25/12/2018 09:55 GMT+7

Phải nuôi dưỡng nguồn lợi hải sản

NHÓM PHÓNG VIÊN
NHÓM PHÓNG VIÊN

TTO - Theo các chuyên gia, ngoài các biện pháp chế tài nặng với những tàu cá vi phạm, các địa phương phải quy hoạch lại đội tàu cá, lập khu dự trữ để tái tạo nguồn lợi, có chính sách khuyến khích ngư dân đánh bắt các loại hải sản có giá trị cao...

Phải nuôi dưỡng nguồn lợi hải sản - Ảnh 1.

Ngư dân cần được hỗ trợ, khuyến khích đánh bắt những loại hải sản có giá trị cao - Ảnh: TRƯỜNG TRUNG

Trong khi các địa phương cho biết đang tổ chức chuyển đổi ngành nghề với các loại tàu đánh bắt tận diệt, một số chuyên gia cho rằng không thể đổ hết trách nhiệm cho ngư dân, mà phải tổ chức đào tạo, hướng dẫn và tuyên truyền cho ngư dân về ngư trường, nguồn lợi.

* Ông Trần Văn Lĩnh - Chủ tịch Hội nghề cá TP Đà Nẵng:

Đừng phó mặc cho ngư dân

Phải nuôi dưỡng nguồn lợi hải sản - Ảnh 2.

Nghề biển của chúng ta đang phát triển đúng nghĩa "nghề biển nhân dân" với quy mô nhỏ lẻ, đánh bắt thủ công và phát triển tùy tiện. Ngư dân ra biển rất thiếu thông tin bởi việc quy hoạch vùng biển, bản đồ phân bố vùng chưa được khảo sát thường xuyên. Chính sách của chúng ta mới là sắm tàu lớn cho ngư dân ra khơi, còn đánh bắt thế nào để năng suất cao, loài nào và ở đâu... thì không thấy.

Là quốc gia hướng biển mà đến nay Bộ NN&PTNN, cơ quan chủ quản của ngành thủy sản, cũng không hề có một con tàu nào ra khơi làm nghiên cứu về đại dương, về hệ sinh thái Biển Đông thì làm sao chúng ta có thông tin về tài nguyên đang sở hữu?

* Ông Võ Khắc Én - Phó chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Khánh Hòa:

Có thể cấm biển trong mùa sinh sản của cá

Phải nuôi dưỡng nguồn lợi hải sản - Ảnh 3.

Với nguồn lợi thủy sản ven bờ đang bị suy giảm nghiêm trọng như hiện nay, cơ quan chức năng liên ngành cần phải phối hợp quản lý về môi trường, bảo vệ những bãi sinh sản của cá và những bãi cư trú của cá con, đặc biệt là san hô - "ngôi nhà của cá" - để cá sinh sản phát triển. 

Tái tạo nguồn lợi thủy sản bằng cách vận động ngư dân, tổ chức, cá nhân doanh nghiệp thả thủy sản xuống biển. Trong tương lai, cần tính tới giải pháp cấm biển trong mùa sinh sản của cá để nguồn thủy sản có thể phát triển.

Với nghề cá xa bờ cần áp dụng nghiêm chính sách của Chính phủ là tăng số lượng tàu cá xa bờ theo chỉ tiêu của từng tỉnh, không được tăng quá mức. Chẳng hạn, Khánh Hòa hiện có 1.300 tàu cá đánh bắt xa bờ, theo chỉ tiêu chỉ còn tăng được 175 chiếc sẽ dừng và không phát triển thêm. Đặc biệt, phải đào tạo đội ngũ đi biển, hiện đại hóa đội tàu, nhất là về trang thiết bị khai thác để tăng năng suất chuyến biển và giảm số lượng người lao động.

* Ông Trần Văn Cường - Giám đốc Sở NN&PTNT Bà Rịa - Vũng Tàu:

Chấm dứt nghề lưới kéo vào tháng 6-2020

Phải nuôi dưỡng nguồn lợi hải sản - Ảnh 4.

Theo kế hoạch đã được UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu công bố, đến giữa năm 2020, ngành thủy sản Bà Rịa - Vũng Tàu sẽ hoàn thành việc chuyển đổi nghề lưới kéo xa bờ sang nghề khác như lưới vây, lưới rê, chụp, câu để chấm dứt loại hình khai thác thủy sản tận diệt này. Để hỗ trợ ngư dân chuyển đổi nghề, tỉnh và các ngành chức năng có chính sách hỗ trợ ngư dân vay vốn chuyển đổi.

Bà Rịa - Vũng Tàu cũng sẽ triển khai đề án phát triển nghề khai thác viễn dương và đưa ngư dân đi khai thác thí điểm ở một số nước mà VN có thỏa thuận hợp tác nghề cá như Brunei, Papua New Guinea và Micronesia. Các ngành chức năng sẽ kiểm soát chặt chẽ và xử lý nghiêm các phương thức khai thác thủy sản mang tính hủy diệt, giảm dần các nghề khai thác kém hiệu quả, không bền vững.

Tuy nhiên, quan trọng nhất vẫn là ý thức khai thác, đánh bắt của bà con ngư dân. Đó là hãy từ bỏ những kiểu đánh bắt tận diệt, tàn phá, hủy hoại nguồn lợi thủy sản, hủy hoại môi trường.

* Ông Nguyễn Văn Tâm - Giám đốc Sở NN&PTNT Kiên Giang:

Lập khu vực dự trữ để tái tạo nguồn lợi thủy sản

Để dần dần tái tạo nguồn lợi thủy sản, chúng tôi đã yêu cầu lực lượng kiểm ngư phối hợp với các địa phương ven biển kiểm tra, kiểm soát hoạt động đánh bắt gần bờ, đánh bắt mang tính tận diệt. Kiên Giang cũng đã lập một số khu vực dự trữ để tái tạo nguồn lợi thủy sản, như vùng biển Kiên Hải, quần đảo Bà Lụa, khu vực ven biển Hà Tiên, Kiên Lương, ven biển Rạch Giá...

Ngoài ra, chúng tôi có lộ trình giảm số lượng tàu cá, dự kiến đến năm 2020 giảm khoảng 35% số tàu so với hiện tại. Một trong những giải pháp trước mắt là ngưng cấp phép đóng mới tàu cá, chỉ cho phép thay thế, nâng cấp tàu nhỏ thành tàu công suất lớn đánh bắt xa bờ. 

Ngoài việc hỗ trợ cho vay ưu đãi để các chủ tàu cá lắp đặt trang thiết bị hiện đại trên tàu, theo tôi, cần xây dựng quy định vùng đánh bắt theo mùa, quy định cỡ mắt lưới và loại hình khai thác cần ưu tiên, cấm đánh bắt theo kiểu tận diệt.

Phải nuôi dưỡng nguồn lợi hải sản - Ảnh 5.

Đánh bắt hải sản tận diệt bằng lưới rập bát quái trên biển Vũng Tàu vào rạng sáng một ngày tháng 9-2018 - Ảnh ĐÔNG HÀ.

* Ông Châu Công Bằng - Phó giám đốc Sở NN&PTNT Cà Mau:

Phải hiện đại hóa đội tàu đánh bắt

Để phát triển bền vững nghề đánh bắt thủy sản thì cần rất nhiều giải pháp. Trong đó có việc quy hoạch lại đội tàu khai thác, nghiên cứu vùng biển nào, đặc điểm ra sao, nguồn lợi thủy sản đặc trưng và khả năng cho phép khai thác trữ lượng được bao nhiêu.

Đối với những loại nghề, phương tiện đánh bắt không phù hợp, nhất là tàu có công suất nhỏ khai thác ven bờ, phải quyết liệt chuyển đổi và loại bỏ dần. Bên cạnh đó, hiện đại hóa đội tàu, trang bị công nghệ, thiết bị hiện đại, khuyến khích ngư dân khai thác vùng biển xa bờ.

Riêng tỉnh Cà Mau thời gian qua đã xây dựng đề án chuyển đổi ngành nghề cho tàu cá dưới 20CV. Tuy nhiên, do kinh phí còn hạn chế nên hiện chỉ mới làm ở mức thí điểm, nếu thành công sẽ nhân rộng.

* Ông Phùng Đình Toàn - Phó chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Quảng Ngãi:

Phải quy hoạch lại tàu thuyền

Các địa phương phải tổ chức, quy hoạch lại tàu thuyền, quy định số tàu đóng mới mỗi năm, vận động một số tàu giã cào chuyển đổi công năng để bảo vệ nguồn lợi, hệ sinh thái biển.

Nhà nước cũng cần có sự đầu tư lớn và tương xứng vào các hệ thống hậu cần nghề cá, giúp nâng cao giá trị thương phẩm cho ngư dân. Tạo điều kiện cho ngành thủy sản phát triển theo hướng chú trọng chất lượng, thay vì chạy theo số lượng như hiện nay.

* Ông Phan Trọng Hổ - Giám đốc Sở NN&PTNT Bình Định:

Chuyển nghề cho tàu giã cào

Chúng tôi đang thực hiện kế hoạch "3 bước" trong việc xóa bỏ khai thác hủy diệt gần bờ, đó là thống kê số lượng tàu khai thác mang tính hủy diệt gần bờ, phân loại tàu có giấy tờ hay không, xây dựng đề án để chuyển đổi nghề cho số ngư dân hành nghề trên những tàu khai thác ven bờ gây ảnh hưởng đến nguồn lợi thủy sản. Đến nay, Bình Định đã thống kê được hơn 700 tàu hành nghề khai thác giã cào, xiệc điện trên địa bàn.

Chúng tôi đang gấp rút thực hiện bước 2 là phân loại tàu, trong đó những tàu có giấy tờ sẽ được yêu cầu làm cam kết khai thác trong vùng lộng, khơi xa, không dùng các ngư cụ mang tính hủy diệt. Với những tàu không có giấy tờ, chúng tôi sẽ không cho khai thác hoặc chuyển đổi nghề phù hợp cho chủ tàu, cương quyết không để khai thác ven bờ làm cạn kiệt nguồn lợi thủy sản. Đây là một thách thức không nhỏ nhưng chúng tôi đặt mục tiêu trong năm 2019 phải xử lý rốt ráo vấn đề này.

Phải nuôi dưỡng nguồn lợi hải sản - Ảnh 6.

Thành quả của một mẻ lưới giã cào, chủ yếu là hải sản nhỏ - Ảnh: ĐÔNG HÀ

* Ông Thái Vinh Nhơn - Giám đốc một doanh nghiệp xuất khẩu lươn biển, Đà Nẵng:

Nên khuyến khích đánh bắt các loài giá trị cao

Tôi là dân tay ngang tham gia khai thác và xuất khẩu thủy sản, sau khi phát hiện nhu cầu mua lươn biển rất cao từ các nước Đông Á. Và khi tìm hiểu sâu lĩnh vực này, tôi thấy ngư dân mình còn lạc hậu, phương thức đánh bắt theo kiểu tận diệt mà không mang lại hiệu quả kinh tế.

Chiếm tỉ lệ lớn trong đội tàu cá Việt Nam vẫn là tàu lưới vây và giã cào, loại hình khai thác làm cạn kiệt tài nguyên. Dù ngành thủy sản hạn chế không cho phát triển đội tàu giã cào nhưng đa số ngư dân đã "tay quen" với nghề này, chưa kể gặp khó khăn về tài chính khi chuyển đổi nghề.

Vừa qua ngành thủy sản tăng nhanh về số lượng tàu, nhưng thử hỏi trong đó có bao nhiêu tàu có loại hình, phương thức đánh bắt mới, công nghệ mới. Dù muộn nhưng ngành thủy sản cần định hướng cho người dân chú trọng vào khai thác các loài có giá trị xuất khẩu cao, hạn chế tối đa việc khai thác làm ảnh hưởng tới môi trường và sinh cảnh các vùng biển.

Theo tôi, nếu không thay đổi, ngành thủy sản Việt Nam sẽ đối diện với nhiều nguy cơ khi nguồn tài nguyên dần cạn kiệt.

Biển đã cạn cá? - Kỳ 2: Đỏ mắt tìm thuyền viên Biển đã cạn cá? - Kỳ 2: Đỏ mắt tìm thuyền viên

TTO - Không chỉ lo sợ sự cố xảy ra trên biển hay giá sản phẩm đánh bắt thấp, không đủ sở hụi, nhiều chủ tàu cũng nơm nớp lo thiếu thuyền viên mỗi chuyến ra khơi, bởi nhiều người không muốn theo cái nghề nặng nhọc mà nhiều rủi ro này.

NHÓM PHÓNG VIÊN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên