11/07/2022 09:42 GMT+7

Phải làm 'sống lại' nhà ở hợp túi tiền - Kỳ 1: Chẳng lẽ cả đời ở trọ tạm bợ!

NGỌC HIỂN
NGỌC HIỂN

TTO - Giấc mơ có một mái nhà của công nhân ngày càng xa khi giá nhà đất tăng chót vót trong khi nhà ở xã hội gần như đã 'tuyệt chủng' mấy năm qua. Làm gì để tăng nhà ở xã hội, nhà ở giá rẻ cho công nhân?... là những câu hỏi bức bách cần lời giải.

Phải làm sống lại nhà ở hợp túi tiền - Kỳ 1: Chẳng lẽ cả đời ở trọ tạm bợ! - Ảnh 1.

Công nhân dọn về khu nhà giá rẻ diện tích nhỏ dưới 30m2 tại quận Bình Tân (TP.HCM). Đó là mơ ước của hàng triệu người có thu nhập thấp - Ảnh: TỰ TRUNG

Khi tuyến bài này khởi đăng, hàng triệu công nhân khắp các đô thị vẫn ngày đêm ăn ngủ tạm bợ trong những xóm trọ chật chội và đau đáu giấc mơ an cư.

20 năm ở trọ

Những cơn mưa nặng hạt đầu mùa khiến khoảng sân đất trước dãy trọ công nhân kế bên Khu công nghiệp Lê Minh Xuân (huyện Bình Chánh, TP.HCM) đọng nước như ao. Những công nhân "ngụ cư" trong dãy trọ này phải lội nước mới vào được phòng trọ của mình.

Do dãy trọ này nằm không xa Công ty TNHH Pouyuen Việt Nam, nơi có đến 56.000 công nhân nên phần lớn người thuê trọ đều là thợ của doanh nghiệp đông công nhân nhất TP.HCM này. Mở cánh cửa tôn bước vào căn trọ ẩm ướt bên hông dãy trọ, vợ chồng nam công nhân Võ Sơn Thành (45 tuổi) lại hối hả chuẩn bị bữa cơm chiều.

Trải manh chiếu ngồi giữa nền nhà, anh Thành kể rằng vợ chồng từ mảnh đất Trần Đề (Sóc Trăng) lên Sài Gòn đã hơn chục năm, từ đó cho đến nay đều gắn bó đời thợ với Công ty Pouyuen. Mỗi tháng, cả hai lãnh lương được hơn chục triệu đồng, trừ tiền ăn, tiền trọ, vợ chồng cũng có được "chút đỉnh" gởi về quê nuôi 3 đứa con ăn học.

Hơn mười năm sống ở Sài Gòn cũng là chừng ấy năm anh Thành gắn liền với cuộc sống nhà trọ chật chội chừng chục mét vuông này. "Lương bổng chừng đó, dôi dư có bao nhiêu đâu mà dám nghĩ đến chỗ trọ tốt hơn, huống chi là nghĩ đến nhà. Thôi cứ ở tạm, hết sức thì về quê với ruộng đồng", anh Thành nói.

Chung cảnh ngộ, chị Nguyễn Thị Hồng Luyện (39 tuổi, quê Quảng Bình) đã tròn 20 năm bôn ba xứ người nhưng đến nay cả gia đình vẫn phải ở nhà thuê để làm việc cho nhà máy của giày da trong Khu chế xuất Linh Trung 2 (TP Thủ Đức).

Chị Luyện làm công nhân giày da, còn chồng làm "thợ đụng". Có thâm niên nhưng chị Luyện nhận lương cơ bản 6,2 triệu đồng, kể cả phụ cấp được 8 triệu đồng, trong khi chồng thu nhập bấp bênh, gắng lắm cũng chừng 4 - 5 triệu đồng.

Trong căn nhà thuê nằm trên tỉnh lộ 43 (phường Bình Chiểu, TP Thủ Đức), chị Luyện cho hay nay các con khôn lớn, giấc mơ có được một mái nhà để tròn bổn phận mẹ cha lại trỗi dậy trong chị Luyện. "Tui ước có căn chung cư nhỏ nhỏ nhưng khó quá, tháng mô cũng làm ăn chẳng dư dả được chi lại còn thêm nợ nần thì biết khi mô mới có được nhà đây", chị Luyện thở dài.

Phải làm sống lại nhà ở hợp túi tiền - Kỳ 1: Chẳng lẽ cả đời ở trọ tạm bợ! - Ảnh 2.

Một khu nhà trọ công nhân ở phường Thạnh Lộc, quận 12, TP.HCM - Ảnh: NGỌC PHƯỢNG

Ở ghép 4 - 10 người/phòng

Trong căn trọ có gác lửng kế bên Khu công nghiệp Hiệp Phước, nam công nhân Nguyễn Hoàng Giang (31 tuổi, quê Hậu Giang) cùng 3 công nhân khác chọn cách sống tiết kiệm khi chia tiền trọ và chung tiền để cùng nấu ăn. Mỗi tháng, mỗi công nhân đóng vào 1 triệu đồng, phân nửa số tiền là để thuê trọ (1,8 triệu đồng/tháng), còn lại gộp thành quỹ chung, đến phiên ai người đó lấy đi chợ, cuối tháng thiếu lại đắp thêm.

Theo Giang, dù ở hơi chật chội nhưng mỗi người đều đi làm cả ngày, tối về chỉ ăn với nhau bữa cơm rồi lăn ra ngủ nên ai cũng chấp nhận cho qua ngày đoạn tháng.

Giống như Giang, nhiều phòng trọ trong dãy trọ đến 20 phòng này cũng là nơi trú thân của 4 - 5 công nhân/phòng, giúp giảm chi phí trọ. Cá biệt, có những gác trọ lên đến 6 - 7 người trong những căn phòng chỉ tầm 10m2.

Phải làm sống lại nhà ở hợp túi tiền - Kỳ 1: Chẳng lẽ cả đời ở trọ tạm bợ! - Ảnh 3.

Dữ liệu: Ngọc Hiển - Đồ họa: N.KH.

Chủ tịch công đoàn một doanh nghiệp lớn phía Nam cho hay bao nhiêu năm anh bảo vệ quyền lợi công nhân, giải pháp gốc vẫn là làm sao sản phẩm ở Việt Nam nâng được giá trị gia tăng, thu nhập của công nhân tăng. Bên cạnh đó, nên theo bài học các nước, ví dụ anh đọc báo thấy có quốc gia yêu cầu khi làm khu công nghiệp, buộc phải dành diện tích đất xây nhà cho công nhân. 

Thực tế, ở Việt Nam nhiều doanh nghiệp cũng đã tự xây nhà cho công nhân thuê, mua để họ yên tâm gắn bó, cống hiến. Cần sớm nghiên cứu nhân rộng. Bởi công nhân sống thiếu thốn, vạ vật có thể nảy sinh nhiều vấn đề xã hội không nhỏ.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Trần Việt Anh, phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM (HUBA), cho biết quãng thời gian dịch đã phơi bày mặt tối của đời sống công nhân tại các khu trọ, đó là cuộc sống quá chật chội, tạm bợ và quá thiếu thốn. Nhiều công nhân chọn cách sống tiết kiệm khi ở ghép, thậm chí có nơi có đến 9 - 10 người/phòng.

Ông Lê Hoàng Châu, chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM, cho biết TP.HCM chỉ có khoảng 15% công nhân lao động các khu công nghiệp thuê được chỗ ở trong các khu nhà lưu trú công nhân, còn phần lớn đang thuê phòng trọ của cá nhân, hộ gia đình. Hiện có khoảng 60.470 công trình nhà trọ do cá nhân, hộ gia đình đầu tư, có thể đáp ứng chỗ ở cho hơn 1,4 triệu người. 

Theo ông Châu, đa số các khu nhà trọ dạng dãy phòng trọ cho thuê thường lụp xụp, không đảm bảo chất lượng, rất thiếu tiện ích, không đảm bảo an ninh, an toàn, phòng cháy chữa cháy... Ông Châu cho hay Luật nhà ở và nghị định 100 chỉ cho phép hộ gia đình, cá nhân đầu tư kinh doanh nhưng không cho phép doanh nghiệp đầu tư xây dựng, kinh doanh phòng trọ. 

Trong khi nếu cho doanh nghiệp làm phòng trọ cho thuê thì sẽ đảm bảo chất lượng hơn và tạo sức ép cạnh tranh, buộc các hộ gia đình, cá nhân phải đầu tư xây dựng khu nhà trọ của mình tốt hơn. Do đó, ông Châu đề nghị loại phòng trọ chất lượng và bài bản cần được khuyến khích và tạo điều kiện để phát triển, giải quyết bài toán nhà trọ đạt tiêu chuẩn cho công nhân.

Phải làm sống lại nhà ở hợp túi tiền - Kỳ 1: Chẳng lẽ cả đời ở trọ tạm bợ! - Ảnh 4.

Mẹ con chị Trần Thị Quỳnh Oanh (quê Tuyên Quang) trong phòng trọ tại xã Kim Chung, huyện Đông Anh, thành phố Hà Nội - Ảnh: QUANG THẾ

TS Phạm Thái Sơn (Đại học Việt Đức):

Dần cải thiện thị trường nhà cho thuê

Ngoài việc lo xây dựng nhà ở cho công nhân, chính quyền cần tính đến chính sách rộng hơn là tăng được thu nhập cho công nhân, để họ lo được cuộc sống ổn định chứ không phải đủ sống tối thiểu như hiện tại. Công nhân có lương cao sẽ tự lo chỗ ở cho mình tốt hơn, thị trường nhà cho thuê cũng phải thay đổi, cải thiện theo nhu cầu.

Bên cạnh đó, cần có tiêu chuẩn diện tích trung bình tối thiểu cho một người ở trong các khu nhà cho thuê, chủ nhà nào vi phạm sẽ phải chịu phạt nặng. Như vậy, việc xây dựng nhà ở xã hội sẽ dần được chuyển từ chương trình (Nhà nước chủ đạo) sang thị trường (doanh nghiệp chủ động).

D.N.HÀ

Mong có chỗ trọ tươm tất

Do khan hiếm các khu nhà ở công nhân tập trung nên hầu hết công nhân đang làm việc tại các Khu công nghiệp Bắc Thăng Long - Nội Bài (Hà Nội), Khu công nghiệp Yên Phong (Bắc Ninh)... đều chọn thuê phòng tại những dãy nhà trọ cấp 4.

Làm công nhân ở Khu công nghiệp Bắc Thăng Long hơn 10 năm nay nhưng chị Trần Thị Quỳnh Oanh (35 tuổi, quê Tuyên Quang) vẫn cùng con trai và chồng là anh Liệu Văn Thuần sống trong phòng trọ khoảng 10m2 với giá 600.000 đồng/tháng, chưa kể điện nước. Có ngày mưa lớn nước dột vào tận giường ngủ, ngày nắng thì nóng hầm hập.

"Hiện tôi chỉ có thu nhập 5,1 triệu đồng/tháng, chồng được 7 triệu đồng/tháng. Chỉ đủ chi tiêu gia đình, cho con đi học, gần như không có dư ra đồng nào...", chị Oanh nói.

Cùng cảnh ngộ như chị Oanh, gia đình anh Bùi Văn Thụy (37 tuổi, quê Hòa Bình)

kể: "Mình khổ thế nào cũng chịu được nhưng nhìn thấy các con khổ lây cũng tội lắm. Mong sao được tiếp cận với các nguồn vốn vay hoặc hỗ trợ để công nhân bọn tôi có thể thuê nhà giá rẻ, về lâu về dài có thể mua nhà trả góp...", anh Thụy nói.

Chị Minh, đã làm việc 5 năm trong nhà máy điện tử tại Khu công nghiệp Vân Trung (Bắc Giang), lương 7 - 8 triệu đồng/tháng, lo lắng: ngay cả khi có nhà ở xã hội, nhưng giá từ 12 - 13 triệu đồng/m2, không phải gia đình công nhân nào cũng đủ tiền để mua.

BẢO NGỌC - QUANG THẾ

TP.HCM: doanh nghiệp sẽ đóng quỹ xây nhà cho công nhân?

nhaoxahoi 1

Dự án nhà ở xã hội tại phường Quang Vinh (thành phố Biên Hòa, Đồng Nai) là một trong số ít dự án hoàn thành cho người thu nhập thấp thuê ở ổn định - Ảnh: A LỘC

Trong dự thảo chương trình phát triển nhà ở 2021 - 2025 của TP.HCM, Sở Xây dựng đưa ra nhiều giải pháp để phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho người thu nhập thấp.

Về quỹ đất: Sở Xây dựng đề xuất sắp xếp lại quỹ đất công, rà soát quỹ đất nông nghiệp có diện tích lớn để bồi thường, điều chỉnh quy hoạch và đấu thầu lựa chọn chủ đầu tư.

Với quỹ đất xây dựng nhà ở xã hội trong các dự án nhà ở thương mại, các sở tập trung tháo gỡ những vướng mắc, ủy quyền cho UBND TP Thủ Đức và các quận, huyện thực hiện các thủ tục đầu tư xây dựng nhà ở xã hội.

Bên cạnh đó, Sở Xây dựng kiến nghị bố trí vốn ngân sách để đầu tư xây dựng nhà ở xã hội thuộc sở hữu nhà nước.

Tại các khu công nghiệp, khu chế xuất: tìm kiếm các quỹ đất phù hợp, điều chỉnh quy hoạch, bổ sung các quỹ đất công ở gần đó để xây dựng nhà lưu trú cho công nhân thuê. Đặc biệt, sở kiến nghị tiếp tục cho chủ đầu tư các dự án nhà ở lưu trú cho công nhân vay vốn kích cầu, hỗ trợ lãi suất; nghiên cứu thí điểm quy định doanh nghiệp có sử dụng lao động trong các khu công nghiệp phải đóng góp lợi tức để lập quỹ xây dựng nhà ở cho công nhân.

D.N.HÀ

Bình Dương, Đồng Nai: cần cơ chế, xin vay 10.000 tỉ đồng

Theo ông Võ Hoàng Ngân - giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Bình Dương, tới nay tỉnh đã thu hút được 86 dự án nhà ở xã hội với tổng diện tích gần 200ha. Trong đó, mô hình thành công nhất là các căn nhà giá chỉ từ trên 100 triệu đồng/căn với diện tích 30m2 do Tổng công ty Becamex IDC xây dựng liền kề các khu công nghiệp. Vừa qua, đã có 47.500 căn hộ giá rẻ được hoàn thành và đang tiếp tục có thêm 20.000 căn được khởi công.

Ông Ngân cho hay để tạo quỹ nhà ở giá rẻ nhiều hơn nữa, Bình Dương kiến nghị trung ương cho tỉnh vay khoảng 10.000 tỉ đồng để xây thêm 1 triệu căn (bao gồm cả xây nhà ở xã hội, nhà ở công nhân và cải tạo phòng trọ cũ).

Để khuyến khích nhà đầu tư xây dựng nhà ở xã hội, cơ quan chức năng tỉnh Bình Dương cho rằng cần bổ sung cơ chế Nhà nước hỗ trợ một phần kinh phí đầu tư hạ tầng xã hội trong dự án nhà ở xã hội, với các dự án nhà ở xã hội để cho thuê thì được hỗ trợ toàn bộ kinh phí hạ tầng xã hội...

Còn đại diện Liên đoàn Lao động tỉnh Đồng Nai cho biết ước tính hơn 400.000 lao động đang làm việc trong các khu công nghiệp tại Đồng Nai có nhu cầu nhà ở thu nhập thấp. Ngoài các trường hợp tự mua được nhà, Đồng Nai còn thiếu khoảng 200.000 căn nhà ở xã hội.

Nghị quyết của HĐND tỉnh Đồng Nai về "Chương trình phát triển nhà ở giai đoạn 2021 - 2030" đặt mục tiêu xây dựng 6.000 căn nhà ở xã hội. Trên thực tế, đến nay có 7 dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân đang được triển khai với tổng gần 8.000 căn.

BÁ SƠN - A LỘC

Đã có cơ chế, địa phương cần quyết liệt

QD_NhaOXaHoi_Becamex_HoaLoi

Nhà ở xã hội Becamex - khu Hòa Lợi tại thành phố Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương - ẢNH: QUANG ĐỊNH

Trả lời Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Mạnh Khởi, phó cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng), cho rằng các địa phương phải quyết liệt để biến quỹ đất xây dựng nhà ở xã hội thành nhà.

Theo ông Nguyễn Mạnh Khởi, trong quy định xây dựng dự án thương mại, chủ đầu tư phải dành quỹ đất xây dựng nhà ở xã hội, do đó ông Khởi đề nghị các địa phương phải quyết liệt để biến quỹ đất này thành nhà.

Nghị quyết 43 của Quốc hội đã đưa ra gói 40.000 tỉ đồng, hỗ trợ lãi suất làm nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân nên ông Khởi cho rằng cần tận dụng gói này. Bên cạnh đó, ông Khởi đề nghị các địa phương cần đẩy nhanh hoàn thành pháp lý cho dự án để có thể vay các gói hỗ trợ này.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Văn Khôi, phó chủ tịch thường trực Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, cũng cho rằng để tăng nguồn cung nhà ở xã hội, các địa phương phải rà soát lại tất cả các dự án thương mại mà theo quy định có 20% diện tích làm nhà ở xã hội. Về chính sách cũng cần bổ sung, xem xét, miễn giảm thuế cho doanh nghiệp như thuế VAT, thuế thu nhập doanh nghiệp.

Ông Khởi công nhận giải bài toán nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân là vấn đề bức bách mà Nhà nước rất quan tâm, song số lượng căn hộ cung ứng ra thiếu trầm trọng. Theo ông Khởi, chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2020 đề ra mục tiêu phải đạt 12 triệu m² nhà ở xã hội, nhưng thực ra chúng ta chỉ xây khoảng 7 triệu m² với hơn 142.000 căn, tức chỉ đạt gần 60% mục tiêu.

Theo ông Khởi, trong khi nhu cầu của người lao động ngày một tăng, giá bất động sản thương mại lại cao dẫn đến giấc mơ sở hữu nhà thu nhập thấp đô thị, nhà ở xã hội cho người lao động, công nhân ngày càng xa vời. Để tăng được nguồn cung nhà ở xã hội, nhà ở cho người có thu nhập thấp, ông Khởi nhận định vấn đề mấu chốt là phải giải bài toán quỹ đất.

Ngoài ra, ông Khởi cho rằng các doanh nghiệp cũng nên ưu tiên đầu tư nhà ở xã hội để thể hiện trách nhiệm xã hội thay vì tập trung làm nhà ở thương mại.

12 triệu m²

Đó là diện tích nhà ở xã hội cần đạt trong chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2020. Nhưng thực tế Việt Nam xây được khoảng 7 triệu m² với hơn 142.000 căn, chỉ đạt gần 60%.

TP.HCM sẽ có thêm 70.000 căn nhà ở xã hội

Ông Trần Hoàng Quân, giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM, cho biết trong chương trình phát triển nhà ở giai đoạn 2021 - 2030, TP đặt mục tiêu phát triển 1 triệu căn nhà giá rẻ, trong đó có 100.000 nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân.

Ngay trong đầu 2022, TP đã ban hành kế hoạch với mục tiêu xây dựng trên 50.000 căn nhà ở xã hội, nhà cho công nhân, gấp 3 lần so với thời điểm 2015 - 2020 (15.000 căn).

Liên quan đến quỹ đất phát triển nhà, ông Quân cho hay Sở Xây dựng đã rà soát quỹ đất trong các doanh nghiệp có dự án trên 10ha có tỉ lệ 20% dành cho nhà ở xã hội và hiện có 33 - 34 dự án với quy mô khoảng 70.000 căn.

Tuy nhiên, ông Quân cho hay hiện chỉ mới có 13 dự án giải phóng mặt bằng, do đó nếu toàn bộ các doanh nghiệp hoàn tất giải phóng mặt bằng sẽ dôi dư quỹ đất để xây dựng trên 70.000 nhà ở xã hội.

Theo ông Quân, việc tiếp theo là TP đôn đốc các doanh nghiệp bồi thường, giải phóng mặt bằng quỹ đất xây nhà ở xã hội, nếu doanh nghiệp xây được thì để doanh nghiệp xây, nếu không thì giao Nhà nước chọn chủ đầu tư.

"Ví dụ dự án của ông A, ông B làm hết, ông sẽ đề nghị TP hay các bộ ngành tìm một vị trí liền kề đó để ông xây nhà ở xã hội nhưng tỉ lệ 20% này phải giữ, để có được 70.000 căn", ông Quân nói. N.Hiển

BẢO NGỌC

Hà Nội, TP.HCM đầu tư lớn cho nhà ở xã hội Hà Nội, TP.HCM đầu tư lớn cho nhà ở xã hội

TTO - Kỳ họp thứ 6 HĐND TP.HCM khóa X đã bế mạc sau hai ngày rưỡi làm việc vào hôm 8-7. Các đại biểu đã thảo luận và biểu quyết thông qua 40 nghị quyết.

NGỌC HIỂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên