06/02/2025 14:37 GMT+7

Ông Trump rút khỏi WHO vì muốn có người Mỹ làm tổng giám đốc?

Chính quyền của ông Trump đang cân nhắc yêu cầu WHO tiến hành một loạt cải cách để đổi lại việc Washington tiếp tục làm thành viên và các khoản đóng góp lớn.

Ông Trump rút khỏi WHO vì muốn có người Mỹ làm tổng giám đốc? - Ảnh 1.

Ông Trump (trái) đã nhiều lần chỉ trích tổng giám đốc WHO hiện tại, ông Tedros Adhanom Ghebreyesus - Ảnh: REUTERS

Ít nhất hai nguồn tin am hiểu vấn đề và một tài liệu mà Hãng tin Reuters xem được ngày 6-2 đã cho thấy các tính toán tiềm năng của chính quyền Donald Trump.

Cải cách và để người Mỹ làm tổng giám đốc WHO

Được biên soạn bởi một chuyên gia chính sách bên ngoài theo yêu cầu của nhóm chuyển giao quyền lực của ông Trump, tài liệu kết luận Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã trở thành "cơ quan Liên hợp quốc hỗn loạn nhất và kém hiệu quả nhất".

WHO, theo tài liệu nói trên, đã không thực hiện các cải cách được đề xuất trong hai thập kỷ qua, dẫn đến sự suy giảm về quản lý và chuyên môn khoa học.

Thừa nhận việc rời khỏi WHO sẽ gây tổn hại đến lợi ích của Mỹ, tài liệu cũng lập luận rằng việc ở lại còn gây thiệt hại tương đương nếu tổ chức này không cải tổ.

Theo Reuters, tài liệu được chia sẻ với các cố vấn của ông Trump trước lễ nhậm chức nên không rõ liệu những gì được nêu ra có tiếp tục được cân nhắc hay không.

Tuy nhiên, dựa trên bản tài liệu này, có thể hình dung được vài nét những bước đi tiếp theo của ông Trump đối với WHO. Ít nhất một khuyến nghị trong tài liệu đã được ông Trump thực hiện ngay sau khi nhậm chức là tuyên bố rút Mỹ khỏi WHO.

Bản tài liệu còn khuyến nghị Mỹ áp dụng "cách tiếp cận triệt để" để giải quyết các vấn đề với tổ chức này, trong đó có việc thúc đẩy một người Mỹ làm tổng giám đốc WHO sau khi nhiệm kỳ của tổng giám đốc hiện tại (một người Ethiopia - PV) kết thúc vào năm 2027.

"Không có lý do chính thức gì có thể giải thích cho trường hợp này và việc thiếu sự lãnh đạo của Mỹ ở cấp cao nhất tại WHO là một yếu tố quan trọng khiến chúng ta lãng phí tiền của và làm giảm hiệu quả của tổ chức này", tài liệu lập luận.

Về các bước tiếp theo, nhóm chuyên gia đề xuất nên chỉ định một đặc phái viên để giám sát các cuộc đàm phán với WHO về những cải tổ để giữ chân Mỹ. Đặc phái viên này sẽ báo cáo trực tiếp với ông Trump hoặc quan chức Nhà Trắng và thúc đẩy chuyện để người Mỹ làm tổng giám đốc WHO.

Hiện tại hoạt động điều phối các hoạt động với WHO do Bộ Ngoại giao và Bộ Y tế và Dịch vụ nhân sinh Mỹ đảm nhiệm.

WHO phát tín hiệu sẵn sàng cải cách

Trong sắc lệnh hành pháp ký chỉ vài giờ sau khi nhậm chức, Tổng thống Trump cáo buộc WHO đã phạm sai lầm trong xử lý đại dịch COVID-19 và chịu ảnh hưởng không đáng có từ các quốc gia khác.

Ông Trump đã gợi ý Mỹ có thể quay trở lại nếu WHO được "làm sạch" nhưng không nói cụ thể những gì tổ chức này cần làm. WHO sẽ mất đi nhà tài trợ lớn nhất từ tháng 1-2026 nếu không có các cuộc đàm phán để giữ chân Mỹ.

Trong một cuộc phỏng vấn với Reuters, giám đốc phụ trách cải cách của WHO, ông Søren Brostrøm, đã bác bỏ những chỉ trích của Mỹ.

"Chúng tôi đã cải cách toàn diện và vẫn đang trong quá trình đó", ông Brostrøm nói với Reuters, trích dẫn các động thái nhằm tăng cường tính độc lập khỏi các nhà tài trợ, trao nhiều quyền tự quyết hơn cho các giám đốc quốc gia và minh bạch hơn về chi tiêu.

Công việc của WHO, theo ông Brostrøm, có thể phức tạp hơn so với các cơ quan khác của Liên hợp quốc vì phạm vi rộng của tổ chức này, song phản ứng của tổ chức với các cuộc khủng hoảng sức khỏe không hề hỗn loạn.

"Nếu các quốc gia thành viên có thêm yêu cầu cải cách, chúng tôi sẽ cố gắng thực hiện", ông này nói thêm.

Mỹ là nước tài trợ lớn nhất cho WHO, đóng góp khoảng 18% tổng số tiền tài trợ hằng năm, bao gồm 400 triệu USD đóng góp tự nguyện và 130 triệu USD đóng góp dựa trên quy mô kinh tế.

Washington đã ngừng hợp tác với WHO sau sắc lệnh của ông Trump, song vẫn cử một phái đoàn đến cuộc họp ban điều hành của WHO diễn ra từ ngày 3 đến ngày 11-2 tại Geneve (Thụy Sĩ). Cuộc họp này sẽ xác định ngân sách và các ưu tiên sắp tới của WHO.

Tuần trước, 43 nhà lập pháp Mỹ đã thúc giục ông Trump xem xét lại kế hoạch rút khỏi WHO vì sức khỏe của người Mỹ và thế giới. Các nhà hoạt động y tế công cộng cũng đang tìm cách ngăn chặn việc rời khỏi WHO có hiệu lực, tính đến cả các hành động pháp lý khi cần thiết.

Ông Trump rút khỏi WHO vì muốn có người Mỹ làm tổng giám đốc? - Ảnh 3.WHO thừa nhận khó khăn tài chính khi Mỹ rời đi

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) sẽ cắt giảm chi phí và xem xét chương trình y tế nào cần ưu tiên sau khi ông Trump ký sắc lệnh rút Mỹ khỏi cơ quan này.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên