21/09/2013 17:27 GMT+7

Phải đánh động dây thần kinh của xã hội

LAM ĐIỀN thực hiện
LAM ĐIỀN thực hiện

TTCT - Gặp lại đạo diễn Trần Văn Thủy sau gần bốn tháng tập sách Chuyện nghề của Thủy phát hành và đang được đánh giá rất cao của hội đồng chấm giải Sách hay 2013, câu đầu tiên ông nói là cho tôi gửi lời cảm ơn anh em bằng hữu ở báo Tuổi Trẻ, vì “năm 1988 khi bộ phim Chuyện tử tế của tôi sang Leipzig và được giải, không báo nào trong nước đưa tin trừ tờ Tuổi Trẻ đưa rất trang trọng”.

TP747tYK.jpgPhóng to
Đạo diễn Trần Văn Thủy

Vì những chuyện tôi kể rất thật

* Vâng, thế thì sau khi phát hành tập sách Chuyện nghề của Thủy, ông và đồng tác giả Lê Thanh Dũng lại có chuyến giao lưu xuyên Việt giới thiệu sách, phía người đọc cho rằng họ thích thú hay tâm đắc những gì từ quyển sách của ông?

- Chúng tôi nhận rất nhiều hồi âm từ bạn đọc, cả điện thoại và email cũng phải 5-7 cú một ngày. Có những chuyện cảm động như vừa rồi tôi đang ở Đồ Sơn thì có anh bạn hẹn xin chữ ký, thế là anh ấy cầm quyển Chuyện nghề của Thủy chạy từ Quảng Ninh sang Đồ Sơn, đường hiện nay cả đi và về mất 7-8 giờ chỉ để xin chữ ký, thật cảm động.

Có hôm tôi đi từ câu lạc bộ Ba Đình ra thì có một bạn trẻ tuổi nhận ra tôi và hét lên “Ôi, chú Thủy”, hóa ra bạn đọc Chuyện nghề của Thủy không chỉ có những người lớn tuổi không thôi. Ấy là hai tác giả chúng tôi không có tài cán gì đâu, chẳng qua là vì những chuyện tôi kể rất thật và tôi kể bằng tất cả tấm lòng chân thành. Có khi điều ấy là chỗ dựa trong suy nghĩ của nhiều người nên được người ta chia sẻ.

* Một thành viên trong hội đồng chấm giải Sách hay 2013 cho biết khi đọc Chuyện nghề của Thủy có chỗ đã khiến ông bật khóc, một thành viên khác nhận định rằng Chuyện nghề của Thủy đọc lên thấy bao nhiêu là đớn đau. Còn ông, khi lần lại câu chuyện của mình, ông có những cảm xúc như thế nào?

- Như trong Lời nói đầu tập sách, tôi thật sự ngại ngần khi nói về mình. Mà vì hai đạo diễn người Mỹ với tôi là chỗ có nhiều ơn nghĩa, nên tôi kể câu chuyện của mình là cố gắng để giúp công trình nghiên cứu của họ. Chứ còn bản thân tôi thật sự phải nói là nếu nhâm nhi lại chuyện đời của mình thì mệt quá, mà không biết liệu rồi có trở thành đề tài cho người ta đàm tiếu không. Cho đến khi bạn Lê Thanh Dũng thuyết phục và cả nặng lời với tôi rằng những chuyện như thế này sao chỉ nói với người nước ngoài mà không chia sẻ với người trong nước.

Sự thật tôi cũng bị cái ám ảnh là người Việt mình nhiều khi không nhẹ nhàng với nhau đâu, có cái gì như là đố kỵ, để khen ngợi ai cái gì cũng rất khó. Và tôi cũng rất ngạc nhiên là đến giờ phút này chưa có ai phàn nàn rằng chuyện này là chuyện nặng nề hay giả dối, vô tích sự, mà ai cũng xúc động và có cả người bật khóc.

Cái này thật là tôi không chủ động được, và trước sự độ lượng như thế, tôi rất cảm động và thấy quá trình làm cuốn sách này mình cũng dò dẫm, nhút nhát quá, lúc ấy không dám chờ đợi, không thể tưởng tượng được tình cảm của mọi người dành cho cuốn sách này lại nồng hậu và ấm áp đến như vậy.

“Không ai dạy ai trở thành nghệ sĩ được”

* Nhiều người sau khi đọc Chuyện nghề của Thủy đều nhận thấy rằng đạo diễn Trần Văn Thủy đã dấn thân hết mình cho nghề làm phim và sẵn sàng chịu hi sinh (trong nhiều nghĩa) vì nghề nghiệp. Điều gì đã khiến ông có được sức mạnh và niềm kiên quyết theo nghề đến thế? Hiện nay, bối cảnh làm nghệ thuật có nhiều khác biệt với thời của ông, nếu phải chia sẻ với những người làm phim trẻ hiện nay, ông cho rằng những yếu tố nào thật cần thiết để họ cũng có thể dấn thân và thành công với nghề?

- Tôi quan niệm xã hội Việt Nam hiện nay quan trọng nhất là vấn đề nhân cách. Khi đi trao đổi bàn bạc chuyện làm nghề với các bạn trẻ trong Nam ngoài Bắc cũng như ở nước ngoài, tôi thấy có một điều là học nghề thì biết thêm thủ pháp, còn thì không ai dạy ai để thành nghệ sĩ như Roman Karmen đã nói.

Khi kết thúc năm năm học ở Trường điện ảnh quốc gia Liên Xô, tức là những năm học lý thuyết trước khi vào làm phim tốt nghiệp, thầy trò tề tựu với nhau, ông Karmen nhìn khắp một lượt bằng ánh mắt thân thương với 17 đứa học trò đến từ 17 quốc gia khác nhau: “Các em yêu quý, trời ơi, thế là chúng ta đã ngồi với nhau đến chừng ấy năm rồi à?

Bằng ấy năm mà tôi chưa dạy, chưa truyền đạt cho các em được cái gì cả, bản thân tôi nếu có bày vẽ gì cho các em thì cũng chỉ là 24 chữ cái thôi, còn viết nên trang nên truyện là việc của mỗi người.

Theo tôi, không ai dạy ai trở thành nghệ sĩ được”. Câu này đúng hay sai thì tôi không dám bình luận, nhưng đấy là lời tâm huyết của một ông thầy nổi tiếng nói với đám học trò trước khi chia tay. Nên khi tôi nói chuyện với các bạn làm phim trẻ, tôi cũng bị câu nói ấy ám ảnh, bởi vì tôi biết có rất nhiều người học nghề đấy nhưng rồi không theo nghề được.

Nhưng có một điều nếu như anh yêu nghề, mà nếu yêu vì nó oai, vì tiếng tăm, vì nó mang lại cho mình danh lợi thì cái yêu ấy mong manh và ngắn ngủi lắm, vì khi thỏa mãn rồi thì mình không cảm thấy có thể yêu được nữa. Còn nếu như anh biết làm nghề chỉ là một phương tiện, một diễn đàn để anh trình bày cái khát khao, cái mong muốn của bản thân anh và người đời đối với cuộc đời này thì tình yêu ấy lâu bền hơn.

Nếu anh không thiết tha với sự có ích, sự tiến bộ của xã hội, sự tốt lên của đất nước, dân tộc mình thì có lẽ anh khó có tình yêu lâu bền với nghề lắm. Bởi vì chúng ta làm nghề nghiệp này trên đe dưới búa. Sự kiểm duyệt bên truyền hình thì nhẹ nhàng, chứ còn bên điện ảnh thì kiểm duyệt trở thành vấn đề lớn lắm. Làm xong rồi được chiếu hay không cũng không phải trong tầm tay của mình.

Nếu không có sự đắm đuối, khát khao cho sự có ích trong công việc của mình với xã hội thì không theo đuổi nghề này được.

Và cụ thể hơn thì làm nghề không thể làm theo cảm giác chung chung, mà phải tìm ra những đề tài có ích, được rất nhiều người quan tâm. Nếu anh không đánh đúng vào dây thần kinh của xã hội thì chẳng có cách nào anh toại nguyện trong ý muốn làm các việc có ích đâu.

Và có khi bộ phim tài liệu thành công chưa hẳn do người làm phim, mà tại cuộc đời. Nói thì có vẻ không bình thường nhưng đúng là có khi tại cuộc đời, như Hà Nội trong mắt ai bản thân nó không hay, rất “monotone”... nhưng nó nóng bỏng lên là vì cuộc đời. Cho nên khi lao theo nghề, đến mức tay nghề nhuần nhuyễn rồi, có lúc anh nhận ra phim hay không phải tại người làm phim mà tại cuộc đời.

Nói như thế thì hơi quá thật, nhưng nói thế để các bạn đồng nghiệp trẻ “máu” lên, hướng sức lực, tâm can vào nghề. Có phóng viên nước ngoài đến tìm hiểu điện ảnh Việt Nam thường hỏi các bạn Việt Nam làm phim có khó khăn gì không, thì có đến 80-90% đạo diễn Việt Nam cho là kỹ thuật còn tồi quá, tiền bạc ít quá, thời gian chật hẹp quá, điều kiện làm việc khó khăn quá, còn tôi thì rất sợ một ông mạnh thường quân nào đấy bảo: tiền đây, máy tốt đây, phòng làm việc máy lạnh đây, mày lấy cục tiền này muốn tiêu bao nhiêu thì tiêu, miễn làm cho tao một cái phim hay.

Tôi sợ nhất là trong đầu mình không có gì chứ không phải trong tay mình không có tiền.

* Đọc những trang kể về việc đưa phim Chuyện tử tế sang Liên hoan phim Leipzig thấy có một mắt xích quan trọng là nhân vật tên T. vào giữa năm 1988 đã liều lĩnh tìm cho ông đầy đủ một bản phim gồm “5 cuốn, mỗi cuốn 300m nặng 2,3kg cùng với một hộp sắt; 5 cái hộp để trong một cái thùng, tất cả khoảng 20kg”. Nhìn lại chuyện đời mình, ông có kinh nghiệm gì về cách sống và ứng xử trong các mối quan hệ, để gặp cơn thắt ngặt thì có người chí tình và nghĩa hiệp giúp mình như vậy?

- Không phải ngẫu nhiên mà Chuyện nghề của Thủy được Phương Nam in ở miền Nam đâu. Anh em bạn bè tôi trong Nam cũng nhiều. Có một người bạn như anh Lê Thanh Dũng cũng là quan trọng chứ, anh ấy mất bao công sức để quyển sách được đến bờ đến bến. Còn nói về quan niệm sống thì tôi nghĩ lại tâm trạng của chúng tôi khi đi phỏng vấn nhân vật của mình, anh ngồi sau camera đối diện nhân vật của anh, đặc biệt là khi tiếp cận với các học giả.

Lúc làm phim Người man di hiện đại về học giả Nguyễn Văn Vĩnh với 76 cuộc phỏng vấn các học giả lớn nhất trong và ngoài nước, tôi nghiệm ra rằng nhiều khi người làm phim cũng phải có thương hiệu nào đấy mới được, thì người đối diện mới rút ruột ra mà nói với mình.

Những người học vấn uyên thâm dễ khi không mà nói với anh đâu, phải có tấm lòng, phải có sự cảm thông nào đó chứ. Cho nên với những con người như thế, muốn họ chia sẻ, bày vẽ, chỉ bảo anh thì có lẽ quan trọng nhất là cùng cảm thông, cùng tấm lòng khát khao mong muốn, cùng có lòng tin vào điều gì tốt đẹp hơn.

Chả có cái gì là bí quyết, tôi thì rất sợ sản phẩm mình làm ra không xứng đáng với những gì người ta đã giúp đỡ, đã tận tình với mình.

“Tôi có viết rằng điều đáng sợ nhất là trong đầu mình không có gì cả, trong trái tim mình không yêu ghét gì cả, không rung động trước cái gì cả. Điều này còn lệ thuộc vào nhân cách và bản lĩnh mỗi người. Cho nên các bạn làm phim phải làm sao tìm những đề tài an ủi và thức tỉnh con người. Một bộ phim hay không thể nào không thật được, một bộ phim hay nhất thiết phải đi từ thân phận con người. Tôi đố bạn tìm đâu một tác phẩm trở thành kiệt tác đông tây kim cổ mà không bắt đầu từ thân phận con người” - đạo diễn Trần Văn Thủy.
LAM ĐIỀN thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên