Tiệc lễ gì cũng có hát, không chỉ những đám tiệc “lâu lâu mới có một lần” như cưới hỏi, giỗ chạp… mà nhậu thì phải có nhạc nên có khi chỉ hai “chiến hữu” đối ẩm cũng kêu cho được dàn karaoke nhạc sống.
Dọc các đường làng ngõ xóm, ai cũng dễ dàng bắt gặp những tấm bảng quảng cáo gọi mời, giới thiệu cho thuê dàn karaoke nhạc sống di động. Cung cách làm ăn của các chủ dàn karaoke này rất nhanh chóng, tận tình.
Chỉ cần bấm số điện thoại là có ngay một xe máy kéo phía sau cái rơmooc chất đầy máy móc, nhạc cụ. Giá cả linh hoạt tùy nhu cầu của người thuê và mức độ phong phú, hiện đại của nhạc cụ, máy móc. Cao là 200.000 - 300.000 đồng / giờ ở các đám tiệc hoành tráng, thấp hơn thường khoảng 80.000 đồng/giờ cho các bữa nhậu “cóc ổi”.
Càng uống càng sung và say nên từ hát thành “hét” tạo ra thứ âm thanh hỗn độn, quái dị. Hỗ trợ tích cực cho cái sự “hét” to hơn, vang hơn và chói tai hơn là hệ thống máy tăng âm, loa thùng thuộc loại “khủng” làm người nghe, nhất là người già, ngày nghỉ ngơi không được, đêm mất ngủ, trẻ thì quấy quả khóc thét.
Thầy và trò các trường học cũng chung số phận, hôm nào gần trường có đám hát coi như ngày đó thầy trò được “xả hơi”.
Nhưng phải thừa nhận đây là một nhu cầu giải trí tinh thần có thật của người dân nông thôn, nhất là thanh niên, trong khi “chưa có gì để chơi” thì chuyện ca hát này vẫn còn hay hơn những trò khác tệ hại.
Vậy thì không nên cấm, mà cấm cũng không được, song không thể thả nổi thế này mà cần phải quản lý.
Còn quản thế nào, trách nhiệm thuộc về các cơ quan chức năng. Điều mong ước của người dân ở nông thôn là làm sao bớt khổ bởi sự ô nhiễm tiếng ồn từ những dàn karaoke nhạc sống di động đang hoành hành như hiện nay.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận