Theo quyết định quy định về giá điện vừa được Bộ Công Thương ban hành, giá bán lẻ điện bình quân sẽ tăng lên mức 2.006,79 đồng/kWh (chưa gồm thuế VAT) từ ngày 9-11, tương đương mức tăng 4,5% so với giá bán lẻ hiện hành là 1.920,3 đồng/kWh.
Các hộ tiêu dùng bị tác động ra sao?
Tại buổi họp trao đổi thông tin về điều chỉnh giá điện, được Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) tổ chức ngày 9-11, ông Nguyễn Quốc Dũng, trưởng ban kinh doanh EVN, cho biết với việc tăng giá điện, tiền điện của khách hàng nằm trong nhóm bậc 1 sẽ tăng thêm 3.900 đồng/tháng.
Bậc 2 tăng thêm 7.900 đồng/tháng, bậc 3 tăng thêm 17.200 đồng, bậc 4 tăng thêm tối đa là 28.900 đồng.
Bậc 5 tăng thêm 42.000 đồng và bậc 6 tăng thêm 55.600 đồng/tháng. Với các ngành sản xuất, kinh doanh và dịch vụ, ông Dũng cho biết số tiền tăng thêm phụ thuộc vào hành vi sử dụng và tỉ lệ sử dụng điện ở từng thời điểm: cao điểm và thấp điểm.
Trong đó, theo tính toán với ngành dịch vụ, tiền điện tăng thêm khoảng 230.000 đồng/tháng. Với nhóm sản xuất, bình quân mỗi hộ phải trả là 423.000 đồng/tháng và với khách hàng hành chính sự nghiệp, số tiền phải trả thêm là 90.000 đồng/tháng.
Với người nghèo, ông Dũng cho biết theo quyết định 28 của Thủ tướng, sẽ được hỗ trợ bằng tiền tương đương 30kWh.
Những hộ chính sách cũng nhận hỗ trợ tương đương với điều kiện dùng dưới 50kWh một tháng. Với người sử dụng nhiều, từ 400kWh trở lên, số tiền phải trả tăng mỗi tháng khoảng 55.600 đồng, nhưng đây là đối tượng có thu nhập khá, nên "cũng ít chịu tác động".
Cũng theo ông Dũng, thay vì chốt chỉ số công tơ vào ngày 20-11, lần này sẽ chốt chỉ số vào ngày 30-11 nên khách hàng phải trả tiền điện 40 ngày sử dụng (tính từ ngày chốt trước đó là 20-10).
Vì vậy, tiền điện chi trả sẽ tăng thêm trên hóa đơn tiền điện nhưng bản chất không phải tăng thêm chi phí mà do lùi thời điểm ghi chỉ số thêm 10 ngày.
Trong khi đó, ông Trần Việt Hòa, cục trưởng Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công Thương), cho biết mức tăng giá điện lần này chưa tính phân bổ khoản chênh lệch tỉ giá của EVN còn treo từ các năm trước, khoảng 14.000 tỉ đồng. Mức tăng này tác động tới chỉ số giá tiêu dùng của năm nay là 0,035%.
Ngành điện vẫn chưa hết khó
Trước câu hỏi của Tuổi Trẻ về việc tăng giá điện giúp EVN tăng doanh thu và giúp cân bằng tài chính, bù đắp các khoản lỗ ra sao, ông Nguyễn Đình Phước, kế toán trưởng EVN, cho biết việc tăng giá điện sẽ giúp EVN thu thêm khoảng 3.200 tỉ đồng từ nay tới cuối năm, giúp tập đoàn giảm một phần khó khăn của năm 2023.
Theo ông Phước, trong giá thành sản xuất điện, chi phí sản xuất chiếm 83%, còn lại 17% là chi phí các khâu truyền tải, phân phối và dịch vụ phụ trợ liên quan.
Trong khi đó theo ông Phước, diễn biến thông số đầu vào khâu phát điện ảnh hưởng hết sức bất lợi đến tình hình sản xuất kinh doanh của EVN.
Cụ thể, cơ cấu nguồn thủy điện giảm mạnh so với năm 2022, dự kiến giảm 16,9 tỉ kWh, do hiện tượng El Nino gây nắng nóng kéo dài nên phải thay thế bằng các nguồn nhiệt điện than, khí, dầu.
Giá nhiên liệu đầu vào vẫn duy trì ở mức cao, như giá than nhập khẩu NewC Index dự kiến năm 2023 tăng 18% so với năm 2020 và 25% so với năm 2021. Than pha trộn TKV dự kiến tăng từ 29,6 - 46%. Than của Tổng công ty Đông Bắc tăng từ 40,6 - 49,8%. Giá dầu cũng tăng 100% so với bình quân năm 2020 và tăng 18% so với năm 2021; tỉ giá ngoại tệ tăng 4%.
Do đó theo ông Phước, mức tăng lần này vẫn thấp hơn giá thành sản xuất và chỉ giải quyết được một phần khó khăn tài chính của EVN, doanh nghiệp này vẫn phải tiếp tục đối mặt nhiều khó khăn trong cân bằng tài chính.
Do vậy cùng với việc tăng giá điện, EVN cũng đưa ra các giải pháp cắt giảm 15% chi phí thường xuyên tại các đơn vị, sửa chữa lớn cũng giảm mạnh; tiết kiệm điện chiếu sáng tại các cơ quan, tổng công ty...
Ngoài ra, EVN cũng tiếp tục công tác quản trị và giảm giá thành, thực hiện hạn chế thay thế công tơ điện tử, thực hiện tiết kiệm và hạn chế chi phí trong sản xuất kinh doanh.
"Trong năm 2023, chi phí đầu vào tăng cao quá lớn đã ảnh hưởng trực tiếp giá thành sản xuất, đặc biệt là mua điện đầu vào. Tuy nhiên, mức cắt giảm chi phí ảnh hưởng vận hành điện trong thời gian tới", ông Phước nói.
Phải đảm bảo điện cho sản xuất, kinh doanh
Trao đổi với Tuổi Trẻ ngày 9-11, ông Đào Xuân Đức, chủ tịch Hiệp hội Các doanh nghiệp TP.HCM (HBA), cho biết các doanh nghiệp FDI lẫn doanh nghiệp sản xuất Việt vẫn còn khó khăn do đơn hàng suy giảm, sức mua trên thị trường thế giới thấp.
Do đó theo ông Đức, cùng với việc tăng giá điện đòi hỏi ngành điện cũng phải đảm bảo tốt về chất lượng điện và sự ổn định của nguồn điện.
Cũng theo ông Đức, Việt Nam đang thu hút các doanh nghiệp công nghệ cao, những doanh nghiệp dẫn đầu trong ngành vi mạch bán dẫn, đòi hỏi chất lượng điện cao. Do đó, EVN và Nhà nước cần đảm bảo cung ứng nguồn điện một cách thông suốt trong thời gian tới.
Bởi trong thực tế, việc xảy ra tình trạng thiếu điện, cắt điện trong mùa khô năm nay dù xảy ra nhiều ở miền Bắc nhưng đã ảnh hưởng đến tâm lý doanh nghiệp cả nước nói chung.
"Các doanh nghiệp rất lo lắng tình trạng cắt điện liệu có xảy ra vào mùa khô, cao điểm năm sau hay không, nếu có sẽ ảnh hưởng lớn đến sản xuất kinh doanh cũng như thu hút đầu tư. Do đó, chúng tôi mong muốn ngành điện chủ động kế hoạch sản xuất, đảm bảo cung ứng nguồn điện cho sản xuất, kinh doanh trong thời gian tới", ông Đức nói.
Đặc biệt ông Đức cũng đề xuất cần sớm đẩy nhanh cơ chế mua bán điện trực tiếp (DPPA) và sớm có các chính sách cho phép doanh nghiệp trong các khu công nghiệp được tận dụng nguồn năng lượng tái tạo, đặc biệt là điện mặt trời, để hưởng các tiêu chí xanh, tiết kiệm năng lượng và giảm chi phí về năng lượng trong dài hạn.
Ông Bùi Trung Kiên, phó tổng giám đốc Tổng công ty Điện lực TP.HCM (EVNHCMC), cho biết sản lượng điện dành cho khối sản xuất trong 10 tháng qua đã giảm 8%.
Tuy nhiên, để đảm bảo năng lượng cho sản xuất của TP, ngành điện đã nỗ lực đảm bảo cung cấp điện và liên tục đầu tư, phát triển lưới điện theo quy hoạch để phục vụ nhu cầu sản xuất trong và ngoài các khu công nghiệp cũng như nhu cầu của người dân.
Theo ông Kiên, lưới điện TP đang có mức dự phòng cung cấp cho phụ tải là 40% và với kế hoạch đầu tư TP hằng năm, ngành điện cũng sẽ phấn đấu duy trì ở tỉ lệ này.
"Trong thời gian tới, ngành điện nỗ lực để đảm bảo cấp điện cho TP cũng như đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp, thu hút đầu tư FDI nhằm đảm bảo công ăn việc làm cho người lao động", ông Kiên cho biết.
* TS Hà Đăng Sơn (giám đốc Trung tâm Nghiên cứu năng lượng và tăng trưởng xanh):
Có giá điện hợp lý để thu hút nhà đầu tư
Khi xây dựng chính sách giá điện mới, cần nhìn nhận tổng thể về thị trường năng lượng quốc tế khi đưa ra các ưu đãi thu hút nhà đầu tư nước ngoài vào thị trường điện. Phải làm sao tạo điều kiện tốt nhất thu hút nhà đầu tư nhưng vẫn phải đảm bảo yếu tố về an ninh năng lượng quốc gia.
Một mặt, chúng ta tạo điều kiện để thu hút tối đa các đầu tư tư nhân cũng như của các nhà đầu tư nước ngoài. Mặt khác, chúng ta vẫn phải đảm bảo được an ninh năng lượng quốc gia để trong bất kỳ tình huống nào, chúng ta vẫn có dự phòng nguồn điện.
* Ông Nguyễn Tiến Thỏa (nguyên cục trưởng Cục Quản lý giá, Bộ Tài chính):
Giá điện phải được tính đúng, tính đủ
Việc tính đúng, tính đủ là một yêu cầu bắt buộc trong sản xuất, kinh doanh chứ không có chuyện bao cấp. Luật Giá cũng quy định nguyên tắc bảo đảm bù đắp chi phí thực tế hợp lý và có lợi nhuận.
Thứ hai, điều chỉnh kịp thời khi các yếu tố hình thành giá thay đổi, nguyên tắc nhất quán và cho đến bây giờ vẫn như thế.
Tôi nghĩ ngành nào cũng phải thực hiện thôi, chẳng qua là thời gian vừa qua chúng ta có nhiều mục tiêu quá cho nên chúng ta không xử lý đối với giá điện đúng các nguyên tắc này. Nguyên tắc này minh bạch rồi, không phải bàn nữa, căn bản là quyết tâm chính trị có dám làm hay không?
Các anh cũng vừa nói nguy hiểm nhất là thiếu điện, thiếu điện sẽ có nhiều điểm nghẽn, từ sản xuất đến kinh tế, mà kinh tế thì tắc nhất là điểm giá. Nếu mà đây là nhà đầu tư tư nhân thì như vừa qua, mặc dù rất khó khăn mà vẫn đủ điện như thế được không.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận