta bước đầu cũng đã có những bệnh viện lớn của tư nhân, họ bắt đầu thu hút cán bộ y tế từ bệnh viện công lập, trả lương rất cao và tôi cho rằng đã bắt đầu tạo cạnh tranh trong cung cấp dịch vụ y tế.

* Một vấn đề khiến chất lượng dịch vụ y tế bị kêu là cán bộ y tế luôn nghĩ là người khám chữa bệnh cho người dân nên họ đứng ở vị trí cao hơn, không công bằng với người mua dịch vụ y tế là người bệnh...

- Đây là một đòi hỏi thực tế, nhưng phải dần dần. Thực tế những tiêu cực trong ngành y tế chỉ là số ít, số ít đó phải bị xử lý cương quyết, nghiêm túc. Còn đại bộ phận cán bộ y tế thu nhập còn thấp, công việc rất vất vả, nguy hiểm, thời gian đào tạo kéo dài...

Nhưng sự thật là người dân hay nhìn một phía, chỉ nhìn thấy y đức xuống cấp, còn bộ phận tận tụy với công việc chưa được nhìn thấy. Như tôi đã nói, cũng rất nên tạo mối quan hệ công bằng là người cung cấp dịch vụ và người mua dịch vụ y tế.

GS.TS Trần Quỵ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên