Ông Tăng Hữu Phong trong buổi tiếp xúc cử tri sáng 10-5 - Ảnh: Ngọc Dương |
“Truyền thống 41 năm qua của Tuổi Trẻ là chưa bao giờ dừng lại việc tiếp thu ý kiến bạn đọc và chuyển tải cơ quan chức năng, tổ chức chính trị xã hội có liên quan. Đó là sự đền đáp với bạn đọc đã tin tưởng tờ báo”.
Nhà báo Tăng Hữu Phong - Tổng biên tập báo Tuổi Trẻ, ứng cử viên đại biểu HĐND TP.HCM, tổ bầu cử 22 - Quận Tân Bình đã trả lời như vậy trước câu hỏi: “Là một ứng cử viên HĐND TP.HCM, Tổng biên tập báo Tuổi Trẻ, ông suy nghĩ thế nào để Tuổi Trẻ là tiếng nói đại diện cho người trẻ, trở thành người bạn tốt của ban đọc, lên tiếng mạnh mẽ về chống tiêu cực?” của cử tri Trần Danh Toại, P.4 - Tân Bình, tại hội nghị tiếp xúc cử tri.
Có tiêu cực, cử tri hãy gọi cho Tuổi Trẻ
Ông Toại cho rằng báo chí phải làm sao đổi mới tư duy của lãnh đạo từ quản lý sang phục vụ nhân dân và nói được tiếng nói của người dân.
Đồng thời là một ứng cử viên HĐND cấp phường ông Toại gửi gắm cho ứng cử viên Tăng Hữu Phong sự băn khoăn: “Có hay không việc các bài viết chống tiêu cực, tham nhũng bị báo chí tự kiểm duyệt, ngăn chặn?”.
Trả lời cử tri Trần Danh Toại, ông Tăng Hữu Phong cho biết báo Tuổi Trẻ có nhiều văn phòng và đội ngũ phóng viên trên cả nước, phản ánh các sự kiện diễn ra 24/24 giờ, trên nhiều sản phẩm báo in, báo điện từ, truyền hình.
Bất cứ lúc nào, cử tri, người dân trên cả nước cần phản ánh thông tin Tuổi Trẻ đều tiếp nhận, thông qua đội ngũ phóng viên, cộng tác viên và Ban công tác bạn đọc cũng như các bộ phận khác của báo.
“Tuổi Trẻ là tờ báo không phải của riêng những người trong đội ngũ Tuổi Trẻ mà là của tất cả bạn đọc” - ông Tăng Hữu Phong một lần nữa khẳng định.
Ông Phong nói Tuổi Trẻ chưa bao giờ có quan điểm chủ trương hạn chế các bài điều tra, đấu tranh tham nhũng lãng phí.
Gần đây nhất, Tuổi Trẻ đã phanh phui ra vụ một nhân viên quản lý nhà đất tại Bình Tân đòi 5.000 USD khu thụ lý hồ sơ, hoặc vụ một nhân viên Sở KHĐT đòi 15.000 USD để có giấy phép…
“Cử tri, bạn đọc thấy vấn đề tiêu cực cứ phản ánh với cá nhân tôi và đội ngũ Tuổi Trẻ. Nếu chính đáng sẽ được chuyển tải trên mặt báo Tuổi Trẻ, không hạn chế. Chúng ta cùng tuyên chiến với tham nhũng, tiêu cực!” - ông Tăng Hữu Phong nói.
Cử tri quận Tân Bình tiếp xúc với các ứng cử viên sáng 10-5 - Ảnh: Ngọc Dương |
Nói không với “lá cải” hóa báo chí
Nêu vấn đề với ứng cử viên Tăng Hữu Phong, cử tri Lê Văn Viện cho rằng một số tờ báo đang có xu hướng “lá cải” hóa, nhưng “báo chí chưa đấu tranh để làm trong sạch chính làng báo. Báo Tuổi Trẻ có làm việc này?” - ông Viện đặt câu hỏi.
Ông Tăng Hữu Phong khẳng định: Báo Tuổi Trẻ không bao giờ có quan điểm ủng hộ những thông tin “lá cải”, bóp méo sự việc để câu views… Từ báo giấy, báo điện tử đến truyền hình Tuổi Trẻ luôn có bộ lọc để gạt các thông tin này.
Ủng hộ quan điểm “làng báo phải tự đấu tranh trong nội bộ để làm trong sạch chính mình”, ông Tăng Hữu Phong nói: “Khi Tuổi Trẻ không đề cập tới thông tin “lá cải”, đưa những bài báo thức tỉnh lòng người trước cái xấu, hướng tới cái đẹp thì đó cũng là một thái độ đấu tranh”.
Tổng biên tập báo Tuổi Trẻ đã nhắc đến bài viết “Vì đất, vì tiền, đưa đứa em tật nguyền ra tòa” - một câu chuyện về lương tâm, một bài học xót xa về tình máu mủ đang tạo ra sự quan tâm lớn của bạn đọc những ngày qua để minh chứng cho định hướng này của Tuổi Trẻ.
Thông tin với cử tri, ông Tăng Hữu Phong cho biết, Bộ trưởng Bộ Thông tin truyền thông Trương Minh Tuấn cũng là một người rất quyết liệt xử lý vấn đề này, đã ra nhiều quyết định phạt nặng các tờ báo cố tình đưa tin “lá cải”, bóp méo sự thật để tăng view.
“Tuổi Trẻ và các cơ quan báo chí khác luôn kỳ vọng sắp tới sẽ có những giải pháp từ phía nhà nước trong việc đấu tranh với thông tin tiêu cực, dẹp bỏ thông tin “lá cải”, gợi mở, định hướng những điều tốt đẹp cho đời sống xã hội” - ông Tăng Hữu Phong chia sẻ.
Ứng cử viên gửi gắm cho ứng cử viên Tại hội nghị tiếp xúc cử tri, ứng cử viên Võ Xuân Bội Lâm - Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty TNHH một thành viên nhà máy United Healthcare cũng nêu bật việc phải có một môi trường minh bạch ở cơ quan công quyền, chú trọng truyền thông để có nâng cao đời sống văn hóa. Bà Lâm nói, bà muốn gửi gắm cho ứng cử viên Tăng Hữu Phong những điều này vì với cương vị một nhà báo, ông Tăng Hữu Phong sẽ có nhiều điều kiện để ghi nhận và chuyển tải mong muốn đó đến các cơ quan chức năng. “Tôi nghĩ rằng trúng cử hay không trúng cử thì tôi đều mong muốn có cơ hội để thực hiện chương trình hành động của mình” - bà Võ Xuân Bội Lâm chia sẻ. Ứng cử viên ông Dương Quốc Trị - Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc công ty Cổ phần văn hóa nhân văn cũng cho biết sẽ hành động để hướng đến một môi trường kinh doanh lành mạnh, tạo ra lợi nhuận nhưng luôn giữ đạo đức kinh doanh và các chuẩn mực xã hội |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận