07/11/2019 09:48 GMT+7

Ôn, thi chứng chỉ B1 như 'làm xiếc'

MINH GIẢNG
MINH GIẢNG

TTO - Để lấy chứng chỉ B1, học viên đóng 11 triệu đồng, ôn thi 3 buổi và thi ngay trong buổi ôn thứ 3. 'Trung tâm ôn thi' cam kết trả lại tiền nếu không thi đậu!

Ôn, thi chứng chỉ B1 như làm xiếc - Ảnh 1.

Buổi học ôn “kỹ năng” làm bài viết được làm sẵn - Ảnh: M.G

Từ những quảng cáo 'thi chứng chỉ B1 đảm bảo đậu' trên mạng, tôi liên hệ 2 nơi tại quận Thủ Đức và quận 10 (TP.HCM) và đích đến cuối cùng đều là Trung tâm ngoại ngữ và tin học Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM.

Tôi trình bày có nhu cầu lấy chứng chỉ B1 để miễn thi tiếng Anh đầu vào thạc sĩ, cả hai nơi mà tôi liên hệ đều tư vấn trường dự định vào có chấp nhận hay không, Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM thì chấp nhận. Cả hai trung tâm đều khẳng định bao đậu, nếu không sẽ hoàn tiền.

Nhiều người tham gia ôn - thi

Ngày 16-10, tôi đến Trung tâm Ngoại ngữ - tin học tại số 118/3 Lý Thường Kiệt, Q.10 (TP.HCM). Nhân viên tư vấn cho biết nếu thi B1 của Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM chỉ cần ôn 3 buổi với giá 11 triệu đồng (trong khi Trung tâm ngoại ngữ trường này cho biết phí của việc ôn thi cấp tốc 3 buổi và thi là 8,3 triệu đồng), thi tại các trường khác phải ôn 10 buổi, làm nhiều đề hơn. 

Nhân viên chỉ căn dặn một điều: khi làm bài không được bỏ giấy trắng.

Lớp ôn thi hôm đó có gần 30 người, hầu hết đều trên dưới 40 tuổi, một số trên 50. Qua trao đổi, được biết trong số này có 2 nhóm cán bộ của Long An, An Giang, một số người đang làm việc tại bệnh viện hàng đầu ở TP.HCM, Cần Thơ, Công an Đồng Nai, Bình Dương... 

Một người cho biết lấy chứng chỉ B1 để đáp ứng yêu cầu bổ nhiệm, một người nói để đủ điều kiện đầu ra chương trình thạc sĩ của một học viện. Người tên H. cho biết vì có nhiều người trong cơ quan cũng đã làm như vậy nên không lo bị lừa. Người ở tỉnh thuê khách sạn ở lại vì thời gian học và thi kéo dài hai ngày.

Trên trang web của trung tâm này giới thiệu tài liệu giảng dạy gồm New English File (Oxford) và tài liệu biên soạn của trung tâm. Tuy nhiên, thực tế mỗi người phải đóng 100.000 đồng tiền tài liệu và được phát hai cuốn sách photocopy mỏng dính, trong đó một cuốn có bìa màu, nội dung là các đề thi được in sẵn. 

Giảng viên cũng được giới thiệu ngoài giảng viên giàu kinh nghiệm còn có các giảng viên nước ngoài đến từ Anh, Mỹ, Úc, Canada... Thực tế chỉ có hai giảng viên, trong đó có giám đốc trung tâm.

Cung cấp kỹ năng làm bài?

Buổi đầu tiên, giáo viên tên Diện ôn tập cho học viên phần viết. Ông Diện cho biết đối với sinh viên, trẻ hơn, giỏi hơn thì đề thi sẽ khó hơn. Các học viên lớn tuổi, ít sử dụng tiếng Anh sẽ được ôn kỹ năng làm bài, nếu không sẽ rất khó đậu. 

Cũng theo ông Diện, "trung tâm hoàn toàn không có chuyện bao đậu, chỉ cung cấp kỹ năng, tạo điều kiện hết mình để các anh chị thi đậu. Tuần nào cũng tổ chức thi".

Ông Diện cho 4 bài mẫu đã được viết sẵn và có giải thích, yêu cầu học viên chép lại. Ông liên tục nhắc học viên phải chép "cho quen tay". 

"Anh chị phải viết càng nhiều càng tốt. Phần đọc viết có 5 bài, trong đó phải làm bài viết trước, 4 phần còn lại là trắc nghiệm nên đánh lụi cũng không bao giờ bị điểm liệt bởi xác suất trúng là 30%" - ông Diện "nhắc nhở".

Buổi thứ 2 ôn về nghe do giáo viên Nga - giám đốc trung tâm ngoại ngữ - dạy. Bà Nga dạy tổng cộng 3 bài nghe. Mỗi bài học viên được nghe 2 lần, sau đó điền từ. Đáp án được đưa ra, bà Nga yêu cầu học viên phải học thuộc. 

Buổi thứ 3, ông Diện dạy kỹ năng nói. Ông cho biết mình sẽ hỏi những câu gì, nội dung trả lời cũng được gợi ý sẵn và khá đơn giản như giới thiệu bản thân, quê hương có đặc sản gì, thích làm gì vào cuối tuần, thích chơi môn thể thao nào - vì sao, đi làm bằng phương tiện gì - vì sao?... 

Đáng ngạc nhiên là khi giáo viên hỏi "Where are you from?" (Bạn từ đâu đến?), một học viên ấp úng không biết trả lời.

Ôn thi sao, đề thi vậy

Lẽ ra ôn thi 3 buổi, nhưng việc ôn được rút ngắn và thi ngay trong buổi ôn thứ 3. "Chỉ cần các anh chị tôn trọng giám thị, họ sẽ nới lỏng để các anh chị làm bài dễ hơn. Khi làm bài tuyệt đối không được bỏ trống" - nhân viên tên Thái tiếp tục căn dặn. 

Bài thi nghe gồm 2 bài và cả 2 bài này đều nằm trong số 3 bài mà bà Nga đã ôn. Khi tôi đang cố nhớ một từ, quay xuống bàn dưới thì thấy một chú đang để tờ giấy ghi hôm qua trên bàn chép ngon lành, bên cạnh là cán bộ coi thi.

Đến phần viết, do được dặn phải làm bài viết trước tiên nên khi nhận đề, nhiều người trong phòng thi nháo nhào hỏi nhau bài viết... có nằm trong số mấy bài đã ôn không. Thấy tôi quay xuống hỏi chú khi nãy nhằm mượn giấy để chép, nhân viên tên Thái nhắc "làm trắc nghiệm trước đi, lát chú chép xong rồi mượn!". 

Ở dãy bên cạnh, học viên cũng lật giở tài liệu tìm bài chép lại. Giám thị chỉ nhắc nhở không làm ồn. Đề thi viết quan trọng đã "trúng tủ", phần trắc nghiệm đánh lụi.

Đang thi đọc hiểu, học viên được yêu cầu lần lượt sang phòng bên cạnh thi nói. Đúng như những gì đã hướng dẫn, nội dung là giới thiệu bản thân, tình trạng hôn nhân, nơi làm việc, thích làm gì cuối tuần... khoảng 3 - 5 phút là xong một người. 

Như vậy, ngoại trừ phần đọc hiểu "trắc nghiệm đánh lụi cũng không bị điểm liệt" không có trong phần ôn tập, các nội dung quan trọng nhất của bài thi gồm nghe, nói và viết đều nằm trong nội dung ôn tập, học viên chỉ việc chép lại.

Người của Trung tâm ngoại ngữ Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM vừa là người ôn vừa làm giám thị, đồng thời cũng là người hỏi phần thi nói. Tôi đã chép lại nguyên những gì được ôn cộng với phần trắc nghiệm đánh lụi và đạt với kết quả 57/100 điểm, có chứng nhận đạt trình độ tương đương B1.

Đề thi trúng là do ngẫu nhiên?

Sau khi có kết quả thi, chúng tôi thực hiện một số trao đổi với Trung tâm ngoại ngữ - tin học và nhà trường. TS Nguyễn Thị Ngọc Nga - giám đốc trung tâm (cũng là người ôn phần nghe) - cho rằng "việc đề trùng với phần ôn tập có thể do ngẫu nhiên".

"Chúng tôi hoàn toàn không nói với học viên sẽ bao đậu. Ôn thi nhằm hướng dẫn học viên về cấu trúc đề thi và cách làm bài tốt nhất. Việc để thí sinh chép tài liệu trong phòng thi là do cán bộ coi thi chưa làm tốt nhiệm vụ. Việc thí sinh đang thi nghe đọc được yêu cầu đi thi nói là cách làm chưa đúng và trung tâm sẽ điều chỉnh" - bà Nga nói thêm.

Trong khi đó, PGS.TS Nguyễn Đức Trung - phó hiệu trưởng Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM - cho biết trường hoàn toàn không có chủ trương ôn sao thi vậy để "bao đậu" cho người học. Có thể chuyện vừa rồi là ngẫu nhiên.

"Việc đảm bảo đầu ra là có, khi học viên không đậu sẽ được ôn tập và thi đến khi nào đạt, chứ không phải bao đậu. Tuy nhiên, những phản ảnh này trường cũng phải nhìn lại để việc đào tạo ngoại ngữ có chất lượng. Trong thời gian ngắn sắp tới, trường sẽ thực hiện mua bộ đề độc lập, bố trí camera phòng thi, giảng viên có thể ôn nhưng độc lập với việc ra đề" - ông Trung cho biết.

Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM được Bộ GD-ĐT cấp phép đào tạo và cấp chứng chỉ tiếng Anh tương đương B1 từ năm 2017. Năm 2018, chuẩn đầu ra mới dành cho sinh viên ĐH chính quy của trường có chứng chỉ tương đương B1 do trường cấp.

Chứng chỉ tương đương B1 cũng được đưa vào diện miễn thi tiếng Anh đầu vào thạc sĩ cùng với các chứng chỉ khác. Trong đợt tuyển sinh thạc sĩ tháng 4-2019, Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM có 313/434 thí sinh được miễn thi môn ngoại ngữ.

Nhập nhằng cấp chứng chỉ ngoại ngữ B1 vì từ "certificate" Nhập nhằng cấp chứng chỉ ngoại ngữ B1 vì từ 'certificate'

TTO - Nhiều thí sinh sắp thi cao học tại các trường thành viên thuộc ĐH Huế phản ảnh rằng họ bị ban đào tạo từ chối công nhận chứng chỉ ngoại ngữ B1 dù chứng chỉ này vẫn còn giá trị 2 năm.

MINH GIẢNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên