Ông Võ Văn Thưởng - Ảnh: TTXVN
Sáng 29-12, Ban Tổ chức Trung ương tổ chức Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác tổ chức xây dựng Đảng năm 2022, triển khai nhiệm vụ năm 2023.
Xây dựng đề án về kế hoạch lấy phiếu tín nhiệm
Theo báo cáo, trong năm 2022, toàn ngành đã hoàn thành 100% các đề án theo chương trình làm việc của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư.
Công tác cán bộ bám sát quan điểm, nguyên tắc, quy định của Đảng, kịp thời, đồng bộ, đáp ứng yêu cầu của Đảng, tăng cường kiểm soát quyền lực, chống chạy chức, chạy quyền.
Về nhiệm vụ năm 2023, ngành tổ chức xây dựng Đảng xác định tập trung triển khai đồng bộ, quyết liệt 10 nhiệm vụ, giải pháp.
Trong đó sẽ tham mưu cấp ủy các cấp triển khai thực hiện các đề án, báo cáo về công tác tổ chức xây dựng Đảng.
Nhất là 17 đề án về công tác tổ chức xây dựng Đảng được Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư giao trong năm 2023 bảo đảm chất lượng, tiến độ.
Tập trung tham mưu xây dựng đề án trình Hội nghị Trung ương 7 (khóa XIII) về kế hoạch tổ chức lấy phiếu tín nhiệm các chức danh do Ban Chấp hành Trung ương bầu.
Hội nghị Trung ương 8 (khóa XIII) về quy hoạch Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư khóa XIV và lãnh đạo chủ chốt của Đảng, nhà nước nhiệm kỳ 2026 - 2031.
Nêu cao vai trò nêu gương của người đứng đầu
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng yêu cầu toàn ngành phải tập trung tham mưu cho các cấp ủy triển khai thực hiện toàn diện, đồng bộ các nội dung công tác tổ chức xây dựng Đảng.
Ông cũng nhấn mạnh yêu cầu tiếp tục tham mưu hoàn thiện quy định của Đảng về công tác tổ chức, xây dựng Đảng, bảo đảm đồng bộ, liên thông, thống nhất giữa các quy định của Đảng và Nhà nước.
Đồng thời, tham mưu quy hoạch Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư nhiệm kỳ 2026 - 2031, thành lập các tiểu ban Đại hội XIV của Đảng.
Ông cho hay theo chương trình thì giữa năm 2023 sẽ lấy phiếu tín nhiệm các chức danh do Trung ương bầu và đánh giá kết quả 2 năm rưỡi thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII.
Ông cũng nhấn mạnh yêu cầu triển khai thực hiện tốt công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị, kiên quyết đấu tranh xử lý nghiêm các biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, tự diễn biến, tự chuyển hóa trong nội bộ.
Tích cực đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, chống chủ nghĩa cá nhân, cơ hội, vụ lợi, lợi ích nhóm, quan liêu, xa dân, vô cảm trước khó khăn, bức xúc của dân. Đồng thời, nêu cao vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu.
Thường trực Ban Bí thư chỉ rõ việc đánh giá cán bộ dựa vào tín nhiệm trong bối cảnh hiện nay không phải là cách đánh giá toàn diện, hiệu quả khi những người ít va chạm, chịu khó quan hệ có thể được "tín nhiệm" cao hơn.
Ông cho rằng trong đánh giá cần đề cao sự năng động, sáng tạo, dám nghĩ dám làm vì lợi ích chung, để góp phần thúc đẩy cán bộ rèn luyện theo hướng này.
Bởi lẽ đánh giá như hiện nay cán bộ sẽ có tâm lý tròn vo, "nước sông không đụng nước giếng", "cứ tới thời, tới tuổi thì nó cũng lên".
Việc khuyến khích cán bộ từ chức theo ông Thưởng là một cách nói trong nghị quyết và chính thức, song nhấn mạnh "không có nước nào đưa chuyện từ chức thành văn hóa".
Ông phân tích việc từ chức cần xuất phát từ sức ép trong nội bộ Đảng cũng như trong xã hội, buộc người vi phạm, hạn chế phải từ chức.
"Thứ nhất trong nội bộ Đảng đánh giá thấy chức trách, nhiệm vụ đó chưa hoàn thành thì có sức ép để đề cao tinh thần nêu gương, tự giác của người lãnh đạo đó.
Thứ hai ngay cả xã hội có những lĩnh vực mà sai phạm xã hội người ta không đồng tình nếu mà để một người A, B, C cụ thể với những sai phạm mà vẫn còn ở cái vị trí công tác đó", ông Thưởng chỉ rõ, đồng thời cho rằng vấn đề này đang được thực hiện và sẽ tốt hơn cho công tác cán bộ.
Ông Thưởng cũng nhấn mạnh cán bộ làm công tác tổ chức xây dựng Đảng không chỉ chọn đúng người, đáp ứng nhu cầu công tác mà còn phải mạnh dạn điều chỉnh, thay thế, tạo thống nhất, đoàn kết nội bộ, quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ được giao.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận