06/01/2014 08:33 GMT+7

Obama và những thách thức năm 2014

THANH TUẤN
THANH TUẤN

TT - Chuyên cơ Air Force One của tổng thống Mỹ trở lại Washington DC hôm qua. Ông Obama trở lại với những thách thức đang chờ đợi ông trong năm 2014.

l5gaLCx1.jpgPhóng to
Ông Obama (trái) đánh golf với Thủ tướng New Zealand John Key trong kỳ nghỉ tại Hawaii - Ảnh: Reuters

Sau hơn hai tuần nghỉ ngơi với đánh golf và tiếp bạn bè cũ ở quê nhà, nơi vùng biển ấm Hawaii, ông Obama trở lại với giá lạnh của thủ đô, nơi vừa trải qua trận bão tuyết lớn và đợt rét kỷ lục.

Với tỉ lệ ủng hộ xuống thấp gần mức kỷ lục (của cá nhân) 40% và luôn trong tình trạng “chiến tranh lạnh” với Quốc hội, tổng thống Mỹ cần một số chiến thắng sớm trước khi đưa ra thông điệp liên bang vào cuối tháng này.

Hi vọng hợp tác lưỡng đảng?

Thử thách đầu tiên của ông ở năm thứ 6 cầm quyền sẽ là tạo dựng bầu không khí hợp tác giữa hai phe Dân chủ - Cộng hòa sau mấy năm liên tục căng thẳng đấu đá. Năm 2013 chính phủ thậm chí đóng cửa suốt 16 ngày vì bất đồng ngân sách, còn Nhà Trắng hầu như không đẩy được chính sách quan trọng nào tại Quốc hội. Nhà Trắng hi vọng thỏa thuận ngân sách hiếm hoi hồi tháng 12-2013 có thể tạo được đà hợp tác giữa hai bên. Ngoài ra, các quyết định đối với chương trình nghe lén của NSA hay việc rút quân Mỹ ở Afghanistan cũng mang tính quyết định đối với ông Obama.

Bao trùm lên tất cả lúc này chính là cuộc bầu cử giữa kỳ vào tháng 11 năm nay. Đây là cơ hội cuối cùng để tổng thống Mỹ có thêm các đồng minh Dân chủ tại Quốc hội để có thể giúp ông thúc đẩy các chính sách của mình. Ngược lại, với phe Cộng hòa, cuộc bầu cử này cũng có thể là cơ hội để sớm biến ông Obama thành tổng thống “vịt què” trong hai năm cuối cùng ở Nhà Trắng.

Con bài chủ chốt của cả Nhà Trắng và các nghị sĩ lúc này là đạo luật cải cách y tế đang được triển khai của tổng thống. Bê bối xung quanh website đăng ký bảo hiểm từ lúc triển khai đến giờ đã được giải quyết phần nào, số lượng người đăng ký đã tăng lên. Nhưng với khoảng 2 triệu người đăng ký bảo hiểm qua mạng, chương trình cải cách y tế mới của ông Obama còn xa mới đạt được mục tiêu 7 triệu người đăng ký vào cuối tháng 3. Thất bại của việc triển khai đạo luật này sẽ khiến phe Dân chủ khó khăn thêm trong cuộc bầu cử giữa kỳ.

Nhà Trắng hiện vẫn hi vọng thỏa thuận ngân sách hiếm hoi tháng trước có thể tạo “động lực” cho các dự luật khác. “Chúng tôi hi vọng Quốc hội có thể trên đà này tạo tiến bộ đối với các (dự luật) ưu tiên khác mà hai bên có quan điểm chung” - AP trích lời Josh Earnest, người phát ngôn của ông Obama.

Thử thách trần nợ

Sẽ không phải chờ đợi lâu để kiểm nghiệm điều này khi các tranh luận liên quan tới tiền trợ cấp của người thất nghiệp, chi tiêu ngân sách và vấn đề trần vay của chính phủ sẽ bắt đầu trong vài tuần tới. Nếu cả ba vấn đề này đều được giải quyết không gặp trục trặc gì, Nhà Trắng có thể hi vọng một không khí cởi mở hơn cho tổng thống theo đuổi các ưu tiên khác như thay đổi chính sách về nhập cư hay vấn đề tăng lương tối thiểu khó khăn hơn nhiều.

Một vấn đề khác có khả năng gây căng thẳng hai đảng Dân chủ và Cộng hòa sẽ là thỏa thuận về trần nợ. Trong thỏa thuận mở lại chính quyền sau 16 ngày đóng cửa hồi tháng 10-2013, Quốc hội tạm thời bỏ quy định trần nợ 16.000 tỉ USD. Nhưng trần nợ này chỉ được hoãn tới cuối tháng 2 hoặc đầu tháng 3 và Quốc hội sẽ phải sớm phê chuẩn hạn mức trần nợ mới. Cho đến nay Tổng thống Obama tuyên bố ông sẽ không đàm phán vấn đề trần nợ này (vốn chỉ là vấn đề thủ tục nhưng thường bị phe Cộng hòa lôi ra để buộc Nhà Trắng nhượng bộ cắt giảm ngân sách). Phe Cộng hòa được cho là sẽ bàn kế sách về vấn đề này trong cuộc họp đảng vào cuối tháng.

Ngoài vấn đề tài khóa, tổng thống Mỹ sẽ phải ra quyết định về những thay đổi ông muốn với chương trình nghe lén của Cơ quan tình báo NSA đang bị chỉ trích kịch liệt. Dự kiến các thay đổi này sẽ được công bố trước khi ông đọc thông điệp liên bang vào cuối tháng này. Tổng thống Mỹ đồng thời phải đưa ra quyết định về tương lai của quân đội Mỹ ở Afghanistan. Tổng thống Afghanistan Hamid Karzai đến giờ vẫn chưa ký vào thỏa thuận an ninh song phương với Mỹ - cơ sở để quân đội Mỹ có thể tiếp tục ở lại Afghanistan sau năm 2014. Nhà Trắng đã hi vọng thỏa thuận này được ký trước ngày 1-1 vì nếu không có một thỏa thuận mới, quân Mỹ sẽ buộc phải lên kế hoạch đưa toàn bộ quân đội về nước.

“Chúng ta chỉ còn vài tuần, chứ không phải vài tháng” - người phát ngôn của Hội đồng An ninh quốc gia Caitlin Hayden nói về tình hình tại Afghanistan.

THANH TUẤN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên