29/10/2019 12:48 GMT+7

Ông Phạm Minh Chính: 'Mạnh dạn thí điểm trong công tác cán bộ'

N.AN
N.AN

TTO - Việc mạnh dạn thí điểm trong công tác cán bộ được trưởng Ban Tổ chức trung ương Phạm Minh Chính (đại biểu tỉnh Quảng Ninh) đưa ra tại buổi thảo luận tổ về Luật tổ chức Quốc hội và đề án thí điểm chính quyền đô thị tại Hà Nội.

Ông Phạm Minh Chính: Mạnh dạn thí điểm trong công tác cán bộ - Ảnh 1.

Trưởng Ban Tổ chức trung ương cho rằng cần khuyến khích thí điểm để tăng tính sáng tạo trong công tác cán bộ - Ảnh: TTO

Theo ông, việc sắp xếp đội ngũ cán bộ được thực hiện trên cơ sở yêu cầu thay đổi của tình hình thực tiễn, đặt ra nhiệm vụ mới nên bộ máy tổ chức cũng phải thay đổi theo.

"Không nên sốt ruột vì sự thay đổi này. Ta vừa làm vừa rút kinh nghiệm, từng bước mở rộng dần" - ông Chính nêu.

Do đó, theo tinh thần chung của Nghị quyết trung ương về đổi mới, sắp xếp bộ máy của hệ thống nêu rõ quan điểm là xây dựng bộ máy tinh gọn nhưng phải hoạt động hiệu quả, tránh "bộ máy cồng kềnh như hiện nay".

Theo trưởng Ban Tổ chức trung ương, hiện nay chi tiêu thường xuyên 2017 chiếm tới 64%. Mặc dù giai đoạn 2018-2019 đã giảm hơn song vẫn trên 60%. Trong khi chỉ cần giảm 1% chi thường xuyên, ngân sách có hàng nghìn tỉ, sẽ là nguồn lực lớn cho đầu tư phát triển.

Nghị quyết 39/TW về tinh giản biên chế, sắp xếp lại bộ máy tổ chức nêu rõ, giảm biên chế phải gắn với cơ cấu, sắp xếp đội ngũ cán bộ công chức viên chức cho phù hợp.

Do đó, ông Chính cho biết chủ trương của Đảng là khẩn trương hoàn thiện xây dựng vị trí việc làm, miêu tả khung năng lực, trên cơ sở đồng bộ giữa tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế với xây dựng vị trí việc làm.

"Cái gì đã chín, đã rõ, được thực tiễn kiểm nghiệm là đúng thì cương quyết phải làm. Còn những gì chưa có quy định, vượt quá thực tiễn thì mạnh dạn làm thí điểm, vừa làm vừa hoàn thiện, từng bước mở rộng dần, không cầu toàn, không nóng vội" - ông Chính nêu.

Đi vào vấn đề cụ thể trong triển khai thực hiện, trưởng Ban Tổ chức trung ương nêu các giải pháp, trước hết là phải rà soát chức năng, nhiệm vụ quyền hạn, mối quan hệ công tác, thẩm quyền của mỗi cơ quan, địa phương.

Hoặc đối với các lĩnh vực quản lý, lĩnh vực nào xã hội doanh nghiệp làm tốt hơn thì nên giao; còn lĩnh vực nào Nhà nước cần nắm quyền quản lý, chi phối để đảm bảo yêu cầu chung thì vẫn cần nắm giữ.

Trên tinh thần như vậy, theo ông, cần tăng cường phân cấp phân quyền, ủy quyền, đi đôi với tăng cường giám sát kiểm tra và kiểm soát quyền lực.

Đồng thời, cần cơ cấu lại đội ngũ cán bộ phục vụ cho phù hợp, rà soát cơ cấu lại, giữ tỉ lệ phù hợp.

Đơn cử như với Luật tổ chức Quốc hội, theo ông, nên rà soát chức năng nhiệm vụ của Văn phòng Quốc hội, xây dựng vị trí việc làm, xác định vị trí biên chế…

Ông Chính cũng nhấn mạnh đến việc tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý. Mục tiêu để làm giảm các thủ tục hành chính, giảm số lượng cán bộ phục vụ.

Gắn với đó là cải cách thủ tục hành chính nhiều hơn. Việc cải cách phải dựa trên thực tiễn, vừa làm vừa sửa, nâng cao trình độ năng lực, phẩm chất uy tín cán bộ công chức để đảm nhận chức vụ thanh thoát và hiệu quả hơn.

Theo ông Chính, khi làm cần phải bàn tổng thể, nếu cái gì thực tiễn rõ rồi thì làm, còn chưa có thực tiễn thì triển khai thí điểm. Ông khuyến khích thực hiện và nhân rộng mô hình thí điểm để tăng tính sáng tạo các cấp, các ngành.

Ngăn chạy chức, chạy quyền: Thách thức với công tác cán bộ Ngăn chạy chức, chạy quyền: Thách thức với công tác cán bộ

TTO - Chạy chức, chạy quyền: ai chạy, chạy ai, hạn chế bằng cách nào? Kiểm soát quyền lực như thế nào trước những viên đạn bọc đường nhiều kiểu khác nhau?

N.AN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên