26/05/2018 11:54 GMT+7

Ông Trump cứu ZTE của Trung Quốc bất chấp phản ứng trong nước

HOÀNG DUY LONG
HOÀNG DUY LONG

TTO - Bước đi này của chính quyền Trump được phỏng đoán nhằm dễ dàng đạt hiệu quả trong dàn xếp chiến tranh thương mại với Trung Quốc và giải quyết một số vấn đề quốc tế có liên quan khác.

Ông Trump cứu ZTE của Trung Quốc bất chấp phản ứng trong nước - Ảnh 1.

Gian trưng bày của công ty ZTE tại Hội nghị Di động Thế giới ở TP Barcelona, Tây Ban Nha tháng 2-2017 - Ảnh: REUTERS

Tổng thống Mỹ Donald Trump thông báo ông đã đạt được một thỏa thuận để Tập đoàn viễn thông ZTE của Trung Quốc duy trì hoạt động và tránh được nguy cơ phá sản do các lệnh trừng phạt của Washington, bất chấp sự phản đối của các nghị sĩ thuộc đảng Dân chủ và một số nghị sĩ đảng Cộng hòa của ông.

Trong thông báo đăng tải trên Twitter tối 25-5 (giờ Washington), nhà lãnh đạo Mỹ nói rằng ông quyết định mở cửa trở lại cho ZTE kèm theo một thỏa thuận, trong đó yêu cầu ZTE "đảm bảo an ninh mức độ cao, thay thế ban giám đốc điều hành và quản lý, phải mua linh kiện do Mỹ sản xuất và nộp khoản phạt 1,3 tỉ USD".

Bóp rồi mở

Ông cũng không quên đá xéo chính sách kinh tế của chính quyền tiền nhiệm là "là đã buông lỏng để cho doanh nghiệp viễn thông ZTE phát triển mà không có kiểm soát về an ninh" và "những cái gọi là thỏa thuận thương mại của những chính quyền thời đảng Dân chủ chỉ là trò cười của thế giới". 

Đương nhiên điều đó có nghĩa công của chính quyền ông là đã chỉnh sửa tình trạng đó, theo cách thương lượng "kiểu của Trump" là dùng cây gậy đập cú gây choáng rồi buộc vào ngồi thương lượng theo yêu sách của Mỹ.

Những nội dung này gần giống với những điều kiện mà ông Trump và Bộ trưởng Thương mại Mỹ Steven Mnuchin công bố hồi đầu tuần qua như các biện pháp giúp ZTE thoát khỏi lệnh cấm xuất khẩu trước đó gần như khiến hãng ngừng hoạt động.

Báo New York Times còn dẫn nguồn có nắm bắt về thỏa thuận đã đạt được cho biết trong các điều khoản còn có việc ZTE phải chấp thuận cho các quan chức Mỹ tham gia giám sát để đảm bảo công ty này hoạt động phù hợp luật pháp Mỹ.

Thông tin trên được công bố trong bối cảnh Mỹ và Trung Quốc chuẩn bị nối lại các cuộc thương lượng giải quyết vấn đề tranh chấp thương mại giữa 2 nước tại Bắc Kinh vào tuần tới.

Từ đầu tháng 5 đến nay, đoàn công tác của 2 nước đã xúc tiến 2 vòng thương lượng tại cả Bắc Kinh và Washington và đã từng bước tháo gỡ những bất đồng và đạt được thỏa thuận cụ thể hướng tới giải quyết tranh chấp như Trung Quốc sẽ mua thêm nhiều hàng hóa trong lĩnh vực năng lượng và nông nghiệp của Mỹ nhằm giảm thâm hụt thương mại khổng lồ với Mỹ lên tới hơn 370 tỉ USD.

Với khoảng 75.000 nhân viên trên toàn cầu, ZTE là một trong những nhà sản xuất thiết bị viễn thông lớn nhất thế giới.

ZTE của Trung Quốc đã buộc phải đình chỉ các hoạt động kinh doanh chính trên toàn thế giới sau khi Bộ Thương mại Mỹ hồi giữa tháng 4 vừa qua cấm các công ty Mỹ bán phần mềm và linh kiện cho hãng viễn thông Trung Quốc này trong vòng 7 năm do nhiều lần tái phạm các biện pháp trừng phạt của Mỹ đối với Triều Tiên và Iran.

Hồi tháng 3-2017, công ty ZTE từng bị phạt 1,2 tỉ USD vì lý do trên.

Ông Trump cứu ZTE của Trung Quốc bất chấp phản ứng trong nước - Ảnh 2.

Khách hàng tham quan tại gian trưng bày của công ty ZTE tại Hội nghị Di động Thế giới ở TP Barcelona, Tây Ban Nha tháng 2-2017 - Ảnh: REUTERS

Vượt qua những chỉ trích trong nước

Ý định thỏa thuận của Nhà Trắng từng vấp phải sự phản đối mạnh mẽ từ các nghị sĩ đảng Dân chủ. Nghị sĩ Nancy Pelosi - thủ lĩnh phe thiểu số tại Hạ viện Mỹ, đã chỉ trích thỏa thuận về "phản bội người dân Mỹ". Bà cho rằng ông Trump đang sử dụng các nguồn của chính phủ để làm giàu cho ZTE.

Còn Thượng nghị sĩ hàng đầu của đảng Cộng hòa, ông Marco Rubio - người đứng đầu một tiểu ban chủ chốt phụ trách đối ngoại, cáo buộc chính quyền Tổng thống Trump đạt được một thỏa thuận có lợi cho Trung Quốc. 

Vị TNS đại diện bang New York từng tuyên bố sẽ tìm cách ngăn chặn thỏa thuận này.

Thủ lĩnh phe thiểu số đảng Dân chủ tại Thượng viện Mỹ, Chuck Schumer cũng đã kêu gọi các nghị sĩ hai đảng đoàn kết ngăn chặn thỏa thuận nói trên, chỉ trích chính quyền Tổng thống Trump đang giúp Trung Quốc lớn mạnh hơn.

Để đi đến thỏa thuận tuyên bố vào tối 25-5 và để dẹp yên dư luận phản ứng, Tổng thống Trump, khi trả lời báo giới trước cuộc gặp Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In tại Nhà Trắng hôm 22-5, cho rằng ZTE sẽ phải mua một lượng lớn linh kiện từ các công ty Mỹ. Tổng thống Trump khẳng định việc đóng cửa ZTE sẽ khiến nhiều công ty Mỹ phải chịu tổn thất.

Trước đó, truyền thông Mỹ đưa tin nước này và Trung Quốc đã đạt được một thỏa thuận sơ bộ để tránh cho hãng sản xuất thiết bị viễn thông ZTE của Trung Quốc rơi vào nguy cơ phá sản, chỉ vài ngày sau khi hai nền kinh tế lớn nhất thế giới thông báo "hòa hoãn" để tránh một cuộc chiến tranh thương mại.

Ông Trump cứu ZTE của Trung Quốc bất chấp phản ứng trong nước - Ảnh 3.

Biển hiệu của ZTE trên một tòa nhà văn phòng ở TP Thượng Hải, Trung Quốc - Ảnh: AFP

ZTE không phải là một thương hiệu phổ biến ở Mỹ nhưng đây là một trong các công ty viễn thông kiêm sản xuất điện thoại lớn nhất Trung Quốc.

Ông Lixin Cheng, giám đốc điều hành mảng điện thoại của ZTE, từng giải thích rằng công ty này muốn chiếm thị phần nhiều hơn ở Mỹ bằng cách bán điện thoại thông minh rẻ hơn của Apple và Samsung.

ZTE đã vung tiền ra tài trợ cho đội bóng rổ Golden State Warriors tham gia giải thi đấu NBA Championship. Đây là cách để ZTE được biết đến nhiều hơn bên ngoài Trung Quốc, theo vị giám đốc.

Ông Cheng nhận xét dù cạnh tranh ngày càng tăng, các công ty Mỹ và Trung Quốc vẫn còn dựa vào nhau rất nhiều. Một ví dụ cụ thể: điện thoại Trung Quốc không thể nào bùng nổ nếu không có hệ điều hành Android của hãng Google, trong khi thị trường smartphone của Mỹ không thể cất cánh nếu không có nền sản xuất của Trung Quốc.

HOÀNG DUY LONG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên