25/06/2020 10:48 GMT+7

Ông Trần Phương Bình: 'Phóng lao phải theo lao'

TUYẾT MAI - TÂM LỤA
TUYẾT MAI - TÂM LỤA

TTO - Sáng 25-6, phiên tòa xét xử ông Trần Phương Bình và 11 đồng phạm về các tội vi phạm quy định về cho vay, lạm dụng tín nhiệm liên quan đến thất thoát 8.800 tỉ tại Ngân hàng Đông Á (DAB) tiếp tục phần xét hỏi.

Ông Trần Phương Bình: Phóng lao phải theo lao - Ảnh 1.

Các bị cáo Phùng Ngọc Khánh, Nguyễn Đức Tài, Trần Phương Bình (từ trái sang) - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Dự án bị thu hồi, tiền vay không trả được

Trả lời thẩm vấn, bà Nguyễn Tăng Ngọc Linh (48 tuổi, Nguyên phó giám đốc DAB Chi nhánh Quận 10), bị truy tố về tội vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng khi lập hồ sơ đề xuất cho TTC Đà Lạt vay 210 tỉ đồng, thừa nhận hành vi như cáo trạng.

Cụ thể, đầu năm 2008, TTC Đà Lạt được UBND tỉnh Lâm Đồng cấp giấy chứng nhận đầu tư để thực hiện dự án Trung tâm văn hóa thể thao tỉnh Lâm Đồng và dự án Khu công viên văn hóa Bà Huyện Thanh Quan.

Để giúp ông Nguyễn Thiện Nhân (Chủ tịch HĐQT TTC) và TTC có tiền hoàn trả 100 triệu USD cho VIHL và VNL (hai công ty nước ngoài đã đầu tư vào TTC), ông Trần Phương Bình chỉ đạo cho DAB cho 2 công ty và 5 cá nhân thuộc nhóm này vay tổng cộng 1.820 tỉ đồng và xuất quỹ 77,7 tỉ đồng để mua 5 tài sản của nhóm TTC.

Tuy nhiên, sau khi nhận tiền, TTC chỉ trả cho VIHL và VNL 719 tỉ đồng. 

Đến tháng 12-2008, ông Bình tiếp tục chỉ đạo cho bà Nguyễn Thị Ngọc Vân (Nguyên Phó tổng giám đốc DAB) để bà này chỉ đạo cho bà Linh lập hồ sơ tín dụng cho TTC Đà Lạt vay 210 tỉ đồng để trả tiền cho VIHL và VNL. 

Tài sản đảm bảo cho khoản vay này là 2 dự án trung tâm văn hóa thể  thao tỉnh Lâm Đồng và dự án khu công viên văn hóa Bà Huyện Thanh Quan.

Hai dự án nêu trên chưa đủ điều kiện để làm tài sản đảm bảo, bởi chưa được cấp Giấy chứng nhận QSDĐ, chưa hoàn thành thủ tục thuê đất, chưa triển khai đầu tư xây dựng gì, TTC mới ứng trước 100 tỉ để đền bù giải phóng mặt bằng nên không có cơ sở định giá, mục đích vay không phải để đầu tư vào 2 dự án này mà là để lấy tiền trả nợ cho VIHL và VNL.

Với vai trò là phó giám đốc DAB chi nhánh quận 10, bà Linh đã không tiếp xúc khách hàng, không thẩm định hồ sơ vẫn lập tờ trình cho TTC Đà Lạt vay 210 tỉ đồng, sau đó chuyển cho bà Vân và ông Bình ký duyệt. 

Đến năm 2012, TTC và TTC Đà Lạt ngừng hoạt động, hai ông Nguyễn Thiện Nhân và Nguyễn Ngọc Minh (đại diện pháp luật của TTC Đà Lạt) bỏ trốn, 2 tài sản thế chấp bị UBND tỉnh Lâm Đồng thu hồi. 

UBND tỉnh Lâm Đồng đã trả cho TTC Đà Lạt 101 tỉ đã ứng trước để đền bù giải phóng mặt bằng nhưng cả ông Nhân và ông Minh đã sử dụng chứ không trả nợ cho DAB. Tính đến cuối năm 2018, khoản vay trên còn dư nợ 527 tỉ đồng.

Tại tòa, bị cáo Linh khai năm 2008, Vân gọi cho Linh nói "anh Bình làm việc với anh Nhân đã thống nhất cho TTC vay 210 tỉ. Giám đốc tài chính TTC sẽ đem hồ sơ lên chi nhánh quận 10. Bị cáo chưa bao giờ gặp ông Nhân, ông Nhân cũng chưa bao giờ đến chi nhánh quận 10. Chi nhánh quận 10 chỉ tiếp nhận hồ sơ và đưa thông tin chi tiết vào tờ trình.Bị cáo  tin tưởng  chị Vân" - bà Linh khai

Tương tự, ông Nguyễn Chí Thiện (Nguyên cán bộ tín dụng DAB chi nhánh Quận 10) cũng khai nhận hành vi phạm tội như cáo trạng nêu. Tuy nhiên, bị cáo này cũng xin HĐXX xem xét vai trò của mình vì chỉ làm theo sự chỉ đạo của cấp trên.

Ông Trần Phương Bình: Phóng lao phải theo lao - Ảnh 2.

Ông Trần Phương Bình tại phiên tòa - Ảnh: QUANG ĐỊNH

"Phóng lao thì phải theo lao"

Trong thời gian từ 2007, ông Phùng Ngọc Khánh - Tổng giám đốc Công ty M&C - đã sử dụng pháp nhân 11 công ty thuộc nhóm M&C  và 10 cá nhân vay 7.100 tỉ tại DAB. Đến nay 9 công ty còn dư nợ hơn 7.739 tỉ đồng.

Trong nhóm 9 công ty này thì có 4 công ty có chung tài sản đảm bảo là quyền khai thác tháp căn hộ 38 tầng tại khu phức hợp Sài Gòn - Ba Son. 

Ngoài ra, công ty An Bình An (một công ty thuộc nhóm M&C) có khoản vay tại DAB với tài sản đảm bảo là 25.000 trái phiếu của Công ty M&C. 

Cáo trạng cho rằng đến nay các công ty này đã ngừng hoạt động, dự án Sài Gòn - Ba Son do chủ đầu tư khác thực hiện, các công ty này không có quyền tài sản nên không có giá trị đảm bảo cho các khoản vay trên.

Tại tòa, ông Trần Phương Bình khai biết các dự án thế chấp tại DAB không đủ điều kiện làm tài sản đảm bảo nhưng vẫn chấp nhận cho vay, bởi trước đó nhóm M&C đã nợ DAB khoản tiền rất lớn nhưng chưa trả được.

"Bị cáo rất mừng khi Ba Son làm việc với ông Thắng bởi với mảnh đất vàng như vậy nếu Ba Son để M&C khai thác thì DAB có thể thu hồi nợ. Phóng lao phải theo lao, phải cho ông Thắng 1 cái phao nhỏ để ông Thắng bám vào" - ông Bình khai.

Trả lời thẩm vấn, tổ trưởng Tổ giám định Ngân hàng Nhà nước cho rằng 25.000 trái phiếu là giấy tờ có giá, có thể làm tài sản đảm bảo. 

Tuy nhiên, khi HĐXX chất vấn nội dung trả lời như trên là mâu thuẫn với Cáo trạng của VKSND tối cao, bởi VKSND tối cao cho rằng trái phiếu không có giá trị pháp lý vì công ty CP M&C không đủ điều kiện phát hành trái phiếu, thì vị này cho rằng tổ giám định không có chức năng giám định trái phiếu doanh nghiệp.

Ông Trần Phương Bình: Ông Trần Phương Bình: 'Bị cáo đã quá sai lầm!'

TTO - Trả lời thẩm vấn trước tòa, bị cáo Trần Phương Bình (nguyên tổng giám đốc Ngân hàng Thương mại cổ phần Đông Á - DAB) tỏ ra ăn năn, hối lỗi trước thất thoát hàng ngàn tỉ đồng mà mình đã gây ra cho ngân hàng này.

TUYẾT MAI - TÂM LỤA
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên