27/05/2018 15:57 GMT+7

Ông Ngà 'tàu ngầm' tiếp tục hết lòng với robot Cố Đô

NHẬT LINH
NHẬT LINH

TTO - Chỉ có trong tay tấm bằng tốt nghiệp THPT và lòng đam mê vô bờ với nghiên cứu khoa học kỹ thuật, ông Lê Ngà (53 tuổi) đang dần hoàn thiện con robot thám hiểm đáy sông mà ông chế tạo.

Ông Ngà tàu ngầm tiếp tục hết lòng với robot Cố Đô - Ảnh 1.

Ông Lê Ngà chạy thử nghiệm robot Cố Đô trên sông Hương...

Ông Ngà cũng là người được giới yêu khoa học - kỹ thuật ở Huế kính phục bởi chính ông từng chế tạo chiếc tàu ngầm mini mang tên Hoàng Sa có thể lặn sâu hơn 10m nước.

Chế tạo "robot Cố Đô"

"Tìm xưởng chế tạo của ông Ngà 'tàu ngầm' à? Chính là cái quán tạp hóa nhỏ đầu kia kìa" - một người dân ở đường Thánh Gióng (TP Huế) tận tình chỉ đường cho chúng tôi. Biệt danh Ngà "tàu ngầm" cũng được người dân ở đây đặt cho ông Lê Ngà bởi trước đó ông là tác giả của chiếc tàu ngầm mini mang tên Hoàng Sa.

Trong căn nhà của mình, ông Ngà tận dụng một góc nhỏ khoảng chừng 15m2 để đặt dụng cụ, máy móc làm nơi chế tạo các phát minh của ông.

"Sáng chế mới nhất của tui là con robot lặn thám hiểm đáy sông. Lát nữa sẽ đưa ra sông Hương để lặn thử đây" - vừa nói ông Ngà vừa chỉ tay về cỗ máy được đặt giữa phòng.

Cỗ máy mà ông Ngà nói có hình dạng như một máy phát điện mini, dài 40cm, cao 25cm, nặng 20kg và hoạt động bằng nguồn điện 12V. Bên trong con robot có hệ thống động cơ gồm 3 cánh quạt, 4 đèn pha, camera truyền hình ảnh và các bình khí được làm từ bình gas mini. Ông Ngà nói rằng con robot này có tên là robot Cố Đô.

Giải thích về nguyên lý hoạt động của robot, ông Ngà cho biết 2 cánh quạt được lắp ở đuôi sẽ giúp robot di chuyển tiến lùi, rẽ trái, rẽ phải. Cánh quạt còn lại được lắp ở phần lưng sẽ giúp robot lặn xuống hoặc nổi lên.

"Các bình gas mini chứa khí sẽ giúp robot nổi lên mặt nước dễ dàng hơn. Còn camera và đèn pha giúp truyền hình ảnh vô tuyến ở dưới đáy sông lên một màn hình đặt trên bờ" - ông Ngà nói.

Một đường dây điện dài được nối từ cỗ máy với bảng điều khiển là "xương sống" của con robot này. Người ngồi trên bờ thao tác các nút bấm trên bảng điều khiển để "ra lệnh" cho robot lặn dưới đáy sông.

Không chỉ vậy, ông Ngà còn thiết kế một cánh tay đặt ngay phía trước mặt robot có thể mở ra, nắm lại. 

"Cánh tay này dùng để gắp các đồ vật dưới đáy sông rồi đưa lên bờ. Nó còn có thể tháo ra lắp vào các dụng cụ khác như khoan, cắt, kềm... tùy thuộc vào nhiệm vụ mà robot thực hiện như cắt dây cáp, khoan thân tàu thủy..." - ông Ngà nói.

Ông Ngà tàu ngầm tiếp tục hết lòng với robot Cố Đô - Ảnh 2.

... và tiếp tục hoàn thiện robot Cố Đô - Ảnh: N.LINH

Tận dụng các thiết bị ve chai

Điểm đặc biệt ở robot Cố Đô, theo ông Ngà, đó là các thiết bị trên robot chủ yếu được ông lấy từ các bãi ve chai. Ví dụ như tấm kính chắn nước đặt ở camera được ông chế lại từ kính của đồng hồ đo số điện, hệ thống khí nổi được chế từ vỏ bình gas mini, thân robot được chế từ khung máy phát điện mini cũ...

"Nguồn điện, camera hay hệ thống truyền hình ảnh vô tuyến cũng được tôi tận dụng từ các mô hình máy bay điều khiển từ xa. Một số ít các thiết bị không tận dụng được thì tôi tìm cách chế lại hoặc mua với giá khá rẻ ở thị trường trong nước" - ông Ngà nói.

Để minh chứng độ tin cậy từ các thiết bị được tận dụng, ông Ngà dẫn chúng tôi ra sông Hương để cùng thử robot. Sau khi được thả xuống sông, con robot bắt đầu di chuyển linh hoạt rồi từ từ lặn xuống mặt nước trước sự trầm trồ của mọi người có mặt trên bờ.

Hình ảnh dưới mặt nước được truyền vô tuyến lên màn hình nhỏ đặt trên bờ ngay sau đó.

"Đây mới chỉ là thử nghiệm nên hình ảnh chưa được rõ nét lắm. Tôi đang tìm cách cải thiện chất lượng tín hiệu cũng như hình ảnh trước khi đem robot tham gia dự thi một cuộc thi sáng tạo kỹ thuật ở Hà Nội vào tháng 8 tới" - ông Ngà chia sẻ.

Nhà sáng chế chỉ có bằng trung học

Chia sẻ về việc chế tạo ra robot Cố Đô, ông Ngà nói rằng ở sông Hương xứ Huế mỗi năm thường ghi nhận rất nhiều vụ tai nạn do đuối nước. Mỗi lần như vậy, lực lượng cứu hộ, thợ lặn làm việc rất vất vả, đặc biệt là vào mùa lũ dâng cao. 

"Chính vì thế tôi muốn chế tạo một cỗ máy có thể thay sức người thực hiện các hoạt động cứu hộ, cứu nạn, thăm dò đáy sông" - ông Ngà nói.

Ngoài ra, ông Ngà còn tham vọng con robot của mình sẽ giúp các nhà khảo cổ học tìm ra nhiều cổ vật đang nằm ẩn dưới đáy sông Hương.

Chi phí chế tạo robot tự ông Ngà bỏ tiền túi ra. "Có lần đưa robot đi lặn bị trục trặc nên chìm xuống sông. Tôi phải thuê người lặn xuống để kéo robot lên, dù tốn tiền lắm nhưng vẫn quyết tâm làm" - ông Ngà nói.

Ông Trần Minh Phong, chủ nhiệm CLB Sáng tạo trẻ Thừa Thiên - Huế (thuộc Liên hiệp Hội khoa học và kỹ thuật tỉnh Thừa Thiên - Huế), đánh giá con robot Cố Đô hoàn toàn có thể ứng dụng vào thực tế trên địa bàn tỉnh.

"Anh Ngà dù chỉ tốt nghiệp THPT nhưng có rất nhiều sáng chế hay. Không chỉ vậy anh Ngà còn rất hay giúp đỡ, hỗ trợ rất nhiều bạn trẻ có chung đam mê sáng tạo để họ hoàn thành sản phẩm của mình" - ông Phong nói.

robot-lan-song-huong-4

Ông Ngà ghi lại tín hiệu vô tuyến của robot Cố Đô - Ảnh: N.L.

Chế tạo tàu ngầm

Năm 2015, ông Ngà cũng đã chế tạo ra chiếc tàu ngầm mini mang tên Hoàng Sa có thể lặn sâu hơn 10m nước. Chiếc tàu ngầm này đã đoạt giải khuyến khích hội thi Sáng tạo kỹ thuật năm 2015 do Liên hiệp Hội khoa học và kỹ thuật tỉnh Thừa Thiên - Huế tổ chức.

NHẬT LINH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên