12/02/2012 08:30 GMT+7

Nhà sáng chế tay ngang

Đ.CƯỜNG - Đ.NAM
Đ.CƯỜNG - Đ.NAM

TT - Tự nhận mình không phải nhà khoa học, cũng chưa là kỹ sư nhưng ông đã nghĩ và sáng chế thiết bị đẩy nước chữa cháy tự vận hành bằng khí nén rất độc đáo. Ông là Phan Đình Phương (hội viên Hiệp hội Phòng cháy chữa cháy Hoa Kỳ - NFPA, giám đốc Công ty An Sinh Xanh - Đà Nẵng).

dD5FjFns.jpgPhóng to
Ông Phương trình diễn chữa cháy bằng xe chữa cháy đa năng đẩy tay - Ảnh: Đăng Nam

Sau gần 14 năm thai nghén, máy chữa cháy đa năng của ông Phan Đình Phương ra đời đã trở thành một hiện tượng lạ khiến giới khoa học trong nước quan tâm. Ngay khi biết về chiếc máy này, một đoàn cán bộ ở Bộ Công an đã khăn gói vào Đà Nẵng để tận mắt xem, kiểm tra với một quy trình nghiêm ngặt. Sau ba ngày quan sát, Cục Cảnh sát phòng cháy chữa cháy (Bộ Công an) đánh giá: “Có thể áp dụng cho các cơ sở chữa cháy không có điện hoặc nguồn điện không ổn định. Thời gian chữa cháy nhanh, có thể áp dụng cho nhiều đối tượng, tiết kiệm...”. Chính sáng kiến này mà ông Phương được Việt Nam và Hoa Kỳ cấp bằng sáng chế độc quyền.

Thậm chí các chuyên gia cao cấp về an toàn điện hạt nhân của Pháp đã đến Đà Nẵng tìm hiểu thiết bị này và đánh giá: “Đây là thiết bị hữu dụng, đặc biệt trong trường hợp ứng phó điện hạt nhân như ở Fukushima (Nhật Bản)”. Tiếp đó, Cục An toàn bức xạ và hạt nhân (Bộ Khoa học - công nghệ) đã gửi báo cáo đến Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) để bảo chứng thiết bị chữa cháy này. Đồng thời, công trình này đã được Bộ Khoa học - công nghệ phê duyệt đưa vào nhiệm vụ khoa học công nghệ cấp nhà nước năm 2012 nhằm nghiên cứu để triển khai áp dụng tại nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận.

14 năm nghiền ngẫm

"Tôi thành công chủ yếu dựa vào sự tưởng tượng từ những giấc mơ của mình. Toàn bộ những công trình tôi đã làm đều thành công và được áp dụng vào cuộc sống chứ không cất vào ngăn kéo"

Ông PHAN ĐÌNH PHƯƠNG

Lúc còn là nhân viên ở Tổng kho xăng dầu Mỹ Khê (Đà Nẵng), mỗi lần thấy tàu chở 25.000 tấn xăng bơm về kho, lượng hơi xăng bốc hơi dễ gây hỏa hoạn và thất thoát (cứ 100 tấn xăng khi bơm sang chiết sẽ bốc hơi bay mất 1,5 tấn, tương đương 1,5%) là quá lớn. Vậy là ông Phương nghĩ rồi tự sáng chế máy thu gom hơi xăng để cho ra sản phẩm giống như gas.

Nhưng lúc ấy lại nảy sinh vấn đề “nếu có hỏa hoạn thì những bình thu hơi xăng ấy sẽ là quả bom khổng lồ”. Con trai ông là Phan Trọng Nghĩa cũng lo lắng, nhưng ông trấn an: “Có máy chữa cháy mà lo gì con”. “Nhưng nếu sự cố cháy xảy ra khi mọi người đã rời công sở thì sao?”. Từ sự gợi mở của con trai, ông Phương đã bắt tay vào nghiên cứu thiết bị chữa cháy đa năng.

Với tính cách tỉ mẩn của một nhà nghiên cứu thực thụ, ông Phương mở máy tính xách tay của mình ra và giới thiệu một cách mạch lạc về máy chữa cháy đa năng - “đứa con” mà ông lao tâm khổ tứ sau nhiều đêm thức trắng: cần một bể chứa nước, các bình khí CO2 được nén và kết nối qua hệ thống đường ống, chất tạo bọt, điểm cuối là “mắt” báo cháy đặt trong van. Khi có cháy, nhiệt độ tăng lên thì “mắt” báo cháy sẽ tự động mở van cứu hỏa, áp suất từ các bình khí sẽ tự động đẩy nước đi. Giống động cơ hai píttông. Khi xảy ra sự cố có thể phun nước hoặc bọt CO2 để chữa. “Nếu xảy ra cháy ở phòng có máy móc, giấy tờ thì dùng bọt CO2, còn không thì dùng nước” - ông Phương chia sẻ. Máy chữa cháy đa năng này hoạt động hoàn toàn không cần dùng đến nhiên liệu xăng, dầu... mà bằng cơ chế tự vận hành.

Nói đơn giản là vậy nhưng để cho ra mắt thiết bị này, ông Phương đã phải mất 14 năm trời tính toán, nghiền ngẫm. Từ những cuốn sách hóa học dày hàng mấy trăm trang ông đọc nhàu nát, đánh dấu chi tiết. Thậm chí ông còn “mò” vào kho tư liệu trên Internet tham khảo mô hình đám cháy của giới khoa học Mỹ để đưa ra nhận định “một đám cháy xảy ra ở một căn hộ mất 5 giây đã không thể cứu chữa, 45 giây là không còn gì để nói nữa”.

Vậy nhưng bất cập ở chỗ để vận hành hệ thống chữa cháy phải mất rất nhiều phút. Ngay như việc vận hành hệ thống cứu hỏa ở một trạm biến áp tại Đà Nẵng nhanh nhất cũng mất đến 49 phút. Nhưng với máy chữa cháy đa năng của ông Phương thì chỉ cần 3 giây sau khi “mắt” phát hiện có đám cháy ở nhiệt độ 57OC, lập tức thiết bị sẽ tự vận hành phun bọt dập đám cháy mà không cần người điều khiển...

“Thiết bị này có thể chữa cháy ở các nhà cao tầng, thậm chí nếu được các bộ, ngành trung ương cho phép, tôi sẽ đưa công nghệ chữa cháy của mình vào ứng dụng tại Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận trong tương lai” - ông khẳng định chắc nịch. Bởi theo cách phân tích của ông Phương: khi nhà máy điện hạt nhân hay một thiết bị gì xảy ra sự cố hỏa hoạn, nhiệt độ ở khu vực đó tăng lên lập tức “mắt” báo cháy của máy chữa cháy đa năng sẽ tự động kích hoạt. Khi ấy nước sẽ phun ra để làm lạnh hệ thống nhà máy mà không cần một sự tác động của con người, không cần phải sử dụng đến điện... Cứ một lít CO2 sẽ đẩy được 100 lít nước đã chuyển hóa thành hơi và bọt lên tòa nhà cao. Không chỉ chữa cháy bằng nước hoặc bọt mà máy còn lập tức xử lý thành hơi nước để chữa cháy. “Hơi nước là biện pháp chữa cháy lý tưởng của thế kỷ 21” - ông Phương cho hay.

YvGEimjW.jpgPhóng to
Ông Phương bên xe chữa cháy đa năng đẩy tay - Ảnh: Đăng Nam

Tôi chỉ “gần” là kỹ sư

Có trong tay gần chục công trình nghiên cứu đã được áp dụng vào thực tế cho hiệu quả cao, vậy nhưng ông Phương không nhận là “nhà khoa học” vì nghe to tát, ghê gớm quá mà chỉ nhận mình “gần” là kỹ sư. Sự nghiệp “khoa học” của ông cũng có nhiều thăng trầm. Ngày ông đăng ký thi đại học cũng khiến nhiều người ngạc nhiên khi đăng ký cả ba nguyện vọng là hóa thực phẩm. Nhưng không có ngành này, thấy có ngành hóa hữu cơ cũng tựa như nhau vậy là ông đăng ký. Khi đang làm luận văn tốt nghiệp khóa học thì ông cùng các sinh viên trong trường nhận lệnh “hành quân vào chiến trường miền Nam”. Vì thế mà đến giờ ông vẫn chưa có bằng đại học nên chưa thể là kỹ sư...

Chiến tranh kết thúc, ông chuyển về Bộ tư lệnh không quân và phụ trách mảng xăng dầu. Lúc đó, ông đã làm được một việc mà đến giờ nhắc lại vẫn ánh lên niềm tự hào. Máy bay tiếp nhận của chính quyền Sài Gòn và máy bay của ta phải dùng hai loại xăng khác nhau. Vì vậy, khi chuyên cơ từ Hà Nội bay vào Sài Gòn phải có ôtô chở xăng từ Bắc vào mới bay ra được. Ông đã nghiên cứu ra loại nhiên liệu phù hợp cho cả hai máy bay và được đưa vào sử dụng. “Trước thực tế có vấn đề thì mình làm thôi chứ không phải khoa học gì cả” - ông tâm sự. “Hết việc”, ông về Nhà máy khí đốt Đà Nẵng. Lúc này tại đây có sản xuất O2 từ công nghệ của Mỹ. Ông Phương bắt tay vào nghiên cứu và sản xuất được sản phẩm nitơ, đất đèn...

Ở tuổi 62 nhưng cường độ làm việc của ông vẫn khiến nhiều người phải nể phục. Mỗi ngày ông làm việc không dưới 15 giờ. Điểm khác thường của ông là dù làm nghiên cứu khoa học, kỹ thuật nhưng ông chẳng có phòng thí nghiệm gì. “Tôi nghiên cứu chủ yếu qua tưởng tượng, thậm chí là ngủ mơ thấy”. Để dẫn chứng, ông lấy điện thoại của mình ra. “Buổi tối đi ngủ tôi luôn mang theo điện thoại, mơ thấy cái gì thì bật dậy lưu vào điện thoại chứ lỡ quên. Có hôm thì găm cây bút sẵn ở đầu giường, khi cần viết vào tay rồi sáng mai mới gõ vào máy tính”.

Căn phòng làm việc của ông cũng quá khiêm tốn so với những công trình mà ông đã cho ra đời. Khoảng hơn 10m2 vừa là nơi làm việc, vừa là phòng ngủ, kiêm nhà bếp... Ông xuề xòa nói: “Đến cơ quan để làm việc chứ để ngủ thì đến làm chi. Thế nên tôi mua cái chiếu để đó, đêm làm mệt thì chợp mắt tí”. Ông mở hộc tủ ra và “quảng cáo” bếp ăn là thế này: mì gói.

Cũng như cha mình, Phan Trọng Nghĩa hưởng cái gen máu mê khoa học của cha, vậy là hai cha con thành lập Công ty An Sinh Xanh chuyên về sáng chế công nghệ. Dấn thân vào khoa học đã khiến hai cha con ông phải trả giá đắt. Ông phải bán cả tài sản để lấy tiền làm nghiên cứu. Có lúc hai cha con phải mang chiếc xe máy đi “cắm” được 4 triệu đồng để trả lương cho nhân viên.

Hàng chục sáng chế như máy chữa cháy đa năng, máy quét rác khí động học, máy thu hơi xăng, máy hóa hơi gas hoàn toàn không dùng điện, máy rửa bình gas (đã xuất đi Ấn Độ, Malaysia)... “Người ta làm vài công trình đã thành tỉ phú. Thật ra việc làm kinh tế thì cũng làm được, nhưng tôi không thích. Tôi làm hàng chục công trình nhưng vẫn phải chật vật nuôi nhân viên. Được đồng nào đổ hết vào nghiên cứu rồi” - ông tâm sự.

Nhiều nơi sử dụng

Thiết bị chữa cháy đa năng đã được lắp đặt tại các trạm biến áp của EVN, Tập đoàn dầu khí Thành Tài và hiện đang được lắp đặt tại tám nhà máy của Tập đoàn công nghiệp Morito (Nhật Bản) ở KCN Hòa Khánh (Đà Nẵng). Những ngày qua có hàng chục đơn vị từ TP.HCM, Huế, Đà Nẵng... đến hợp đồng lắp đặt thiết bị này. Chi phí để làm ra thiết bị chữa cháy đa năng khoảng 1 tỉ đồng. Riêng với xe chữa cháy đẩy tay AS1500 giá thành chỉ khoảng 10 triệu đồng/máy

Đ.CƯỜNG - Đ.NAM
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên