Rex Tillerson, CEO của Exxon Mobil vẫn cần phải nhận được cái gật đầu của Thượng viện trước khi chính thức trở thành Ngoại trưởng Mỹ - Ảnh: Reuters |
Viết trên Twitter tối 12-12 (giờ Mỹ), Tổng thống đắc cử Donald Trump tuyên bố ông sẽ công bố đề cử của ông cho vị trí Ngoại trưởng Mỹ vào sáng 13-12 (tức tối nay giờ Việt Nam).
Mặc dù vậy, một loạt báo đài Mỹ đã đồng loạt khẳng định cái tên cuối cùng được xướng lên không ai khác chính là giám đốc điều hành của Exxon Mobil sau khi ứng cử viên tiềm năng nhất là Mitt Romney - ứng viên Tổng thống của Đảng Cộng hòa năm 2012 - cho thấy ông không phải là sự lựa chọn của ông Trump.
"Thật sự là một vinh dự vì đã từng được cân nhắc trở thành Ngoại trưởng của đất nước vĩ đại này", ông Romney đã viết trên tài khoản Facebook của mình.
Đài Fox News dẫn nguồn tin từ đội ngũ chuyển giao của ông Trump cũng xác nhận ông Tillerson đã vượt qua được nhiều ứng viên nặng ký khác như thượng nghị sĩ Bob Corker, Đại tướng David H. Petraeus hay thậm chí đồng minh thân cận lâu năm của ông Trump - cựu Thị trưởng New York Rudolph W. Giuliani, để trở thành người được ông Trump đề cử cho vị trí phụ trách các vấn đề đối ngoại của nước Mỹ dưới thời ông cầm quyền.
Về nguyên tắc, cũng như nhiều chức danh khác trong nội các, vị trí Ngoại trưởng vẫn cần nhận được sự chấp thuận của Thượng viện.
Tờ New York Times nhận định, nếu được chấp thuận, ông Tillerson sẽ đối mặt với nhiều thách thức hơn là cơ hội. Mặc dù nhận được sự đề cử của ông Trump, có khá nhiều tín hiệu không mấy khả quan từ Thượng viện Mỹ mà Đảng Cộng hòa đang chiếm đa số.
Sự nghi kỵ đến từ việc ông Tillerson có mối quan hệ thân thiết gần hai thập niên với giới lãnh đạo Nga.
Lãnh đạo của Exxon là bạn của Igor Sechin, chủ tịch Rosneft. Ông này từng là phó thủ tướng của ông Vladimir Putin và được coi là "người quyền lực số hai" của Nga. Năm 2013, ông Tillerson nhận được Huân chương hữu nghị nước Nga và đã nhiều lần chỉ trích các lệnh trừng phạt của Mỹ nhắm vào Nga, theo tờ New York Times.
Với mối quan hệ hữu hảo như vậy và trong bối cảnh quan hệ giữa Nga và Mỹ đang vốn không mấy tốt đẹp vì những cáo buộc tấn công mạng và các lệnh trừng phạt được Washington áp đặt lên Matxcơva, không khó hiểu khi người ta tỏ ra nghi ngờ. Đây cũng là bài toán mà ông Tillerson sẽ phải giải quyết cho bằng được nếu trở thành Ngoại trưởng Mỹ.
Thực tế nhiều thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa đã tỏ rõ thái độ sẽ không chấp nhận việc một người có quan hệ hữu hảo với Nga trở thành Ngoại trưởng Mỹ. Các cố vấn trong đảng Cộng hòa cũng cảnh báo nguy cơ ông Tillerson có thể sẽ không được chấp nhận tại Thượng viện.
Viết trên Twitter, Thượng nghị sĩ Marco Rubio cùng nhiều thượng nghị sĩ khác của đảng Cộng hòa bày tỏ sự lo ngại về mối quan hệ giữa ông Tillerson và lãnh đạo Nga.
Thượng nghị sĩ John McCain cũng nằm trong luồng nghi kỵ đó và cam kết sẽ xem xét vấn đề một cách thận trọng, theo Fox News.
Là một nhà kinh doanh và nhà đàm phán giàu kinh nghiệm, ông Tillerson đã có hơn 40 năm làm việc tại Exxon, đã từng đi nhiều quốc gia và có mối quan hệ khá tốt với Tổng thống Nga Vladimir Putin, theo báo Washington Post. Dưới trướng của ông, Exxon đã liên doanh với tập đoàn dầu khí nhà nước Rosneft và hỗ trợ nhiều chương trình y tế, phúc lợi xã hội tại nước Nga. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận