10/03/2021 12:50 GMT+7

Ông Đinh La Thăng bị đề nghị 12-13 năm tù, Trịnh Xuân Thanh 21-23 năm tù

THÂN HOÀNG - DANH TRỌNG
THÂN HOÀNG - DANH TRỌNG

TTO - Viện kiểm sát cáo buộc ông Đinh La Thăng có vai trò cầm đầu, đề ra chủ trương giao PVC không đủ năng lực thực hiện dự án ethanol và đề nghị mức án từ 12-13 năm tù.

Ông Đinh La Thăng bị đề nghị 12-13 năm tù, Trịnh Xuân Thanh 21-23 năm tù - Ảnh 1.

Ông Đinh La Thăng trả lời thẩm vấn tại tòa - Ảnh: TTXVN

Sau hơn 2 ngày thẩm vấn, trưa 10-3, đại diện Viện kiểm sát giữ quyền công tố tại tòa đã công bố bản luận tội đề nghị mức án với ông Đinh La Thăng, cựu chủ tịch HĐQT Tập đoàn Dầu khí Việt Nam - PVN, và 11 đồng phạm trong vụ án xảy ra tại dự án ethanol Phú Thọ.

Căn cứ vào tài liệu điều tra, truy tố và lời khai của các bị cáo tại phiên tòa, Viện kiểm sát khẳng định cáo trạng truy tố các bị cáo là có căn cứ, đúng người đúng tội đúng pháp luật.

Trong nhóm các bị cáo bị xét xử tội vi phạm quy định về đầu tư công trình gây hậu quả nghiêm trọng, bị cáo Đinh La Thăng bị đề nghị mức án cao nhất từ 12-13 năm tù. Kế đến là bị cáo Trịnh Xuân Thanh, cựu chủ tịch HĐQT PVC, bị đề nghị mức án từ 11-12 năm tù.

Ngoài ra, ông Thanh còn bị đề nghị mức án từ 10-11 năm tù về tội lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ, tổng hợp hình phạt cho cả hai tội Viện kiểm sát đề nghị mức án từ 21-23 năm tù. Cùng với các bản án trước, Viện kiểm sát đề nghị tòa buộc bị cáo chấp hành hình phạt tù chung thân.

Bị cáo Trần Thị Bình, cựu phó tổng giám đốc Tập đoàn PVN, bị đề nghị mức án 2-3 năm tù. Các bị cáo còn lại bị đề nghị mức án thấp nhất 30-36 tháng tù, cao nhất mức 7-8 năm tù.

Ông Đinh La Thăng bị đề nghị 12-13 năm tù, Trịnh Xuân Thanh 21-23 năm tù - Ảnh 2.

Đại diện Viện kiểm sát đọc bản luận tội các bị cáo - Ảnh: DANH TRỌNG

Ông Thăng bị cáo buộc định hướng chỉ định thầu cho PVC

Trong bản luận tội, Viện kiểm sát đánh giá các bị cáo trong vụ án này hầu hết đều giữ vị trí chủ chốt quan trọng ở tập đoàn về kinh tế hàng đầu của đất nước và được Nhà nước, nhân dân giao phó giữ tài sản của đất nước. Tuy nhiên các bị cáo trong vụ án này thực hiện nhiều hành vi sai phạm dẫn đến dự án còn dang dở khiến thất thoát tài sản quốc gia.

Viện kiểm sát cho rằng ông Đinh La Thăng là chủ tịch HĐQT PVN từ 2006-2011 với vai trò người đứng đầu biết liên danh PVC không đủ năng lực, kinh nghiệm thực hiện dự án nhưng với mục đích chỉ định thầu cho PVC do ông Trịnh Xuân Thanh là chủ tịch, ông Thăng đã đề ra chủ trương giao cho PVC thực hiện dự án.

"Ngoài ra, bị cáo Thăng còn chỉ đạo cấp dưới bút phê và chủ trì nhiều cuộc họp kết luận định hướng chỉ định thầu cho PVC được thực hiện thầu trái với quy định của pháp luật. Trên cơ sở chỉ đạo của ông Thăng, Trịnh Xuân Thanh đã ký công văn gửi PVB xin được chỉ định thực hiện dự án ethanol Phú Thọ dẫn đến hậu quả dự án dừng thi công, chưa có hạng mục nào hoàn thành, gây thiệt hại cho PVB 543 tỉ đồng", Viện kiểm sát quy kết.

Viện kiểm sát đánh giá ông Thăng có vai trò chính, vừa là người đưa ra chủ trương, đồng thời chỉ đạo cấp dưới thực hiện. Do đó, cần có hình phạt nghiêm khắc, tương xứng tính chất và hành vi phạm tội để ngăn ngừa phòng ngừa chung. Trong quá trình công tác, ông Thăng cũng có nhiều thành tích xuất sắc nên cần xem xét khi tuyên án.

Đề nghị tiếp tục phong tỏa biệt thự của Trịnh Xuân Thanh

Theo bản luận tội, ông Trịnh Xuân Thanh, với vai trò là chủ tịch HĐQT PVC, biết liên danh PVC/Alfa Laval/Delta-T không đủ năng lực, kinh nghiệm thực hiện dự án nhưng vẫn thực hiện chủ trương, chỉ đạo của ông Đinh La Thăng ký văn bản gửi PVB yêu cầu được chỉ định thầu.

Ngoài ra, ông Thanh còn chủ trì cuộc họp PVC để ban hành nghị quyết với nội dung đồng ý thực hiện gói thầu với giá hơn 59 triệu USD, mặc dù trước đó đã đưa giá chào thầu là 87 triệu USD.

Ông Thanh còn ký công văn gửi ông Đinh La Thăng xin cam kết thực hiện gói thầu và ký nghị quyết của HĐQT PVC nhằm thực hiện dự án để cho PVC chỉ định thầu trái với pháp luật dẫn đến dự án dừng thi công gây thiệt hại cho PVB 543 tỉ đồng.

Viện kiểm sát đánh giá trong vụ án này, Trịnh Xuân Thanh phạm tội với vai trò đồng phạm là người tích cực thực hiện phạm tội, thực hiện phạm tội do một phần lệ thuộc vào sự chỉ đạo cấp trên.

Về trách nhiệm dân sự, Viện kiểm sát đề nghị HĐXX tuyên bố các bị cáo liên đới bồi thường thiệt hại do hành vi phạm tội gây ra.

Ông Thăng, Bình và một số bị cáo bị đề nghị bồi thường cho PVB số tiền hơn 540 tỉ. Ông Thanh và Đỗ Văn Hồng, cựu chủ tịch HĐQT Công ty PVC Kinh Bắc, phải bồi thường cho PVC hơn 13 tỉ. Ông Thanh phải trả số tiền hưởng lợi hơn 3 tỉ đồng cho PVC Kinh Bắc.

Theo Viện kiểm sát, Cơ quan an ninh điều tra đang tạm giữ giấy chứng nhận sử dụng đất khu biệt thự tại Tam Đảo và tài sản gắn liền với đất. Đây là nhà đất do ông Thanh và Hồng mua bằng tiền tạm ứng trái pháp luật nên đề nghị tòa án tiếp tục tạm giữ để giải quyết thi hành án.

Ông Trịnh Xuân Thanh khai một nguyên lãnh đạo Tổng cục Cảnh sát cùng góp tiền mua biệt thự Ông Trịnh Xuân Thanh khai một nguyên lãnh đạo Tổng cục Cảnh sát cùng góp tiền mua biệt thự

TTO - Trả lời xét hỏi, bị cáo Trịnh Xuân Thanh khai không bàn bạc cùng bị cáo Hồng để tìm mua đất tại Tam Đảo mà vợ và em trai ông cùng một phó tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát thời điểm đó góp tiền mua.

THÂN HOÀNG - DANH TRỌNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên