10/03/2019 09:16 GMT+7

Ông 'cán bộ sâm'

LÊ TRUNG
LÊ TRUNG

TTO - Thấm thoát đã 15 năm, một kỹ sư nông nghiệp mới ngày nào chân ướt chân ráo lên công tác ở vùng núi cao Nam Trà My (Quảng Nam) giờ đã trở thành giám đốc của chính trung tâm vùng sâm này...

Ông cán bộ sâm - Ảnh 1.

Ông Quý (bìa phải) cùng tổ thẩm định sâm ở phiên chợ sâm Ngọc Linh, huyện Nam Trà My...

Tôi sẽ nỗ lực hơn nữa để một ngày gần nhất cây sâm này vươn tầm ra thế giới.

Ông TRịnh Minh Quý

Ông Trịnh Minh Quý, giám đốc Trung tâm sâm Ngọc Linh huyện Nam Trà My, nói chuyện gắn bó với cây sâm này y như một cơ duyên. Và giấc mơ của ông là loài cây đẻ ra vàng ở thủ phủ sâm Ngọc Linh sẽ vươn tầm thế giới.

Lội rừng, gùi sâm cho dân trồng

Chúng tôi gặp ông giám đốc 47 tuổi tại phiên chợ sâm Ngọc Linh huyện Nam Trà My lúc ông tất bật đến từng quầy sâm để thẩm định, giới thiệu sâm cho nhiều khách thập phương. Rành rọt, am hiểu từng li từng tí.

Quê huyện Bắc Trà My, năm 2003 chàng kỹ sư trẻ ngành nông học của Trường ĐH Nông lâm Huế đang là cán bộ phòng nông nghiệp được điều chuyển lên huyện Nam Trà My công tác. Chân ướt chân ráo, anh được huyện giao ngay công việc xoay quanh một loại cây trồng khá lạ lẫm, đó là sâm Ngọc Linh. Tháng ngày quẩn quanh, nghiên cứu, tìm hiểu, anh đã thấy thích và yêu cây sâm tự bao giờ chẳng biết.

"Thời điểm này chính quyền huyện có chủ trương phát triển cây sâm, công việc chính là nghiên cứu trồng, chăm sóc và nhân rộng cho người dân trồng. Tôi được giao đi cấp sâm cho ba xã vùng cao Trà Nam, Trà Linh và Trà Cang, hướng dẫn người dân trồng để thoát nghèo" - ông Quý nhớ lại.

Lúc này người dân vẫn chưa thấy được tiềm năng và loại sâm này vẫn chưa quý hiếm như bây giờ nên họ rất hững hờ với chủ trương. Ông Quý phải liên tục lội rừng đến nhà dân vận động, giải thích cho họ ích lợi của việc trồng, phát triển nó. 

"Hồi đó một tháng mình lội rừng vài lần vì đường sá chưa có, phải băng rừng đi bộ đến bản làng người dân. Mỗi chuyến công tác lên vùng cao vận động người dân có thể mất cả tuần" - ông Quý nói.

Huyện chủ trương cấp sâm giống nhưng bà con không đến trụ sở các xã để nhận trồng. Thế là ông Quý phải lội rừng, gùi sâm vào tận nhà cấp trực tiếp cho dân. Những con đường mòn xuyên rừng vào các xã vùng cao in hằn dấu chân của chàng cán bộ trẻ. 

 "Cõng giống tới nhà nhưng họ chẳng muốn trồng vì không tha thiết với cây sâm. Mình phải giải thích, thuyết phục họ rằng đây là chủ trương, chính sách lớn của huyện để phát triển cây sâm, giúp họ thoát nghèo. Cùng ăn ở với họ, dần dà rồi họ mới thay đổi cách nghĩ, bắt tay vào trồng sâm" - ông Quý kể.

Chọn làm giám đốc

Thời gian dài, ông Quý trải qua nhiều vị trí công tác, từ cán bộ phòng nông nghiệp rồi cán bộ văn phòng. Nhưng tình yêu về cây sâm thì chưa lúc nào nguôi ngoai trong ông. Lúc rảnh ông lại lội rừng lên vùng sâm trên đỉnh Ngọc Linh ăn ngủ, cùng bà con trồng sâm. Năm 2015 huyện thành lập Trung tâm sâm Ngọc Linh. 

Và người đầu tiên được ông Hồ Quang Bửu, chủ tịch UBND huyện, tìm đến là ông Quý. Vì ở huyện này, người am hiểu, gắn bó, ăn ngủ cùng loại sâm này, có nhiều kinh nghiệm về trồng, phát triển cây sâm thì ông Quý là số 1. Ông được bổ nhiệm giữ chức phó giám đốc phụ trách Trung tâm sâm Ngọc Linh huyện. Cũng từ đó, người dân ở vùng sâm gọi ông bằng cái tên là "cán bộ sâm".

Thời điểm này huyện xây dựng đề án bảo tồn và phát triển cây sâm Ngọc Linh (sâm Việt Nam) tỉnh Quảng Nam đến năm 2030 trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. 

"Và không biết sao ông Bửu lại chọn mình tham gia, giao cho mình cùng các cơ quan lập kế hoạch, xây dựng đề án. Phấn khởi lắm, thấy trọng trách và vinh dự nên mình cố gắng hết sức" - ông Quý nhớ lại.

Được giao nhiệm vụ lập đề án, ông Quý phải nhiều đêm thức trắng tìm tài liệu nghiên cứu. Cuối tuần ông không về với vợ con mà băng rừng, lội suối đi thực địa vườn sâm, đến dân bản ở vùng sâm để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của họ. 

"Có khi một tháng mình leo núi, lên các vườn sâm ở đỉnh Ngọc Linh gần cả chục lần. Ăn núi ngủ rừng với đồng bào Xê Đăng nơi đây, vận động bà con tham gia trồng, phát triển sâm, góp ý vào đề án. Tháng 9-2015 đề án được phê duyệt, mình mừng lắm" - ông Quý kể.

Tháng 7-2016, ông Quý được huyện tin tưởng bổ nhiệm làm giám đốc Trung tâm sâm Ngọc Linh. Trung tâm có chức năng tổ chức triển khai thực hiện các hoạt động bảo tồn, phát triển cây sâm Ngọc Linh và các loại dược liệu quý khác; tham gia đào tạo, nghiên cứu khoa học và hướng dẫn, chuyển giao kỹ thuật nuôi trồng, chăm sóc sâm cho dân. Bên cạnh đó còn thực hiện công tác di thực cây sâm này ra các xã, huyện khác, nhân giống, phát triển giống bằng phương pháp nuôi cấy mô.

Ông cán bộ sâm - Ảnh 3.

...và trong một lần đưa lãnh đạo tỉnh Quảng Nam thăm vườn sâm - Ảnh: L.TRUNG

Người phán xử sâm thật, sâm giả

Tháng 10-2017, lần đầu tiên huyện tổ chức phiên chợ sâm định kỳ hằng tháng với hi vọng biến nơi này là địa chỉ tin cậy để khách hàng đến mua sâm Ngọc Linh. Và ông Quý được chọn là thành viên của tổ thẩm định sâm, giữ chức tổ phó trực tiếp kiểm tra, thẩm định sâm thật hay sâm giả của sâm Ngọc Linh. 

Không phải đơn thuần ông được giao nhiệm vụ này mà phải là người am hiểu, có chuyên môn, kinh nghiệm, gắn bó đời mình với loại cây này mới đủ uy tín để phán là thật hay giả trong thời điểm sâm Ngọc Linh có giá trị quá cao nên sâm giả lan tràn.

"Khách hàng mua sâm nhưng họ không phân biệt đâu là sâm thật hay sâm giả. Mình đóng vai "người phán xử" để họ yên tâm, tin tưởng" - ông Quý nói. 

Ông Quý nhớ có nhiều người cố tình đem sâm giả vào phiên chợ để bán nhưng không dễ gì lọt qua mắt tổ thẩm định. "Chúng tôi xem xong rồi phát hiện sâm giả, yêu cầu họ đem ra ngoài và bàn giao cho lực lượng công an xử lý" - ông Quý kể.

Oái ăm thay, có lúc tổ thẩm định gặp khách hàng muốn thử thách tài nghệ. Có lần người buôn sâm đem loại giả sâm Ngọc Linh để thử tổ thẩm định. Qua thời gian xác minh, bằng những kinh nghiệm chuyên môn, ông phát hiện sâm giả và yêu cầu họ đem ra ngoài phiên chợ. Sau đó họ nói là muốn thử tài tổ thẩm định thôi chứ không có ý gì hết. 

"Nói thật, tiếp xúc nhiều với sâm lâu ngày hình thành một quán tính để nhận biết sâm thật hay giả. Cái này phải trải qua một quá trình dài ăn ngủ với cây sâm chứ không dễ gì có được kinh nghiệm đó" - ông Quý bộc bạch.

Ông Quý luôn bảo mình rất vui, rất vinh dự vì được huyện giao trọng trách lớn trong hành trình dài phát triển cây sâm Ngọc Linh.

Vườn sâm nào cũng có dấu chân ông Quý

Ông Hồ Quang Bửu, chủ tịch UBND huyện Nam Trà My, đánh giá ông Quý là một cán bộ năng nổ, luôn đồng hành cùng dân mở rộng diện tích sâm Ngọc Linh trong thời gian qua.

Hầu như khắp các vườn sâm ở huyện đều có dấu chân của ông Quý, và cũng vì điều đó mà ông được người dân thương yêu, quý mến.

Từ khi vườn sâm gốc Tắc Ngok được thành lập tới nay chỉ khoảng 5 năm nhưng với sự quyết tâm, nỗ lực của ông Quý và Trung tâm sâm Ngọc Linh đã giúp vườn sâm được mở rộng số lượng cây giống, mỗi năm cung cấp 10.000 cây sâm chất lượng cao cho dân trồng.

"Sâm Ngọc Linh đã ngấm vào tâm trí anh Quý rất sâu lắng, chỉ cần nhìn là anh ấy có thể biết sâm thật hay sâm giả" - ông Bửu nhận xét.

LÊ TRUNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên