01/07/2018 13:10 GMT+7

Ở Philippines, ngồi hóng mát có khi cũng bị hốt về đồn cảnh sát

HỒNG VÂN
HỒNG VÂN

TTO - Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte lại khuấy động một chiến dịch mới đầy tranh cãi khi yêu cầu lực lượng cảnh sát bắt giữ “tambay” - từ địa phương chỉ “người lang thang” - để tránh “những rắc rối tiềm ẩn cho dân chúng”.

Ở Philippines, ngồi hóng mát có khi cũng bị hốt về đồn cảnh sát - Ảnh 1.

Người lang thang bị bắt giam trong nhà tù ở Manila - Ảnh: Al Jazeera

"Chúng tôi muốn mang lại trật tự xã hội và bầu không khí an toàn, thực thi pháp luật bằng việc mạnh tay đối với những "tambay" vi phạm như ở trần, đái bậy hoặc nhậu nhẹt ngoài đường" - Joselito Esquivel, cảnh sát trưởng khu ngoại ô lớn nhất ở Manila, nói trên tờ Phil Star ngày 29-6.

Bắt người ở trần, nhậu nơi công cộng

Theo tường thuật của tờ Al Jazeera, đa số người bị bắt trong mấy ngày qua là nam giới sống ở những quận cực kỳ nghèo khó và đông đúc ở thủ đô Manila. Tuy nhiên, cảnh sát cũng bắt luôn cả một số phụ nữ và trẻ em mà họ phát hiện không ở trong nhà trong giờ giới nghiêm (từ sau 10h đêm đến 5h sáng).

Trên thực tế tại các khu ổ chuột, rất nhiều người thích ra đường hóng gió hơn trong nhà vì "cái được họ gọi là nhà" rất chật chội. Vào mùa hè, khi trời hầm và nóng bức, những người đàn ông thường cởi áo vắt trên lưng, kể cả ở nơi công cộng, để cảm thấy dễ chịu hơn. Tuy nhiên, những hành vi này giờ đây bỗng nhiên được coi như phạm pháp.

Trong hai tuần qua, hơn 11.000 người đã bị tống giam kể từ khi ông Duterte ra chỉ thị ngày 13-6, tờ Phil Star đưa tin.

Tại đồn cảnh sát chính của quận Novaliches, mỗi đêm có đến 50 "tambay" bị bắt. Người lớn sẽ bị nhốt vào tù, trong khi trẻ vị thành niên phải ký tên vào danh sách của cảnh sát và chờ người thân đến bảo lãnh.

Các tổ chức giám sát nhân quyền đã lên tiếng yêu cầu chấm dứt ngay lập tức chiến dịch trấn áp người lang thang và gọi đó là chiến dịch "chống lại người nghèo".

Cảnh sát Philippines đang tiến hành một chiến dịch phòng chống tội phạm, mà bản chất của nó là bỏ tù những người Philippines nghèo khó vì đã có mặt ở nơi công cộng. Chiến dịch này đe dọa gieo rắc khủng hoảng đối với cư dân ở các cộng đồng có những người bị xử tử trong chiến dịch trấn áp ma túy và đe dọa đến sức khỏe, sự an toàn của những người đang bị bắt giam

PHELIM KINE (phó giám đốc Tổ chức Giám sát nhân quyền khu vực châu Á)

Tranh cãi quanh từ "lang thang"

Cái chết của anh Genesis Argoncillo, 25 tuổi, trong nhà giam của cảnh sát đã làm dấy lên sự phẫn nộ trong dân chúng ở Philippines và là điển hình về tính gây tranh cãi của chiến dịch "tambay".

Ngày 16-6, Argoncillo đang ngồi trên một chiếc ghế dài trước một cửa hàng ngay xóm anh ở thì lực lượng cảnh sát ập đến bắt anh vì ở trần nơi công cộng. Anh bị giam với hơn 130 người đàn ông trong một phòng giam chỉ đủ cho khoảng 6 người.

Hôm sau, em gái Argoncillo gặp lại anh mình khi chỉ còn là một cái xác không hồn. Thi thể Argoncillo bị bầm tím với nhiều thương tích.

Ban đầu, cảnh sát cho rằng Argoncillo có thể đã chết vì ngạt thở trong nhà tù quá tải, nhưng sau đó hai tù nhân tự thú họ đánh chết Argoncillo vì đôi bên cãi nhau.

Jane Azuelo, em gái Argoncillo, đau buồn nói: "Anh ấy bị bắt và chết chỉ vì đang ở trần. Anh ấy thực sự đã phạm tội gì cơ chứ?".

Trước sự căm phẫn của dư luận, ngày 22-6, Tổng thống Duterte đã giải thích về mệnh lệnh của mình và phủ nhận đã chỉ đạo thực hiện các vụ bắt giữ mạnh tay người lang thang.

"Nếu họ (người lang thang) nhậu nhẹt ngoài đường như thể đó là phòng khách của nhà mình, họ sẽ bị bắt" - ông Duterte nói, đồng thời khẳng định chưa bao giờ nói người lang thang là tội phạm và chỉ yêu cầu cảnh sát hỏi thăm vì "hỏi thăm kiểu như: "Anh đang làm gì ở đây?" là quyền của cảnh sát".

Trả lời báo chí vào thứ tư vừa qua, đại diện cảnh sát, ông Esquivel một mực khẳng định chiến dịch không chỉ nhắm đến những người lang thang. "Chúng tôi chỉ bắt những người vi phạm pháp luật như ở trần, nhậu nhẹt hay vi phạm lệnh giới nghiêm".

Trưởng cảnh sát quốc gia Philippines Oscar Albayalde phủ nhận thông tin rằng lực lượng cảnh sát đã hiểu lầm yêu cầu của tổng thống. Ông cũng đã cấm toàn bộ lực lượng sử dụng từ "tambay". 

"Nhưng dù có được gọi bằng từ gì thì thực tế chiến dịch có thể đẩy những con người vô tội và không có ý định phạm tội vào hoàn cảnh bị bắt và giết" - một người dân nói.

Báo Phil Star cho hay từ tháng 11-2017, giờ giới nghiêm ở Philippines là từ 22h đêm đến 5h sáng. Theo thống kê năm 2015, Manila có dân số 12,8 triệu người, mật độ dân số trung bình là 20.785 người/km2.

HỒNG VÂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên