07/07/2014 07:30 GMT+7

Ông "hai lúa" đi họp HĐND tỉnh

ĐỨC TUYÊN - THANH TÚ
ĐỨC TUYÊN - THANH TÚ

TT - Lần đầu tiên, trong kỳ họp HĐND tỉnh Đồng Tháp vừa bế mạc ngày 4-7, một cử tri được mời họp và đã có bài phát biểu đóng góp ý kiến trước các đại biểu trong hội trường cũng như thảo luận tổ.

Mời cử tri “phát biểu hay” dự họp HĐND tỉnh

E1cty3HY.jpg
Ông Minh (thứ hai từ trái sang) trao đổi cùng các đại biểu HĐND tỉnh Đồng Tháp trong kỳ họp vừa bế mạc vào ngày 4-7 - Ảnh: Thanh Tú

Và ngay sau bài phát biểu của vị cử tri này, lãnh đạo HĐND tỉnh Đồng Tháp đánh giá: Đây là việc mở rộng tính dân chủ, rất bổ ích và cần thiết. Khi chủ tọa kỳ họp lần thứ 8 của HĐND tỉnh Đồng Tháp khóa VIII xướng danh mời cử tri Đặng Hoàng Minh (TP Cao Lãnh), ông Minh đĩnh đạc bước lên bục và bắt đầu bài phát biểu cũng như nêu những kiến nghị đầy tâm huyết của mình. Mở đầu bài phát biểu, ông Minh cho rằng cử tri tỉnh Đồng Tháp rất quan tâm đến đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh vì nó liên quan đến đời sống của hơn 80% dân số trong tỉnh. Ông Minh nêu rõ hai vấn đề mình quan tâm và có kiến nghị cần xem xét là chủ trương làm lúa vụ ba và việc nuôi tôm thẻ chân trắng tràn lan trong thời gian vừa qua.

Hai vấn đề kiến nghị

"Tháng 3-2014, thấy người dân nuôi tôm thẻ chân trắng, tôi nghe mà giật mình"

Cử tri ĐẶNG HOÀNG MINH

Ông Minh nêu quan điểm: Phát triển nền nông nghiệp bền vững thì kiên quyết không nên phát triển đại trà lúa vụ ba. Thời gian này hãy để cho đất nghỉ, đưa lũ tràn vào để hứng phù sa, diệt trừ sâu bệnh. Tạo cho người nông dân có thêm nguồn lợi tự nhiên thông qua khai thác, đánh bắt, nuôi trồng thủy sản, đa dạng hóa loại hình kinh tế, từ đó tăng thu nhập cho nông dân.

“Việc trồng lúa vụ ba này liệu có đi ngược lại lợi thế mùa nước nổi không vì đây vốn là thế mạnh của tỉnh Đồng Tháp? Đó là chưa kể rủi ro cao như vỡ đê, sâu bệnh phát triển, mất đi sản vật trong mùa nước lũ, mất đi cơ hội làm ăn của nông dân... Do đó trong đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh nêu đến năm 2020-2030 còn 30.000-50.000ha lúa vụ ba thì có nên không?” - ông Minh đặt vấn đề chất vấn.

Còn đối với việc người dân trong tỉnh gần đây thi nhau nuôi tôm thẻ chân trắng, ông Minh cũng nêu trăn trở: “Tháng 3-2014 thấy người dân nuôi, tôi nghe mà giật mình”. Nói rồi, ông Minh phân tích thêm: tôm thẻ chân trắng sống ở vùng nước mặn và lợ nên khi nuôi loại giống này, nông dân phải đào giếng lấy nước mặn để hòa với nước ngọt là một vấn nạn cho môi trường, làm thay đổi hệ sinh thái...

Trả lời những ý kiến này, ông Lê Văn Công, giám đốc Sở NN&PTNT, thừa nhận lúc cao điểm toàn tỉnh có 75ha diện tích nuôi tôm thẻ chân trắng nhưng đến nay chỉ còn 25ha. Khi phát hiện người dân nuôi, Sở NN&PTNT chỉ đạo các cấp khuyến cáo và vận động người dân không được khoan giếng, tiến tới không được nuôi tôm thẻ chân trắng. Hiện 100% giếng khoan là trái phép, các ngành chức năng đã lập biên bản vi phạm và các hộ nuôi cũng cam kết đóng lấp sau vụ “lỡ nuôi”. “Các cơ quan chức năng đang giám sát chặt chẽ và không để tình trạng này tái diễn. Riêng ý kiến đóng góp về lúa vụ ba của cử tri Đặng Hoàng Minh sẽ được ngành nông nghiệp tỉnh tiếp thu và thảo luận sau” - ông Lê Văn Công hứa.

Ngay sau phần phát biểu của ông Minh, ông Lê Thành Công - phó chủ tịch HĐND tỉnh Đồng Tháp - cho biết rất trân trọng ý kiến của cử tri Đặng Hoàng Minh. Tuy là cử tri của TP Cao Lãnh nhưng ông Minh từng là cán bộ của ngành nông nghiệp (đã nghỉ hưu) nên những phát biểu của ông về đề tài tác hại từ việc nuôi tôm thẻ chân trắng và cần đánh giá lại hiệu quả lúa vụ ba thể hiện mong muốn đóng góp của cử tri đối với vấn đề phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Những vấn đề này sẽ được ngành nông nghiệp của tỉnh tiếp thu và phản biện sau. “Theo đánh giá của cá nhân tôi, những ý kiến của cử tri rất bổ ích và cần thiết” - ông Nguyễn Văn Công nêu nhận xét.

Cử tri đóng góp hay

Trước đó, tại phiên thảo luận tổ, cử tri Đặng Hoàng Minh cũng nêu băn khoăn trong năm ngành hàng (lúa gạo, xoài, hoa kiểng, cá tra và vịt) mà đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh đặt ra thì ông lo lắng nhất cho ngành vịt. Bởi theo ông Minh, hiện nay nguồn giống cho ngành hàng này chưa ổn định, việc liên kết tiêu thụ chưa được chặt chẽ cũng như dễ phát sinh dịch bệnh do chăn nuôi vịt hiện chủ yếu theo hình thức chạy đồng. Do đó ông Minh đề xuất: “Cần đưa con tôm càng xanh vào đề án tái cơ cấu vì đây là ngành hàng có giá trị kinh tế cao gấp nhiều lần so với lúa, mặt khác tỉnh có thể tận dụng lợi thế mùa nước nổi để phát triển tốt ngành hàng này”.

Ông Đặng Hoàng Minh là một trong 12 cử tri tại các đơn vị được mời dự kỳ họp HĐND trong dịp này. Tuy nhiên, ông Minh là một cử tri “đặc biệt” bởi ông được đích danh Phó chủ tịch HĐND tỉnh Đồng Tháp Lê Thành Công viết thư mời. Ngay khi nhận được giấy mời, ông Minh đã gửi hai bài tham luận cùng những ý kiến, các vấn đề chất vấn cho HĐND tỉnh. Trong kỳ họp ông là cử tri duy nhất có ý kiến và bài phát biểu trong phiên thảo luận tổ cũng như trong ngày bế mạc. Những ý kiến của ông Minh được rất nhiều đại biểu HĐND tỉnh Đồng Tháp đồng tình và hoan nghênh.

Phó chủ tịch HĐND tỉnh Đồng Tháp Lê Thành Công giải thích và nhận xét thêm: Ông Đặng Hoàng Minh là cử tri có những ý kiến, phát biểu hay ở lần tiếp xúc cử tri tại địa phương trước đó. Sau buổi tiếp xúc cử tri, ông được các đại biểu giới thiệu, đề cử nên lãnh đạo HĐND tỉnh mới có giấy mời tham dự kỳ họp HĐND dịp này. Ông Công cho biết theo quy chế, ở các kỳ họp HĐND cử tri được mời họp. Qua thảo luận thấy cử tri phát biểu nhiều nội dung hay, có tính xây dựng, nội dung phù hợp liên quan đến sự phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương, có đăng ký nội dung phát biểu với chủ tọa nên việc mời họ phát biểu là bình thường.

“Mặt khác, để mở rộng tính dân chủ, cử tri không chỉ được phát biểu ở các lần tiếp xúc cử tri mà còn được phát biểu ngay tại diễn đàn kỳ họp HĐND” - ông Công giải thích và nói thêm: “Chính những phát biểu của ông Minh hôm nay cũng là những phát biểu hay mà đại biểu HĐND tỉnh khi đi tiếp xúc cử tri ở cơ sở phát hiện. Do đó việc thông tin những đóng góp hay của cử tri đến với cử tri trong toàn tỉnh biết là điều nên làm”.

Từng phản đối một chương trình

Ông Đặng Hoàng Minh 65 tuổi, tốt nghiệp đại học nông nghiệp tại Sài Gòn năm 1975. Ngay sau đó ông Minh về công tác trong ngành nông nghiệp rồi làm giám đốc Công ty Chăn nuôi của tỉnh Đồng Tháp. Sau đó ông Minh chuyển qua làm tại Trung tâm Khuyến nông tỉnh Đồng Tháp đến năm 2009 thì nghỉ hưu về làm lão nông sản xuất và bán con giống tôm càng xanh. Nay ông Minh đã “gác kiếm”, về “vui thú điền viên” và nghỉ ngơi, đi du lịch đó đây.

Ông Minh nhận mình là một “lão nông” với nhiều tâm huyết đóng góp cho nền nông nghiệp tỉnh nhà. Trước đây khi chương trình chăn nuôi bò sữa được đưa về tỉnh Đồng Tháp triển khai, ông Minh cũng có ý kiến phản đối bởi ông tin nó sẽ không mang lại thành công. Và đúng như thế, sau vài năm đầu tư, đưa bò về cho nông dân nuôi, chương trình “phá sản”.

ĐỨC TUYÊN - THANH TÚ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên