13/04/2019 10:07 GMT+7

Ông trùm WikiLeaks bị bắt, vì sao?

TRẦN PHƯƠNG
TRẦN PHƯƠNG

TTO - Việc ông Julian Assange bị bắt khỏi Đại sứ quán Ecuador tại Anh và nhanh chóng bị đưa ra tòa vài giờ sau đó để nghe các cáo buộc, thực ra không bất ngờ vì đã được bàn tán từ nhiều tuần trước đó.

Ông trùm WikiLeaks bị bắt, vì sao?  - Ảnh 1.

Ông Julian Assange sau khi bị bắt đưa lên xe ra khỏi Đại sứ quán Ecuador tại London, Anh ngày 11-4 - Ảnh: Reuters

Tại phiên tòa vài giờ sau khi bị tống tiễn khỏi đại sứ quán, nhà sáng lập WikiLeaks bình thản ngồi đọc sách tại tòa án ở London chờ phiên xét xử bắt đầu.

Vụ việc gần nhất vào tháng 2-2019 khi WikiLeaks rò rỉ tài liệu về Vatican. Việc này và các vụ công bố khác đã xác nhận nghi ngờ của thế giới rằng ông Assange vẫn còn liên hệ với WikiLeaks và vì vậy liên quan đến việc can thiệp vào chuyện nội bộ của các nước khác.

Tổng thống Ecuador Lenin Moreno tiết lộ


Mặc áo khoác đen bước vào phiên tòa, nhà hoạt động gốc Úc vẫy tay chào một số người ủng hộ coi ông như một người hùng của tự do ngôn luận và cũng vẫy tay khi rời tòa 40 phút sau đó.

Tại phiên tòa, ông nghe các cáo buộc của chính quyền Mỹ và bị tuyên có tội khi không xuất hiện tại phiên tòa năm 2012 xét xử cáo buộc ông quấy rối tình dục tại Thụy Điển. 

Washington có thời gian đến 12-6 để hoàn tất yêu cầu dẫn độ ông Assange dù Ecuador khẳng định đã có thỏa thuận với Chính phủ Anh sẽ không dẫn độ ông Assange đến "một quốc gia mà ông có thể bị tra tấn hoặc tử hình".

Chọc giận Ecuador

Cảnh sát Anh cho biết họ bắt giữ ông Assange theo lời mời đến Đại sứ quán Ecuador ở London sau khi Ecuador rút lại quy chế tị nạn chính trị với nhà hoạt động 47 tuổi.

Tại Washington, Bộ Tư pháp Mỹ ngay lập tức thông báo ông Assange bị cáo buộc âm mưu cấu kết cùng chuyên viên phân tích tình báo lục quân Chelsea Manning nhằm xâm nhập máy tính chính phủ khi WikiLeaks tung ra hàng trăm ngàn trang tài liệu của quân đội Mỹ liên quan đến các cuộc chiến tại Iraq, Afghanistan và các trao đổi ngoại giao khác.

Theo Reuters, Mỹ đã bí mật đưa ra cáo buộc đối với ông Assange từ tháng 3-2019 và chỉ công bố ngày 11-4. 

Cáo buộc này đủ để nhà sáng lập WikiLeaks bóc lịch nhiều năm dù các chuyên gia cho biết Mỹ sẽ còn đưa ra nhiều cáo buộc khác.

Tính đến khi bị bắt, ông Assange đã sống 7 năm trong Đại sứ quán Ecuador kể từ khi được cựu tổng thống Rafael Correa "cưu mang".

Tuy nhiên, mối quan hệ của ông với đương kim Tổng thống Lenin Moreno không mấy tốt đẹp khi ông Moreno nhiều lần chỉ trích nhà sáng lập WikiLeaks vi phạm các điều khoản tị nạn như chặn máy quay an ninh của đại sứ quán, tiếp cận hồ sơ an ninh và chống đối nhân viên bảo vệ.

Ecuador cũng cáo buộc ông Assange rò rỉ thông tin về cuộc sống cá nhân xa hoa với những bữa ăn thịnh soạn, đồng hồ đắt tiền và du lịch khắp thế giới của Tổng thống Moreno và người thân khiến ông bị điều tra.

Tổng thống Moreno cho biết Ecuador đã "chịu hết nổi cách hành xử của ông Assange" khi WikiLeaks tiếp tục tung nhiều thông tin nhạy cảm.

Các nguồn tin của truyền thông cũng xác nhận mâu thuẫn giữa ông Assange và chính quyền Ecuador đã xảy ra từ lâu, liên quan đến những giới hạn của ông trong đại sứ quán. 

Theo BBC, nhà hoạt động bị cấm sử dụng Internet và bị cáo buộc tham gia các hoạt động chính trị.

Ông trùm WikiLeaks bị bắt, vì sao?  - Ảnh 3.

Hình vẽ ông Julian dự phiên tòa ngày 11-4 để nghe các cáo buộc (truyền thông không được chụp ảnh, quay phim) - Ảnh: SWNS

7 năm kỳ lạ

Cứ như vậy, ông Assange trở thành một vị khách không mời trong Đại sứ quán Ecuador. 

"Bên trong đại sứ quán bé xíu xây bằng gạch đỏ, ông ấy vẫn tiếp tục điều hành nhóm Internet của mình, tổ chức họp báo trước hàng trăm người ủng hộ từ bancông, trượt ván bên trong các sảnh và đón tiếp một đoàn khách, gồm Lady Gaga và Pamela Anderson..." - New York Times viết.

Ông sống một góc nhỏ trong đại sứ quán nhỏ bé đó với một chiếc giường, đèn, điện thoại, máy tính và kệ sách suốt 7 năm ròng, nơi mà bạn bè ông so sánh như ngục tù.

"Đó là một sự tồn tại đáng thương và tôi có thể nhìn thấy sự căng thẳng của ông. Điều khó khăn nhất đối với Julian là sự cô đơn. Ông đã rất cứng rắn nhưng năm ngoái đặc biệt khó khăn. 

Ông ấy liên tục bị giám sát, theo dõi và chẳng còn sự riêng tư cá nhân nào cả" - Reuters dẫn lời Vaughan Smith, một người bạn từng đến thăm nhà hoạt động.

Nhưng nhà tù này khiến Ecuador tốn kém không ít. Ngoại trưởng José Valencia cho biết nước này chi 5,8 triệu USD để bảo vệ an ninh cho ông Assange từ năm 2012 đến 2018, chưa kể gần 400.000 USD cho các chi phí y tế, thức ăn và giặt giũ.

Các tài liệu của Đại sứ quán Ecuador tiết lộ những trò tiêu khiển của ông Assange như chơi đá bóng với khách mời làm vỡ thiết bị trong đại sứ quán, sử dụng cơ chế báo động gọi cảnh sát đến chỉ để quay hình.

"Hành động diễn ra vào giữa đêm rõ ràng là để quấy nhiễu cảnh sát" - cựu đại sứ Juan Falconí Puig của Ecuador tại Anh cho biết.

Từ năm ngoái, Đại sứ quán Ecuador quyết định thay đổi các quy định đối với ông Assange. Nhà sáng lập WikiLeaks bị yêu cầu tự chi trả các chi phí cá nhân, thuốc men, thực phẩm, chăm sóc mèo, giữ vệ sinh và xin phép trước khi mời khách.

Kết cục báo trước

Số phận của ông Assange có lẽ đã được định đoạt từ năm 2017 khi ông Moreno đắc cử tổng thống Ecuador năm 2017 và vụ rò rỉ thông tin cá nhân của gia đình ông Moreno cũng như việc ông Assange cáo buộc chính quyền Ecuador do thám mình thực sự đã đẩy tổng thống Ecuador quá giới hạn chịu đựng.

 "Hình ảnh phòng ngủ của tôi, tôi ăn gì và vợ, con, bạn bè tôi nhảy ra sao đều bị lan truyền trên mạng xã hội" - ông Moreno tỏ ra tức giận.

WikiLeaks tuần trước dự báo ông Moreno sẽ sớm quyết định số phận của ông Assange sau khi trang này tiết lộ một vụ bê bối tham nhũng của chính quyền Ecuador. 

Thật ra trong một phát biểu cuối năm ngoái, ông Moreno đã lấp lửng rằng nhà sáng lập WikiLeaks nên nộp mình cho chính quyền Anh nếu London cam kết không dẫn độ ông đến nước thứ ba có áp dụng án tử hình.

Trong vài tuần qua, các tin đồn ông Assange sẽ bị bắt đã được lan truyền. 

Barrett Brown, một nhà hoạt động từng đấu tranh cho ông Assange, khẳng định một phóng viên nói với ông rằng mình đã được các quan chức Mỹ báo trước vài tuần về việc nhà sáng lập WikiLeaks sẽ bị bắt giữ.

Tuy nhiên từ thứ sáu tuần trước, Bộ Ngoại giao Ecuador vẫn khẳng định các tin đồn về việc hủy quy chế tị nạn của ông Assange là "tin giả" và không có cơ sở cho đến khi ông thực sự bị bắt ngày 11-4.

Assange bị theo dõi?

wki1

Một số chính trị gia Đức tham gia cuộc biểu tình phản đối việc bắt giữ ông Julian Assange trước Đại sứ quán Anh tại Berlin ngày 12-4 - Ảnh: Reuters

Ngay trước khi ông Assange bị bắt, trang WikiLeaks đã tiết lộ một "chiến dịch do thám" nhắm vào ông trong Đại sứ quán Ecuador.

Theo trang này, các đoạn video, ghi âm, hình ảnh và thậm chí bản sao giấy tờ pháp lý, y tế của ông Assange bị thu thập và gửi đến Tây Ban Nha.

Kết quả là WikiLeaks bị yêu cầu nộp 3 triệu euro để ngăn những hình ảnh này phát tán.

"Tống tiền là việc rất nghiêm trọng, nhưng điều khiến tôi lo ngại hơn là việc thu thập tư liệu và do thám ông Assange của chính quyền [Ecuador] và các quan chức đại diện cho ông ấy tại đại sứ quán chống lại cá nhân mà họ đã cho phép tị nạn và cam kết bảo hộ toàn diện.

Theo tôi, điều này không chỉ phi pháp mà còn cực kỳ vô đạo đức" - biên tập viên Kristinn Hrafnsson của WikiLeaks chỉ trích.

Kỳ tới: Tương lai nào cho Assange?

Vụ Wikileaks: Cảnh sát Anh nói bắt Julian Assange vì Mỹ Vụ Wikileaks: Cảnh sát Anh nói bắt Julian Assange vì Mỹ

TTO - Mỹ đã có yêu cần dẫn độ người thành lập trang Wikileaks, sau khi ông này vừa bị cảnh sát Anh bắt giữ tại Đại sứ quán Ecuador.


TRẦN PHƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên