18/04/2021 11:06 GMT+7

Ông Biden hứa đón 60.000 người tị nạn, nay bị chỉ trích vì giảm còn 15.000

TRẦN PHƯƠNG
TRẦN PHƯƠNG

TTO - Dù đã nhanh chóng "nói lại" về chính sách tị nạn, song việc chính quyền của ông Biden không thể giữ lời hứa tăng mức tiếp nhận người tị nạn cho thấy thế khó của ông trong vấn đề này.

Ông Biden hứa đón 60.000 người tị nạn, nay bị chỉ trích vì giảm còn 15.000 - Ảnh 1.

Quyết định của ông Biden đồng nghĩa với việc nhiều người sẽ tiếp tục mắc kẹt tại các trại tị nạn trên thế giới - Ảnh: Reuters

"Chính quyền ông Biden biết họ đang chịu sức ép chính trị rất lớn vì cuộc khủng hoảng biên giới đang rất nghiêm trọng, và đó là cách duy nhất để hiểu được bối cảnh của quyết định giữ nguyên mức trần của tổng thống Trump trong phần còn lại của tài khóa.

Stephen Miller, cựu cố vấn nhập cư cấp cao của ông Trump, mỉa mai. (Wall Street Journal)

Chính quyền của Tổng thống Joe Biden vấp phải phản ứng mạnh từ chính Đảng Dân chủ sau khi thông báo giữ mức trần về tiếp nhận tị nạn hằng năm ở mức 15.000 người, ngang với ngưỡng từng bị cho là thấp kỷ lục của chính quyền người tiền nhiệm Donald Trump.

Người phát ngôn Nhà Trắng - bà Jen Psaki - sau đó cho biết ông Biden sẽ nâng mức trần vào tháng 5-2021 nhưng cũng thừa nhận sẽ khó giữ lời hứa tiếp nhận hơn 60.000 người.

Quá thấp

Theo kế hoạch mới, Mỹ sẽ dành 7.000 suất tị nạn cho châu Phi, 1.000 suất cho Đông Á, 1.500 suất cho châu Âu và Trung Á, 3.000 suất cho Mỹ Latin và khu vực Caribê, 1.500 suất cho khu vực Cận Đông và Nam Á, và cuối cùng là 1.000 suất dự phòng.

Kế hoạch này cũng cho phép xem xét rộng hơn các đối tượng xin tị nạn, tăng suất cho một số khu vực, nhưng về cơ bản vẫn bằng với mức trần từ thời ông Trump.

Ngưỡng tiếp nhận tị nạn thấp nhất kể từ năm 1980 này gây thất vọng nặng nề không chỉ bởi nó tương đương thời ông Trump mà còn quá ít so với lời hứa trước đây của ông Biden sẽ tiếp nhận hơn 60.000 người tị nạn trong năm nay và tăng gấp đôi vào năm tới.

"Chúng ta đã hỗ trợ chốn dung thân cho những người chạy trốn bạo lực hoặc bị hành hạ. Chúng ta là tấm gương thôi thúc các nước mở rộng cửa" - tổng thống Mỹ từng nói hồi tháng 2-2021, cam kết sẽ khôi phục "sự lãnh đạo về đạo đức trong vấn đề tị nạn" của nước Mỹ.

Và nay, lời hứa đó của ông Biden bị đem ra chỉ trích, nhất là trong nội bộ Đảng Dân chủ và các nhà hoạt động.

"Ông Biden đã hứa chào đón người nhập cư và người dân bầu cho ông ấy vì lời hứa đó", hạ nghị sĩ Alexandria Ocasio-Cortez viết trên Twitter, gọi kế hoạch của ông Biden là "không thể chấp nhận được".

Nghị sĩ Ilham Omar chỉ trích con số 15.000 suất tị nạn là "đáng xấu hổ". "Đối mặt với cuộc khủng hoảng tị nạn lớn nhất thời đại, chúng ta không có lý do gì để hạn chế ở 15.000 suất", báo Washington Post dẫn lời thượng nghị sĩ Dick Durbin. Tuần trước ông Durbin và nhiều nghị sĩ Dân chủ đã cùng gửi thư yêu cầu ông Biden tiếp nhận thêm người tị nạn.

Theo các nhóm hoạt động vì người tị nạn, động thái của ông Biden là không công bằng với 35.000 người tị nạn đã vượt qua kiểm tra và sẵn sàng đến Mỹ, với tổng cộng hơn 100.000 người đang trong các giai đoạn xét duyệt.

Sức ép

Thật ra, trước khi lên tiếng kêu gọi di dân "đừng đến Mỹ nữa" vào giữa tháng 3-2021, ông Biden đã tìm cách trì hoãn thực hiện lời hứa của mình.

Ông Mark Hetfield - lãnh đạo tổ chức hỗ trợ tị nạn HIAS - cho biết dòng người tị nạn đã bị kẹt lại nhiều tuần qua với hơn 700 chuyến bay bị hủy.

"Chúng tôi đoán họ gắn vấn đề tị nạn với những việc xảy ra ở biên giới, nhưng chương trình tị nạn rất khác" - ông Hetfield nói. Theo Đài CNN, quy trình tiếp nhận người tị nạn ở từ nước ngoài khác với cách xử lý người nhập cư ở biên giới.

"Với số lượng tiếp nhận người tị nạn bị giảm quá nhiều mà chúng tôi kế thừa, và gánh nặng trút lên Văn phòng Tái định cư cho người tị nạn, mục tiêu nhận 62.500 người của Tổng thống Biden xem ra khó đạt được", người phát ngôn Nhà Trắng Jen Psaki ngày 16-4 đổ lỗi cho chính quyền ông Trump.

Trong khi đó, Cố vấn An ninh quốc gia của Nhà Trắng Jake Sullivan cho biết chính phủ sẽ thảo luận với quốc hội về việc tăng hạn ngạch tiếp nhận và xây dựng lại chương trình tị nạn nhằm có thể tiếp nhận số người như đã cam kết. Nhiều quan chức Mỹ trước đó cũng đưa ra các lý do để biện bạch cho việc ông Biden chần chừ thực hiện lời hứa.

Tuy nhiên nhiều ý kiến cho rằng quyết định của ông Biden bắt nguồn từ sức ép chính trị. "Không phải họ không có nguồn lực hay năng lực, đó thuần túy là một tính toán chính trị" - bà Jenny Yang, phó chủ tịch cấp cao về vận động và chính sách của Tổ chức World Relief, nhận định, cho rằng các cơ quan tái định cư của Mỹ đã sẵn sàng cho việc tiếp nhận nhiều người tị nạn hơn.

Một số quan chức Mỹ giấu tên cho rằng tổng thống Mỹ lo ngại việc đột ngột gỡ bỏ hàng rào tị nạn trong khi sức ép từ biên giới ngày càng tăng có thể sẽ phá vỡ hệ thống nhập cư của Mỹ. Bất cứ rủi ro nào trong các quyết sách về vấn đề này cũng có thể đe dọa gây tổn thất cho Đảng Dân chủ trong cuộc bầu cử giữa kỳ năm 2022.

Được Mỹ Được Mỹ 'cho vay' vắc xin COVID-19, Mexico cam kết ngăn dòng người tị nạn

TTO - Chính quyền Mỹ ngày 19-3 thông báo sẽ cho Mexico và Canada "vay" tổng cộng 4 triệu liều vắc xin ngừa COVID-19 do AstraZeneca sản xuất. Mexico kế đó thông báo sẽ siết chặt biên giới phía nam, ngăn dòng người tị nạn bất hợp pháp tiến về Mỹ.

TRẦN PHƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên