03/05/2015 09:27 GMT+7

​Ông “liệt sĩ” làm việc thiện

ĐOÀN CƯỜNG
ĐOÀN CƯỜNG

TT - Ông Nguyễn Văn Khương ở xóm Bùng (xã Điện Hòa, thị xã Điện Bàn, Quảng Nam) dành số tiền lương thương binh của mình suốt 15 năm như một quỹ từ thiện để giúp đỡ mọi người.

Ông Khương luôn dặn lòng mình: ăn chưa ngon, ngủ chưa yên khi hài cốt của đồng đội vẫn còn rải rác dưới lòng đất mẹ - Ảnh: Đoàn Cường

15 năm trước, ông rời binh nghiệp và chuyển nhà từ Đà Nẵng về vùng quê xứ Quảng. Về quê được vài ngày, việc đầu tiên ông Khương làm là đi “trinh sát” khắp các thôn xóm để xem cuộc sống người dân nơi đây.

Tấm lòng bác Khương

“Liệt sĩ” cứu mẹ

Ngôi nhà cấp 4 của ông Khương cũng bình dị như nhiều ngôi nhà ở vùng quê Điện Hòa, khác chăng là có phòng truyền thống trang trọng ngay giữa nhà. Đó là nơi ông lưu giữ bằng khen của Nhà nước về những chiến công của mình trong thời chiến.

Đặc biệt là trong phòng có một tấm bằng truy tặng Huân chương Chiến công giải phóng hạng nhì mang tên liệt sĩ Nguyễn Văn Khương. “Cấp trên phải làm giả giấy báo tử để địch khỏi nghi ngờ mà thả mẹ tôi” - ông Khương cho biết.

Vào một buổi sáng, ông đến Trường mầm non thôn Bích Bắc và Trường mầm non Điện Hòa đúng lúc các cô giáo phải đi xách từng xô nước về để 70 học sinh sử dụng vì trường không có giếng. “Xót xa quá” - ông Khương thốt lên khi nhìn cảnh đó.

Đêm về, hình ảnh những đứa trẻ thiếu nước sinh hoạt, những cô giáo chai sạn bàn tay vì xô nước nặng trịch khiến người lính già không thể chợp mắt.

Ông bàn với bà Lệ (vợ ông) một kế hoạch mà như ông nói là “động trời” vào thời điểm đó. “Nhìn mấy đứa nhỏ ở trường mẫu giáo cực quá, đến nước cũng không có mà dùng, tui định bán 2 chỉ vàng phòng thân những lúc đau ốm để đóng hai giếng nước”.

Mới nghe chồng nói vậy, bà Lệ có vẻ không xuôi nhưng bà cũng là giáo viên mầm non ở xã Điện Thắng, cũng chứng kiến những cảnh đáng thương của đám trẻ vùng quê nên cuối cùng gật đầu.

Sáng hôm sau, ông Khương đạp xe ra thị trấn bán 2 chỉ vàng được 700.000 đồng. Rồi ông tức tốc đi thuê người đóng hai giếng nước cho hai trường mẫu giáo. Đó là lần đầu tiên những cháu bé ở vùng Điện Hòa có nước sạch ngay tại trường để dùng. Cô Phạm Thị Quyên - hiệu trưởng Trường mầm non Điện Hòa - tâm sự: “Tấm lòng của bác Khương vẫn luôn luôn ở bên chúng tôi”.

Có giếng nước, nhưng nhìn cảnh hoang vắng của trường lớp ông Khương lại đau đáu. Giờ ra chơi, trường không có cây xanh, lũ trẻ cứ dang nắng, tóc cháy khét lẹt. Ông Khương đạp xe hơn 20km ra tận Đà Nẵng mua tám cây bàng. Ông thuê xe ôm chở về trước, còn ông đạp xe theo sau. 

Lính từ dân mà ra

Cái xóm Bùng yên ả của ông Khương vẫn còn râm ran chuyện ông “phỉnh vợ” để lấy tiền đi giúp người. Hôm đó, ông đi cùng ban bảo vệ và chăm sóc trẻ em của xã Điện Hòa xuống thôn Hà Tây 1. Bước vào ngôi nhà tồi tàn của cháu Ngô Thị Thu Thủy, ông thấy một cô bé bị chất độc da cam với chiều dài cơ thể chỉ hơn 30cm đang nằm thoi thóp.

Ông Khương bật khóc và sờ tay vào túi quần nhưng chỉ còn ít chục ngàn tiền lẻ. Ông quay xe về nhà tìm vợ, nói: “Tui mắc nợ người ta 600.000 đồng, chừ họ qua hỏi. Bà lấy tiền ăn cho tui mượn đỡ”. Bà Lệ chẳng mảy may suy nghĩ đưa tiền cho ông. Ông Khương cầm số tiền đến trao tận tay cho gia đình Thủy. Về nhà ông mới nói thật sự tình với vợ. 

Thầy Đỗ Văn Mẫn dẫn chúng tôi đến gặp em Từ Long Nguyên (học sinh Trường THCS Trần Phú). Nhìn thấy ông Khương, Nguyên liền khoanh tay chào rồi ngồi xuống bên cạnh ông. Cách nay không lâu, Nguyên mặc bộ quần áo học trò đã nhàu nhĩ, sờn rách đến gặp giáo viên xin nghỉ học vì không có đồ mặc đến trường.

Ông Khương biết tin liền đạp xe đến trường rồi chở Nguyên ra xã Điện Thắng may cho em một bộ đồ mới giá 135.000 đồng. Ông về nhà Nguyên mới biết hoàn cảnh em quá éo le. Ba mất sớm, mẹ thì mù, nhà chẳng có gì đáng giá. Vậy nhưng ba anh em Nguyên rất chăm học.

Thấy vậy, ông tình nguyện trích lương hưu mỗi tháng 100.000 đồng để giúp các cháu có thêm cuốn sách, cuốn vở, cây viết...đến trường.

Gần 15 năm ông Khương dùng số tiền lương thương binh của mình để giúp đỡ người hoạn nạn. Những năm trước, lương của ông được 700.000 đồng/tháng ông cũng trích 50% để giúp người. Giờ lương được hơn 2 triệu đồng ông cũng dành để làm việc thiện. Số điện thoại nhà ông Khương giờ còn được các trường học lưu lại để khi cần giúp đỡ sẽ kêu đến ông.

Hiện mỗi tháng ông Khương hỗ trợ tiền cho bốn trường hợp nghèo khó trong xã. Ngoài ra, ông còn trợ giúp 38 học sinh nghèo khác. Ông Khương tâm niệm: “Thời chiến, dân bao bọc, lấy thân mình che giấu bộ đội. Giờ mình có chịu khó chịu khổ, thậm chí là nhịn ăn nhịn mặc giúp dân cũng có đáng kể chi. Lính cũng từ dân mà ra”.

 

ĐOÀN CƯỜNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên