Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un từng có những lời lẽ không tốt đẹp về nhau - Ảnh: AFP
Theo hãng tin Reuters, trong cuộc nói chuyện với các thống đốc bang của Mỹ tại Nhà Trắng ngày 26-2, Tổng thống Donald Trump nói rằng Mỹ đã tiến hành gây áp lực mạnh mẽ với Triều Tiên nhằm chấm dứt chương trình hạt nhân và tên lửa của Bình Nhưỡng.
Nhân đó, vị lãnh đạo Nhà Trắng cho biết muốn có đối thoại với Bình Nhưỡng nhưng chỉ theo những điều kiện đúng đắn. "Chúng ta sẽ xem chuyện gì xảy ra", ông Trump nói lấp lửng theo cách quen thuộc.
Ông Trump cũng ca ngợi việc Trung Quốc "làm nhiều hơn bao giờ hết" đối với Triều Tiên, theo yêu cầu của chính quyền của ông.
Tổng thống Mỹ cũng không quên chỉ ra rằng nhiều hàng hóa đã đi vào Triều Tiên thông qua ngã của Nga bất chấp các lệnh cấm vận quốc tế đối với Bình Nhưỡng.
Hàn Quốc mong Mỹ hạ thấp tiêu chuẩn đối thoại
Trước đó, trong ngày, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In lên tiếng cho rằng Mỹ nên hạ thấp các rào cản cho cuộc đàm phán song phương với Triều Tiên, đồng thời nhấn mạnh điều quan trọng trước tiên là một cuộc đối thoại như vậy phải được diễn ra.
Phát biểu tại cuộc gặp Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Diên Đông - Đặc phái viên của Chủ tịch Tập Cận Bình, tại Phủ tổng thống Hàn Quốc, ông Moon nói rõ: "Mỹ cần hạ thấp yêu cầu để đối thoại và Triều Tiên phải chứng tỏ thiện chí phi hạt nhân hóa".
Vị lãnh đạo Nhà Xanh nói thêm: "Điều quan trọng là Mỹ và Triều Tiên phải ngồi xuống nói chuyện trực tiếp với nhau". Ông cũng kêu gọi sự ủng hộ của Trung Quốc nhằm hiện thực hóa cuộc đàm phán Mỹ - Triều trong thời gian sớm nhất.
Hai nhân vật đóng giả Kim Jong Un và Donald Trump đem lại những khoảnh khắc vui nhộn ở kỳ Olympic mùa Đông tại Hàn Quốc với mong muốn có Olympic Hòa bình - Ảnh: TWITTER
Nhận định này được Tổng thống Hàn Quốc đưa ra một ngày sau khi ông gặp phái đoàn cấp cao Triều Tiên do ông Kim Yong Chol - Trưởng ban Mặt trận Thống nhất Đảng Lao động Triều Tiên,dẫn đầu sang thăm Hàn Quốc dự lễ bế mạc Olympic mùa Đông PyeongChang, trong đó ông Kim đã bất ngờ thông báo rằng Triều Tiên sẵn sàng đàm phán với Mỹ".
Đây là động thái khẳng định đầu tiên của phía Triều Tiên đối với Mỹ trong nhiều năm qua. Vài giờ sau đó, thông điệp đối thoại của Triều Tiên được nhắc lại tại cuộc hội đàm giữa người đứng đầu Văn phòng An ninh quốc gia của Tổng thống Hàn Quốc Chung Eui Yong với đại diện Triều Tiên Kim Yong Chol.
Các tín hiệu như vậy đã được chuyển đi với tốc độ chóng mặt.
Trung Quốc tỏ ra hi vọng
Dẫu thế, Nhật và Liên minh châu Âu (EU) vẫn nhân cơ hội này tuyên bố duy trì gây áp lực cấm vận để Bình Nhưỡng buộc phải ngồi vào bàn đàm phán nghiêm túc hơn.
Còn Trung Quốc, như mọi khi, vẫn khá kín kẽ trong vai trò nhân tố giải quyết vấn đề Triều Tiên. Ngày hôm nay, người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng nêu hy vọng Triều Tiên và Mỹ có thể đạt tiến triển trong đối thoại nhằm thúc đẩy việc giải quyết vấn đề hạt nhân trên Bán đảo Triều Tiên.
Đội nữ cổ vũ xinh đẹp của Triều Tiên chuẩn bị rời Hàn Quốc trong ngày 26-2 để về quê nhà sau khi kết thúc những ngày tham dự Olympic mùa Đông Pyeongchang - Ảnh: REUTERS
Phát biểu trong một cuộc họp báo, ông Lục Khảng nêu rõ: "Cốt lõi của vấn đề hạt nhân trên Bán đảo Triều Tiên là một vấn đề an ninh", việc giải quyết vấn đề cốt lõi này phụ thuộc vào Triều Tiên và Mỹ.
Liên quan tới việc phái đoàn cấp cao Triều Tiên bày tỏ sự sẵn sàng đối thoại vơi Mỹ khi gặp Tổng thống Hàn Quốc tại PyeongChang, phía Trung Quốc hoan nghênh sự tiến triển mà Bình Nhưỡng và Seoul đã đạt được trong việc tiến hành đối thoại và cải thiện quan hệ.
Theo ông Lục Khảng, Trung Quốc hy vọng hai bên sẽ nắm bắt cơ hội, tiếp tục thể hiện thiện chí với nhau và duy trì động lực của sự hợp tác và đối thoại. Ngoài ra, hai bên nên có những nỗ lực cụ thể nhằm cải thiện quan hệ hơn nữa, làm lắng dịu tình hình khu vực và duy trì hòa bình, ổn định trên Bán đảo Triều Tiên.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận