Chiều 27-8, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên - trưởng Ban Chỉ đạo triển khai thực hiện nghị quyết 98 TP.HCM - đã chủ trì cuộc họp của Ban Chỉ đạo thực hiện nghị quyết 98.
Tìm phương hướng thực hiện nghị quyết 98
Phát biểu mở đầu cuộc họp, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên cho rằng cuộc họp diễn ra trong bối cảnh TP.HCM trải qua hơn 1 năm thực hiện nghị quyết 98.
Đến nay Ban Chỉ đạo họp đánh giá lại những nhóm nhiệm vụ đã thực hiện, xem xét những vấn đề làm được, những vấn đề chưa làm được, phân tích nguyên nhân và đề ra các giải pháp để tiếp tục triển khai thực hiện nghị quyết 98.
Ông Nên đề nghị các đại biểu đánh giá từng nhóm việc đã làm được đến đâu, không nói dài dòng, đi sâu vào tìm phương hướng để thực hiện.
Nêu ý kiến tại cuộc họp, ông Phan Văn Mãi - chủ tịch UBND TP.HCM - cho hay đến nay việc ban hành các văn bản để cụ thể hóa thực hiện đã cơ bản hoàn thiện. Tuy nhiên việc triển khai thực hiện ở một số lĩnh vực vẫn còn chậm. Một trong những nguyên nhân là không đồng bộ với các văn bản hướng dẫn của Trung ương.
"Khi xây dựng văn bản thuộc thẩm quyền của TP có một số nội dung phải tham khảo ý kiến của bộ ngành, nhưng nhiều bộ ngành cũng quay trở về quy định hiện hành nên việc hướng dẫn mất thời gian", ông Mãi nói.
Cũng theo ông Mãi, nghị quyết 98 được kỳ vọng mở ra cơ chế để TP.HCM huy động được nguồn lực và tăng cường phân cấp phân quyền, tăng tính chủ động cho TP.HCM.
Tuy vậy cả hai việc này đều chưa đạt được kết quả như mong muốn.
TP.HCM cũng đang tập trung xin cơ chế làm các dự án BT, BOT, PPP.
Thời gian qua dự án PPP trong lĩnh vực y tế, giáo dục, văn hóa, thể thao đã thông qua các tiêu chí, danh mục đầu tư. Tổng vốn kêu gọi các dự án này khoảng 1 tỉ USD, nhưng đến giờ gần như chưa triển khai được dự án nào hoàn thiện.
Nguyên nhân là do các sở chuyên ngành và các địa phương còn chậm.
Với các dự án BT và BOT, TP đã có danh mục, cơ bản hoàn thiện nghiên cứu tiền khả thi. Trong tháng 9 TP sẽ mở hội nghị tiếp xúc nhà đầu tư và chuẩn bị các bước đầu tư sau đó, tuy nhiên nhiều nhóm công việc cũng đang quá tải.
Tháo gỡ nhanh cơ chế thu hút nhà đầu tư chiến lược
Một vướng mắc nữa được chủ tịch UBND TP.HCM nêu ra là xác định danh mục, lĩnh vực ưu đãi cho nhà đầu tư chiến lược.
Trước khi TP.HCM trình HĐND TP thông qua danh mục phải tham khảo và thông qua sự đồng thuận của Bộ Kế hoạch và Đầu tư. TP.HCM vẫn bị ràng buộc, vẫn phải có thống nhất với các bộ nên chậm.
Trong quý 3-2024, chủ tịch UBND TP.HCM hy vọng sẽ gỡ được vướng mắc này, có như thế mới có thể thu hút nhà đầu tư cho Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ, Khu công nghệ cao...
Về lĩnh vực khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, TP dự kiến sẽ trình HĐND miễn thuế thu nhập doanh nghiệp và thuế thu nhập cá nhân cho các trường hợp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.
Ngoài ra việc thực hiện tín chỉ carbon cũng đang vướng quy định liên quan các cơ chế để chuyển đổi xanh, xử lý nhà máy rác, các phương tiện giao thông xanh... Các hội thảo gần đây đặt vấn đề nếu TP.HCM chuyển đổi sang giao thông xanh thì mỗi năm TP.HCM cần 10.000-12.000 tỉ đồng, đây là số tiền lớn.
TP.HCM đã làm được gì sau 1 năm thực hiện nghị quyết 98?
Nghị quyết 98 quy định 44 cơ chế, chính sách đặc thù cho TP.HCM.
Trong đó nhóm lĩnh vực quản lý đầu tư có 4 cơ chế. Hiện TP đã bố trí vốn đầu tư công 3.794 tỉ đồng hỗ trợ giảm nghèo và giải quyết việc làm.
Thông qua danh mục 7 vị trí phát triển TOD dọc các tuyến metro và ban hành danh mục 41 dự án đầu tư trong lĩnh vực y tế, giáo dục, văn hóa theo phương thức đối tác công tư. TP cũng thông qua 5 dự án BOT nâng cấp, mở rộng, hiện đại hóa đường bộ hiện hữu.
Nhóm cơ chế tài chính, ngân sách nhà nước có 12 cơ chế. Hiện TP đã và đang triển khai 5 cơ chế. Trong đó TP đã bố trí vốn đầu tư công 1.500 tỉ đồng hỗ trợ lãi suất đối với các dự án đầu tư được HFIC cho vay thuộc lĩnh vực ưu tiên phát triển kinh tế - xã hội. Chi thu nhập tăng thêm 11.287 tỉ đồng. Hỗ trợ tỉnh Điện Biên 75 tỉ đồng để thực hiện một số công trình, hỗ trợ Cuba 10 bộ máy vi tính, 500 xe đạp và 500 tấn gạo.
Nhóm cơ chế về quản lý đô thị, tài nguyên, môi trường có 13 cơ chế. Hiện TP đã và đang triển khai 7/13 cơ chế. Trong đó đã chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa cho một dự án với diện tích là 0,04ha. Đã chấp thuận chủ trương đầu tư cho một dự án cung cấp cho thị trường khoảng 2.000 căn hộ nhà ở xã hội.
Có 5 đơn vị đăng ký thực hiện chuyển đổi công nghệ đốt rác phát điện cho 5 nhà máy, 2 dự án được bổ sung mục tiêu đốt rác phát điện.
Về ngành, nghề ưu tiên thu hút nhà đầu tư chiến lược vào TP.HCM có 1 cơ chế. TP đã xây dựng mẫu công bố thông tin dự án thu hút nhà đầu tư chiến lược và đang lấy ý kiến các bộ và cơ quan có liên quan và cập nhật lại biểu mẫu theo các quy định mới của Luật Đấu thầu năm 2023.
Nhóm cơ chế về quản lý khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo có 2 cơ chế. TP.HCM đang triển khai cả 2 cơ chế.
Đối với hỗ trợ hoạt động đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp trong các lĩnh vực ưu tiên đã nhận được 48 hồ sơ đăng ký hợp lệ. Hội đồng tư vấn đã tuyển chọn được 21/48 hồ sơ và bước đầu hỗ trợ 15/21 hồ sơ.
Nhóm cơ chế về tổ chức bộ máy chính quyền của TP có 10 cơ chế. Hiện đang triển khai 9/10 cơ chế. TP.HCM đã thành lập Sở An toàn thực phẩm và Trung tâm Chuyển đổi số.
Bổ sung 1 phó chủ tịch HĐND, 1 phó chủ tịch UBND cho TP Thủ Đức, 1 phó chủ tịch UBND cho huyện Cần Giờ và Hóc Môn, 51/52 phó chủ tịch UBND phường, xã, thị trấn có quy mô dân số từ 50.000 trở lên.
Nhóm cơ chế về tổ chức bộ máy chính quyền TP Thủ Đức có 2 nhóm cơ chế gồm nhóm cơ chế về phân cấp, ủy quyền và nhóm cơ chế về tổ chức bộ máy. Thủ Đức đã cơ bản hoàn thành các nhóm cơ chế này.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận