04/03/2016 21:21 GMT+7

​Ông Đinh La Thăng đề nghị Bộ Y tế giúp TP.HCM giảm tải bệnh viện

THÙY DƯƠNG
THÙY DƯƠNG

TTO - Sáng 4-3, tại TP.HCM, PGS.TS Nguyễn Thị Kim Tiến, Bộ Trưởng Bộ Y tế, chủ trì hội nghị triển khai kế hoạch nhân rộng và phát triển mô hình bác sĩ gia đình giai đoạn 2016 đến năm 2020.

Bí Thư thành ủy TP.HCM Đinh La Thăng phát biểu tại hội nghị.

Đến dự hội thảo, ông Đinh La Thăng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí Thư thành ủy TP.HCM cam kết tạo mọi điều kiện để hỗ trợ mô hình bác sĩ được triển khai thành công, nhân rộng tại TP.HCM.

Ông đánh giá mô hình bác sĩ gia đình rất quan trọng trong việc giảm tải bệnh viện, một vấn đề rất lớn hiện nay.    

Ông Thăng cho rằng mô hình bác sĩ gia đình là rất cần thiết và quan trọng đối với các địa phương nói chung, đặc biệt là TP.HCM. Đây là một trong những giải pháp nhằm nâng cao chất lượng sức khỏe người dân một cách liên tục, hệ thống và toàn diện.

Tuy nhiên, sau khi đọc qua đề án, Bí thư Thành ủy cho rằng Bộ Y tế cần đưa ra được các mục tiêu cụ thể đối với TP.HCM và Hà Nội là sẽ có bao nhiêu phần trăm người dân sẽ tham gia vào mô hình này, đồng thời là các giải pháp.

Ông Thăng cho rằng Bộ Y tế không thể triển khai mô hình bác sĩ gia đình thành công nếu chỉ có các Giám đốc Sở Y tế và ngành y tế mà mô hình này chỉ thành công khi có cấp ủy, cấp chính quyền các địa phương vào cuộc.

Đây là một đề án hết sức quan trọng trong việc giảm tải Bệnh viện nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, nhất là khi TP.HCM  đang triển khai quyết liệt xây dựng một thành phố có chất lượng sống tốt, văn minh, hiện đại, nghĩa tình.

Ông Đinh La Thăng cũng đề nghị Bộ Y tế giúp TP.HCM các giải pháp đồng bộ trước mắt, lâu dài nhằm giảm tải bệnh viện vì hiện tại người dân rất bức xúc về vấn đề khám chữa bệnh hiện nay. 

Nên có các giải pháp cụ thể hơn để nâng cao chất lượng dịch vụ, thực hiện một cách quyết liệt hơn. Cải cách thủ tục khám chữa bệnh liên quan đến y tế, chứ hiện nay thủ tục rất rườm rà, người bệnh rất vất vả, tăng cường nâng cao chất lượng quản lý dược.

Theo Bộ Trưởng, sau hơn hai năm thực hiện thí điểm đề án “bác sĩ gia đình” đến nay trong cả nước đã có 6 Sở Y tế tổ chức thực hiện mô hình bác sĩ gia đình, phòng khám bác sĩ gia đình tại địa phương và bước đầu thu được kết quả khích lệ như TP.HCM, Hà nội, Cần Thơ các tỉnh Thừa Thiên Huế, Tiền Giang, Khánh Hòa.

Đến nay, các tỉnh, thành này thành lập được 240 phòng khám bác sĩ gia đình. Trong cả nước đã đào tạo được gần 1000 bác sĩ gia đình.

TS Trần Quý Tường, Phó cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh- Bộ Y tế trình bày kế hoạch nhân rộng và phát triển mô hình bác sĩ gia đình tại Việt nam giai đoạn 2016-2020, đến năm hết năm 2020 sẽ có ít nhất 80% các tỉnh, thành trực thuộc trung ương triển khai phòng khám bác sĩ gia đình. Phấn đấu đến năm 2020 đào tạo được ít nhất 9000 bác sĩ định hướng y học gia đình  trở lên (85% bác sĩ tham gia khám chữa bệnh tại trạm y tế tuyến xã).

Theo Sở Y tế TP.HCM, năm 2013 từ khi thực hiện mô hình bác sĩ gia đình đến nay đã có 20/23 quận-huyện đã thành lập phòng khám bác sĩ gia đình thuộc khoa khám bệnh. Còn ba bệnh viện chưa đăng ký thực hiện được phòng khám bác sĩ gia đình do chưa bố trí được cơ sở vật chất hoặc chưa có nhân sự được đào tạo về y học gia đình (Q1, Q.9 và huyện Cần giờ).

136/319 trạm y tế phường- xã thuộc 23/24 quận huyện thành lập một phòng khám bác sĩ gia đình, 2 phòng khám Bác sĩ gia đình thuộc phòng khám đa khoa tư nhân và hai phòng khám bác sĩ gia đình tư nhân độc lập.  Hiện việc thực hiện giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh tại các phòng kah1m cảu bệnh viện tiến hành thuận.

Tuy nhiên, các trạm y tế gặp nhiều khó khăn khi thực hiện thu phí cho dịch vụ khám chữa bệnh. Nguyên nhân do người dân chưa tin tưởng và đã quen với khám chữa bệnh miễn phí tại trạm.

THÙY DƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên