26/01/2015 10:52 GMT+7

Phải dỡ bỏ biệt thự không phép

HOÀNG ĐIỆP ghi
HOÀNG ĐIỆP ghi

TT - Việc tướng Phan Như Thạch xây biệt thự không phép ở Đà Nẵng dù phát hiện sớm nhưng đến nay  chưa xử lý vì cơ quan chức năng đùn đẩy trách nhiệm cho nhau.

Biệt thự xây trái phép dưới chân núi Hải Vân ở phường Hòa Hiệp Bắc, quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng - Ảnh: Hữu Khá

Mới đây, lại có cơ quan tham mưu theo hướng xử phạt cho tồn tại những hạng mục công trình nằm trong quy hoạch khu du lịch. Đây là điều hết sức bất thường và pháp luật đã không được tôn trọng.

Theo Luật xử lý vi phạm hành chính và nghị định 102/2014 của Chính phủ, trách nhiệm xử lý này hoàn toàn thuộc thẩm quyền của UBND Q.Liên Chiểu, bởi vi phạm của ông Thạch được quy định tại điều 9, nghị định 102 là “chuyển mục đích sử dụng đất phi nông nghiệp sang mục đích khác trong nhóm đất phi nông nghiệp mà không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép”.

Nghị định này quy định biện pháp chế tài bao gồm phạt tiền lên tới 50 triệu đồng và buộc phải dỡ bỏ các công trình vi phạm, phục hồi nguyên hiện trạng ban đầu.

Ngoài việc này, ông Thạch còn bị xử lý về hành vi nhận chuyển nhượng đất phi nông nghiệp trái pháp luật. Và chế tài của hành vi này là hoàn trả toàn bộ diện tích đã nhận chuyển đổi.

Thế nhưng, vì sao lại có ý kiến đề xuất xử phạt nhưng cho phép tồn tại? Đây là thông tin được các cơ quan tham mưu đưa ra, vậy họ cần phải công khai về quy hoạch khu du lịch này cho nhân dân được rõ.

Nếu quy hoạch đó có từ trước khi hành vi vi phạm hành chính của ông Thạch diễn ra thì vẫn phải xử lý vi phạm về xây dựng của ông Thạch theo đúng luật. Sau đó, ông Thạch sẽ tham gia đấu thầu, nộp tiền sử dụng đất như tất cả những công dân khác khi tham gia phát triển khu du lịch ở đây.

Điều mà công luận rất quan tâm là việc xây dựng này không phải chính quyền Đà Nẵng không biết, mà do người vi phạm không chịu tiếp xúc nên cán bộ công chức chính quyền Q.Liên Chiểu không thể xử lý. Hành động này là hành vi chống đối của người vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai và xây dựng.

Nếu chính quyền quyết liệt thực thi trách nhiệm của mình thì không phải là không có biện pháp xử lý. Bởi khi người vi phạm hành chính có hành vi ngăn cản, chống đối thì cơ quan chức năng có quyền lập biên bản với sự chứng kiến của chính quyền địa phương cùng nhân chứng, sau đó ra quyết định xử phạt và thực hiện các biện pháp cưỡng chế.

Để vụ việc xảy ra trong thời gian dài, không có biện pháp chế tài, người đứng đầu chính quyền, cụ thể là chủ tịch Q.Liên Chiểu, đã phụ lòng tin của chính cử tri Q.Liên Chiểu khi tín nhiệm bầu chủ tịch thông qua HĐND. Và chủ tịch quận cũng phụ lại chính lời hứa xây dựng nhà nước pháp quyền, thượng tôn pháp luật khi nhậm chức chủ tịch quận.

PHẠM CÔNG HÙNG
(thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao)

HOÀNG ĐIỆP ghi
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên