16/01/2022 09:05 GMT+7

Ông giám đốc hơn 25 năm kêu oan đòi lại nhà

ÁI NHÂN
ÁI NHÂN

TTO - Liên tục 25 năm qua, kể từ khi ra tù, ông Công đội đơn khiếu nại, kêu oan và đòi lại căn nhà bị phát mãi.

Ông giám đốc hơn 25 năm kêu oan đòi lại nhà - Ảnh 1.

Sau khi ra tù ông Nguyễn Thành Công liên tục khiếu nại, kêu oan - Ảnh: ÁI NHÂN

Mới đây, Cơ quan cảnh sát điều tra (C01) Bộ Công an đã gửi công văn đề nghị chánh án TAND tối cao xem xét giám đốc thẩm bản án, vì "kết luận trong bản án không phù hợp với những tình tiết khách quan và có sai lầm nghiêm trọng trong việc áp dụng pháp luật".

Ông Nguyễn Thành Công (69 tuổi, ngụ quận 10, TP.HCM) thành lập và làm giám đốc Công ty tư doanh Bình Trọng kỹ thương (viết tắt Bitroco) chuyên sản xuất dây đồng. Tháng 3-1990, Bitroco ký hợp đồng liên kết kinh tế với Hợp tác xã tín dụng Bưu Điện (viết tắt HTX Bưu Điện) là đơn vị thuộc Bưu điện TP.HCM. Nỗi oan của ông Công khởi nguồn từ đây.

Bị khởi tố, phát mãi nhà

Theo hợp đồng liên kết, HTX Bưu Điện tài trợ 500 triệu đồng cho Bitroco, còn Bitroco phải chia 40% lãi ròng mỗi tháng cho HTX Bưu Điện. Do HTX Bưu Điện không có chức năng kinh doanh nên để hợp pháp hóa khoản tài trợ, ông Công phải ký 2 khế ước vay tiền (với tổng tiền vay 500 triệu đồng).

Cùng thời gian này, ông Công cũng vay 50 triệu đồng của Ngân hàng Sài Gòn công thương và thế chấp căn nhà của mình (số 317 Trần Bình Trọng, quận 5) theo quy định. Còn đối với HTX Bưu Điện, do hợp tác kinh doanh nên ông Công không thế chấp nhà.

Vài tháng sau, HTX Bưu Điện bất ngờ liên tục đốc thúc phía ông Công phải trả nợ vay và lãi. Theo biên bản xác nhận công nợ giữa Bitroco và HTX Bưu Điện tổng nợ gốc và lãi tính đến cuối 1990 là hơn 800 triệu đồng. Tuy vậy, ngày 8-12-1990, ông Đoàn Thế Lập - chủ nhiệm HTX Bưu Điện - gửi công văn cho UBND quận 5, kê khống nợ của Bitroco lên đến hơn 1,7 tỉ đồng và đề nghị cho phát mãi căn ông Công để thu hồi nợ.

UBND quận 5 chấp thuận và ban hành quyết định kê biên, thanh lý nhà ông Công. Đáng nói là từ tháng 3-1990 đến ngày 4-1-1991, ông Công nhiều lần nộp cho HTX Bưu Điện hơn 1,5 tỉ đồng và 194 lượng vàng. Tuy nhiên, số tiền, vàng này ông Lập, ông Nguyễn Văn Tòng - phó chủ nhiệm và bà Phạm Ngọc Phi - kế toán HTX Bưu Điện, vẫn tiếp nhận nhưng chỉ đưa vào sổ sách một số tiền nhỏ còn lại bỏ ngoài sổ sách.

Dẫu vậy, phía HTX Bưu Điện vẫn chuyển vụ việc qua cơ quan công an. Đồng thuận, UBND quận 5 cũng đề nghị Công an quận 5 xử lý hành vi vay tiền của HTX Bưu Điện và Ngân hàng Sài Gòn công thương của ông Công. Từ đó, ngày 28-1-1991 Công an quận 5 khởi tố, bắt giam ông Công về tội "lừa đảo chiếm đoạt tài sản XHCN" (theo Bộ luật hình sự 1985).

Sau khi ông Công bị bắt, HTX Bưu Điện liền bán căn nhà của ông Công cho bà Trịnh Tú Toàn giá 875 triệu đồng và khấu trừ số tiền vào tiền nợ vay của ông Công.

Sai lầm nghiêm trọng về áp dụng pháp luật

Khi hay tin ông Công bị bắt, có 3 tổ chức và 1 cá nhân đồng loạt gửi đơn đến Công an quận 5 đề nghị buộc ông Công thực hiện nghĩa vụ tài chính.

Qua đó, Công an quận 5 đưa 3 tổ chức thành "bị hại" vào điều tra chung trong vụ án này gồm: Hội đồng khoa học xã hội TP (ông Công nợ 5.000 USD và 10 lượng vàng), HTX tín dụng Nguyễn Trãi (ông Công nhờ người khác vay hộ hơn 22 triệu đồng) và Xí nghiệp xây lắp điện (ông Công giao dây đồng còn thiếu trị giá hơn 22 triệu đồng). Còn đối với khoản nợ 17,5 lượng vàng ông Công thiếu của ông H.T.T. thì công an quận khởi tố bổ sung đối với ông Công về tội "lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản công dân", theo Bộ luật hình sự 1985.

Tháng 10-1991, cơ quan công an ra kết luận điều tra, đề nghị truy tố ông Công về 2 tội danh trên, nhưng bị Viện KSND TP.HCM trả hồ sơ. Đầu năm 1992, phía công an lại ra kết luận điều tra bổ sung, giữ nguyên tội danh "lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản công dân" và chuyển tội danh "lừa đảo chiếm đoạt tài sản XHCN" thành tội "lạm dụng tín dụng chiếm đoạt tài sản XHCN".

Tuy nhiên, tháng 8-1992 viện kiểm sát ra cáo trạng chỉ truy tố ông Công về tội danh "lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản XHCN" đối với việc nhờ người vay hộ tiền HTX tín dụng Nguyễn Trãi và chiếm dụng vốn của Xí nghiệp xây lắp điện. Cáo trạng cũng truy tố ông Công về tội danh "lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản công dân" vì chưa trả 17,5 lượng vàng cho ông H.T.T..

Đối với tiền nợ Hội đồng khoa học xã hội TP, cáo trạng xác định ông Công phải chịu trách nhiệm dân sự. Đồng thời cáo trạng không truy tố ông Công đối với 2 hành vi vay tiền của HTX Bưu Điện và Ngân hàng Sài Gòn công thương, vì xác định đây là giao dịch dân sự và hợp đồng vay đã thanh lý.

Xử sơ thẩm, TAND TP.HCM phạt ông Công 6 năm tù. Ông Công thụ án đến năm 1996 thì ra tù và liên tục kêu oan, đòi lại nhà.

Tháng 8-2021, giải quyết đơn kêu oan của ông Công, thiếu tướng Đỗ Văn Hoành - phó thủ trưởng thường trực C01 Bộ Công an - đã gửi công văn đề nghị chánh án TAND tối cao chỉ đạo đơn vị chức năng xem xét giám đốc thẩm bản án sơ thẩm của TAND TP.HCM theo hướng hủy án để điều tra lại. Lý do, kết luận trong bản án không phù hợp với những tình tiết khách quan của vụ án và có sai lầm nghiêm trọng trong việc áp dụng pháp luật.

C01 nhận định, quan hệ giữa ông Công và các tổ chức, cá nhân liên quan chỉ là quan hệ dân sự. Việc các cơ quan tố tụng xử lý ông Công về 2 tội danh trên là không có căn cứ. Đồng thời C01 cũng nhận định hành vi của ông Lập, ông Tòng, bà Phi có dấu hiệu phạm tội "tham ô tài sản XHCN"; còn UBND quận 5 cùng cán bộ liên quan kê biên, thanh lý nhà của ông Công để thu hồi nợ có dấu hiệu của tội "lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản công dân" theo Bộ luật hình sự 1985, nhưng chưa được xem xét.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, thiếu tướng Đỗ Văn Hoành cho hay đơn vị đang trao đổi với TAND tối cao để đề nghị xem xét lại vụ án theo quy định.

Phó giám đốc Công an TP.HCM từng chỉ ra nhiều sai sót

Năm 2003, ông Phan Anh Minh khi đó là phó giám đốc Công an TP.HCM, cũng từng nhận định giữa HTX Bưu Điện và Bitroco là quan hệ kinh tế. Ông Minh cũng chỉ ra nhiều vi phạm pháp luật của HTX Bưu Điện và UBND quận 5 cùng các cán bộ liên quan khi phát mãi nhà. Đồng thời ông Minh cũng nhận định hành vi của ông Lập, ông Tòng, bà Phi có dấu hiệu vi phạm luật hình sự.

Tuy nhiên, lúc này ông Tòng đã chết, bà Phi xuất cảnh nên "chỉ có khả năng truy cứu trách nhiệm hình sự với ông Lập..." - phó giám đốc Phan Anh Minh báo cáo với Phó chủ tịch UBND TP.HCM Mai Quốc Bình kết quả xác minh khiếu nại của ông Công tại công văn số 67/CATP (PV11).

Kỳ án 39 năm không tìm ra hung thủ: Đùn đẩy trách nhiệm với người oan sai Kỳ án 39 năm không tìm ra hung thủ: Đùn đẩy trách nhiệm với người oan sai

TTO - Trong kỳ án 39 năm không tìm ra hung thủ (Tuổi Trẻ khởi đăng ngày 12-8-2019), kể về hành trình anh Đỗ Thanh An truy tìm hung thủ giết mẹ ruột của anh là bà Phan Thị Khanh (ở Hàm Tân, tỉnh Bình Thuận).

ÁI NHÂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên