29/11/2014 10:24 GMT+7

​Phải buộc người tham nhũng trả giá nhiều hơn

LÊ MINH TIẾN
LÊ MINH TIẾN

TT - Nếu không tập trung vào điểm chính yếu là buộc người tham nhũng phải trả giá cao hơn rất nhiều so với tài sản, tiền bạc mà họ có được từ tham nhũng thì sẽ rất khó nói đến việc ngăn ngừa tham nhũng.

Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc (bìa trái) trao đổi bên lề buổi Đối thoại về phòng chống tham nhũng lần thứ 13 - Ảnh: TTXVN

Trong buổi Đối thoại về phòng chống tham nhũng lần thứ 13 diễn ra ở Hà Nội ngày 26-11 vừa qua, Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhận định tham nhũng thường gắn với rửa tiền (Tuổi Trẻ, 27-11-2014).

Quả vậy, nếu nói một cách quyết liệt hơn thì giữa tham nhũng và rửa tiền có mối quan hệ cộng sinh vì cả hai đều hướng đến việc thu vén tài sản công thành tài sản của cá nhân hoặc nhóm tội phạm của mình.

Chính việc rửa tiền đã làm cho tài sản, tiền bạc “dơ bẩn” do tham nhũng và các hoạt động tội phạm mang lại trở thành tài sản và tiền “sạch”, hợp pháp (làm cho việc thu hồi những tài sản có được từ phạm pháp trở nên khó khăn hơn). 

Trong nghiên cứu về phòng chống tội phạm nói chung và tội phạm tham nhũng nói riêng, một trong những giải pháp là làm sao cho kẻ phạm tội thấy không có lợi ích kinh tế nếu thực hiện hành vi phạm tội.

Có nghĩa là nhà nước phải thiết kế được một hệ thống bằng cách nào đó khiến cái thành quả của hành vi tham nhũng, của hành vi tội phạm phải ở mức thấp nhất.

Nói cách khác, nhà nước phải làm sao khiến những người tham nhũng, phạm tội phải trả giá cao hơn rất nhiều so với tài sản, tiền bạc mà họ có được từ tham nhũng và các hành vi phạm tội. Sở dĩ như thế là vì nguyên lý hành động của con người là luôn hành động theo cách duy lý, tức là trước khi hành động, con người thường tính toán thiệt hơn.

Họ chỉ hành động, chỉ làm điều gì mà cái lợi nhiều hơn cái hại, cái có được nhiều hơn cái mất đi.

Như vậy nếu các quan chức nhận thấy họ sẽ bị mất nhiều thứ hơn những thứ khi tham nhũng thì họ sẽ ngán ngại khi muốn tham nhũng.

Còn nếu họ nhìn thấy những người tham nhũng “đi trước” phải trả giá ít hơn cái thu được, chắc chắn họ sẽ chọn cách tham nhũng.

Do đó, việc thu hồi tài sản tham nhũng một cách triệt để là điều phải được thực hiện một cách quyết liệt, phải thu hồi cho được cả những tài sản phạm pháp đã được “rửa sạch”.

Bên cạnh đó, phải áp dụng những hình phạt cứng rắn hơn với người có hành vi tham nhũng. Những kinh nghiệm trên thế giới cho thấy một quan chức chỉ cần có một hành vi bất chính (đạo văn, tham nhũng...) dù nặng hay nhẹ thì lập tức phải trả một cái giá rất đắt (bị cách chức, ngồi tù).

Chẳng hạn như vào tháng 3-2011, ngoại trưởng Nhật Bản Seiji Maehara bị mất chức vì nhận 600 USD tiền quyên góp chính trị (chứ chưa phải tiền hối lộ) từ một cụ bà bán thịt; tháng 1-2014 cựu thủ tướng Romania Adrian Nastase phải vào tù sau khi một phiên tòa tuyên án ông 4 năm tù giam vì tội nhận hối lộ 630.000 euro.

Nguyên lý hành động duy lý như trên cũng áp dụng cho bên đưa hối lộ, tức là phải có những chính sách sao cho việc đưa hối lộ bị nhận nhiều mất mát hơn là lợi ích có được từ đưa hối lộ.

Doanh nghiệp luôn hành xử nhằm tối đa hóa lợi nhuận nên họ cũng chỉ làm điều gì mang lại nhiều lợi nhuận mà thôi.

Tất nhiên không hiếm trường hợp bên đưa hối lộ không muốn nhưng bị ép buộc phải đưa hối lộ, do vậy suy cho cùng phía phải bị trả giá nhiều hơn, nặng hơn là phía tham nhũng, nhũng nhiễu chứ không phải là ngược lại.

Vì vậy, nếu chúng ta không tập trung vào điểm chính yếu là buộc người tham nhũng phải trả giá nhiều hơn thì sẽ rất khó nói đến việc ngăn ngừa tham nhũng.

Đặc biệt, cần áp dụng một loại luật pháp cho cả quan chức lẫn dân thường mà theo đó, mọi sai phạm của quan chức phải bị áp dụng luật hình sự và tòa án ngay lập tức như dân thường.

Hiện nay, công chức có chức vụ cao hay thấp khi có dấu hiệu sai phạm thì trước tiên họ được xử lý theo pháp lệnh công chức, nên mới có các hình thức kỷ luật như phê bình, cảnh cáo...

Quá trình xử lý nội bộ này có khi có sự du di, bao che nên không xử lý vi phạm đến nơi đến chốn.

Chính vì vậy, việc xử lý theo pháp lệnh công chức - một loại luật dành riêng cho công chức - được cho là đã nuôi cái được gọi là tham nhũng vặt.

LÊ MINH TIẾN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên