24/11/2020 19:24 GMT+7

Ông già xe lôi miệt Sa Đéc luận phở miền Tây

CHUNG THANH HUY
CHUNG THANH HUY

TTO - Mỗi lần ăn phở, chúng tôi hăm hở húp cạn nước trong tô. Nhưng thói quen này thay đổi khi ông già đạp xe lôi bước vào tiệm phở để uống cà phê, tình cờ ngồi cùng bàn, trò chuyện bằng giọng rất Bắc, về phở.

Ông già xe lôi miệt Sa Đéc luận phở miền Tây - Ảnh 1.

Hồi đó ở miệt Sa Đéc quê tôi, nói tới phở nhiều người lắc đầu lạ lẫm. Cả thị xã chỉ có duy nhất một tiệm phở có tên Bắc Hà vì ở xứ này người ta chỉ chuộng hủ tiếu và các loại bún. 

Hễ ai đặt chân vô tiệm phở đều được coi là người khá giả, có điều kiện. Thì do thời buổi khó khăn, kiếm miếng thịt heo đã khó nên chẳng ai dám mơ đến chuyện được thưởng thức tô phở thịt bò.

Vậy mà chị em tôi lâu lâu cũng được vô cái tiệm phở đó mỗi dịp lễ lạt này nọ. Mà nhà tôi có khá giả gì đâu, chẳng qua là ba mẹ tôi muốn con cái được ăn món này món nọ cho biết với người ta chứ để có một bữa phở thì cả nhà cũng phải ky cóp ròng rã cả tháng trời. 

Cho nên mỗi lần được đi ăn phở, mấy chị em hào hứng và hăm hở vô cùng, húp đến cạn nước trong cái tô to bè mới thôi. Nhưng tất cả đã thay đổi bởi một nhân vật khá kỳ lạ thường xuất hiện trong cái quán phở ấy…

Đó là một người đàn ông trung niên vẫn thường hay dựng chiếc xe lôi đạp bên kia đường để vào tiệm phở nhưng để… uống cà phê. 

Lần đó khách khá đông, nên tình cờ chúng tôi chúng tôi ngồi cùng bàn với ông. Nhờ vậy mà mấy chị em càng thêm hứng thú khi vừa ăn vừa được nghe ông nói chuyện về phở bằng chất giọng Bắc lôi cuốn vô cùng. 

Theo ông, tô phở là tổng hợp tất cả tinh túy ẩm thực của người Việt mình. Ăn phở thì không nên gấp gáp, vội vàng mà phải thưởng thức một cách từ tốn mới có thể cảm nhận trọn vẹn. 

Để nhận ra tất cả khứu giác, vị giác của chính mình được mở ra đón nhận; để ngắm nghía những màu sắc khác nhau của đủ loại nguyên liệu; để hít thật sâu cái mùi thơm lừng, quyến rũ của phở theo từng làn khói bốc lên…

Kể từ đó mỗi lần có lần đến tiệm phở, mấy chị em tôi xin phép ba mẹ được ngồi cùng bàn với ông để nghe ông kể những chuyện về phở. 

Nhờ đó chúng tôi mới hiểu rõ hơn vị ngon của phở có được từ mùi của hành, tiêu và các loại rau thơm; từ vị béo của mỡ, vị ngọt thanh của nước tiết, biết cảm nhận độ mềm trong những miếng tái, cái mặn mà trong từng miếng chín, độ giòn sần sật của từng miếng gân trong...

Một lần, ông kể, bánh phở làm từ gạo tẻ được xay thành bột từ cối đá. Khi xay phải liên tục rót nước liên tục vào gạo đã được ngâm kỹ theo một lượng vừa phải. Muốn bánh phở được dai thì cần cho vào cối một ít cơm nguội khi xay bột.

Ông già xe lôi miệt Sa Đéc luận phở miền Tây - Ảnh 2.

Ông còn nói nồi nước dùng là một kỳ công của người nấu phở. Muốn có nước dùng ngon thì phải hầm xương từ đêm hôm trước. Còn gia vị và tỉ lệ thì tùy theo khẩu vị mỗi nơi nhưng không thể thiếu sá sùng, hoa hồi, quế chi, thảo quả, đinh hương, hạt mùi, hành khô nướng, gừng nướng…

Hỏi sao ông biết tường tận về phở đến vậy mà không mở tiệm, đứng bán? Ông cười buồn với ánh mắt xa xăm kể rằng ngày xưa từ thời bà, thời mẹ của ông, gia đình đã từng có những hàng phở rất đông khách ở đất Hà thành. 

Những thay đổi của thời cuộc mà gia đình ông tản mác khắp nơi, cái nghề nấu phở cũng bị mai một. Nhưng tự đáy lòng mình ông vẫn mong một ngày quay trở lại với nghề gia truyền. Được tự tay nêm nếm, đứng bán và chuyện trò với thực khách về món ăn được mệnh danh quốc hồn quốc túy này. 

Còn giờ đây, mỗi sáng, ông vẫn đều đặn ghé cửa tiệm này, bên ly cà phê bóc khói, ngồi ngắm nhìn cái không khí chộn rộn của người mua, kẻ bán, được hít thở cái mùi phở cho đỡ nhớ nghề rồi mới bắt đầu công việc thầm lặng, vất vả cùng chiếc xe lôi cọc cạch.

Thấy chị em tôi quý mến và thích trò chuyện với ông nên không ít lần ba mẹ tôi ngỏ lời mời ông cùng dùng phở với gia đình. Lần nào ông cũng cảm ơn nhưng bảo không quen ăn ngoài do lâu nay ông đã quen với khẩu vị của những bát phở do chính tay bà nhà nêm nếm. 

Sau này tôi mới hiểu đó là cách từ chối khéo léo của một con người tự trọng mà sâu xa hơn là ông chỉ cảm thấy vị ngon trọn vẹn của một tô phở khi cũng dùng chung với vợ con mình như một sự sẻ chia và đồng cảm, bởi có lần ông nói phở chỉ ngon trọn vẹn khi cùng thưởng thức cùng gia đình hoặc những người bạn tâm giao.

Có gì hấp dẫn trong Ngày của Phở 12-12-2020?

photo-1

Ngày của Phở 2020 sẽ tiếp tục với cuộc bình chọn "Top 10 thương hiệu phở được yêu thích" từ nay đến ngày 30-11. Top 10 năm 2020 sẽ được vinh danh tại Gala Ngày của Phở 12-12 (Hà Nội). Link bình chọn TẠI ĐÂY .

Năm nay, hành trình "Đi tìm người nấu phở ngon" sẽ mở thêm bảng B dành cho người yêu phở không phải là đầu bếp chuyên nghiệp, giúp tạo thêm sân chơi cho những bà nội trợ, những người đam mê món ăn quốc hồn quốc túy của dân tộc.

Vòng sơ khảo khu vực phía Bắc diễn ra tại Hà Nội vào ngày 10-11, còn khu vực phía Nam sẽ diễn ra vào ngày 26-11.

Mời bạn đọc truy cập: ngaycuapho.tuoitre.vn hoặc email về: ngaycuapho@tuoitre.com.vn để đăng ký tham dự.

Cuộc thi ảnh và viết với chủ đề "Phở trong tôi" vừa được ban tổ chức công bố hiện đã nhận được nhiều bức ảnh, bài viết đầy cảm xúc, hứa hẹn lọt vào tầm ngắm của các chuyên gia, của những vị giám khảo khó tính nhưng luôn hết mình vì phở Việt.

Độc giả tham dự vui lòng gửi ảnh và bài về email photrongtoi@tuoitre.com.vn từ nay đến hết ngày 25-11.

Ngày của Phở 12-12 năm nay được tổ chức với sự phối hợp của Hiệp hội Văn hóa ẩm thực Việt Nam, đơn vị đồng hành chính Acecook Việt Nam cùng các đơn vị đồng hành: VinPearl, Minh Long, sâm Ngọc Linh...

Từ Sài Gòn, vượt 200 cây số ăn tô phở miền Tây Từ Sài Gòn, vượt 200 cây số ăn tô phở miền Tây 'thơm ngọt như mía lùi'

TTO - Có lẽ đời tôi chỉ ăn được phở ở đúng một nơi đó, quán nho nhỏ ở Châu Đốc, An Giang, như chỉ yêu đúng một người đã chỉ cho tôi biết vị phở cũng như vị tình yêu.

CHUNG THANH HUY
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên