Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường phát biểu tại cuộc họp - Ảnh: XUÂN LONG
Ngay đầu phiên họp với các bộ, ban, ngành và 28 tỉnh thành ven biển, phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu từng đơn vị báo cáo rõ tồn tại, vướng mắc cần tháo gỡ.
"Từng địa phương phải thể hiện bằng quyết tâm chính trị để ngăn chặn bằng được tình trạng tàu cá vi phạm", phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng đặt vấn đề đầu cuộc họp. "Quan trọng nhất là rút được thẻ vàng của EC về thuỷ sản".
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường thông tin, sau hai năm EC chính thức rút thẻ vàng cảnh báo Việt Nam về khai thác thuỷ sản, đầu tháng 11-2019, đoàn công tác của EC sẽ sang làm việc tại Việt Nam.
Ông Cường điểm lại, ngày 23-11-2017, EC đã rút thẻ vàng cảnh báo với thuỷ sản Việt Nam, đây là định chế của EU nhằm đảm bảo khai thác bền vững tài nguyên thuỷ sản nói chung.
EC còn đưa ra 9 nhóm khuyến nghị, yêu cầu Việt Nam tập trung thay đổi, hoàn thiện cả về thể chế, công cụ, cách kiểm soát.
"Việc EC đưa ra 9 nhóm khuyến nghị cũng trùng với tinh thần của chúng ta là phải tái cơ cấu lại nền sản xuất, từ nghề cá nhân dân, tự phát sang nghề cá hiện đại có trách nhiệm, đảm bảo hiệu quả, bền vững, không chỉ trước mắt mà chúng ta còn phải có trách nhiệm với thế hệ tương lai", ông Cường nói.
Vì thế, đã có sự tập trung sự chỉ đạo từ Trung ương đến địa phương bằng các nhóm giải pháp cụ thể.
"Thứ nhất, 9 khuyến nghị của EC đã được thể chế trong Luật Thuỷ sản mới. Thứ hai, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành kế hoạch tổng thể, hoàn thiện thực hiện các nội dung mà EC khuyến nghị, bằng chương trình, đề án, kế hoạch, hành động, đến giờ phút này đã có tiến bộ cơ bản", bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho hay. Phía EC cũng đánh giá cao ở nội dung hoàn thiện thể chế.
"Thứ hai, đã kiểm soát lỗi lớn nhất, đó là vi phạm khai thác thuỷ sản ngoài hải phận. Thứ ba, kết quả theo dõi, kiểm soát, kê khai, hướng dẫn cho ngư dân, về tổng thể đã có những bước tiến. Tuy nhiên, vẫn có điểm chúng ta chưa bằng lòng, đó là cho đến 9 tháng năm 2019 vẫn còn tình trạng tàu cá vi phạm ở vùng biển phía Nam, cần khắc phục ngay".
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cũng cho rằng, bên cạnh một số tỉnh vào cuộc quyết liệt, làm tốt thì vẫn còn một số tỉnh chưa hướng dẫn kê khai cụ thể.
"Với các thiết chế hạ tầng, không phải cảng không hiện đại mà việc quản lý, điều hành, truy xét, hướng dẫn ở ngay cảng cũng không đến nơi đến chốn", ông Cường nêu.
Với kế hoạch đầu tháng 11-2019 đoàn EC sẽ tiến hành kiểm tra lần 2 để quyết định hình thức tiếp theo, bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường lưu ý: "Kỳ này kiểm tra mà không đáp ứng được yêu cầu, không xoá được thành thẻ xanh, thậm chí không giữ được thẻ vàng mà trượt sang thẻ đỏ thì vô cùng nguy hiểm về kinh tế, uy tín, địa vị".
"Chúng ta biết sau 2 năm qua khi bị thẻ vàng, khối lượng thuỷ sản xuất khẩu vào thị trường này giảm đáng kể, lợi nhuận cũng giảm. Lô nào cũng kiểm tra 100% thì giá thành cao, hệ lụy lớn là thế giới đánh giá về thuỷ sản của Việt Nam".
Kết luận phiên họp, phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu các thành viên Ban chỉ đạo thực hiện mọi biện pháp ngăn chặn, xử lý tàu cá vi phạm khai thác hải sản trái phép ở vùng biển nước ngoài.
"Bộ Quốc phòng ban hành Kế hoạch tổng thể các giải pháp ngăn chặn, chấm dứt tình trạng tàu cá vi phạm khai thác hải sản trái phép ở vùng biển nước ngoài, đảm bảo ngăn chặn, giảm thiểu tình trạng vi phạm trước ngày 31-10, tiến tới chấm dứt tình trạng vi phạm trước ngày 31-12-2019", phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận