04/10/2013 16:36 GMT+7

Ở lớp học "trò nói nhiều hơn… cô"

Ông Nguyễn Hoài Chương (phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM)
Ông Nguyễn Hoài Chương (phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM)

TTO - Lớp học với 36 học sinh chia làm 6 nhóm. Ban cán sự lớp đã được thay bằng chủ tịch hội đồng tự quản, trưởng ban học tập, trưởng ban kỷ luật, trưởng ban ngoại giao và các trưởng nhóm.

3fMdpAqV.jpg

Học sinh lớp 3 chơi trò chơi trong giờ tiếng Việt tại Trường tiểu học Tân Thông, Củ Chi, TP.HCM - Ảnh: L.Trang

Hoàn thành bài, cả nhóm giơ biểu tượng mặt cười. Gặp khó khăn, giơ biểu tượng mặt khóc để “cầu cứu” giáo viên.

Và đây là một buổi học rất khác so với những gì thường thấy ở trường học Việt Nam - lớp học được áp dụng mô hình trường học mới (VNEN) tại Trường tiểu học Tân Thông, Củ Chi, TP.HCM, một trong số 1.447 trường tiểu học được thử nghiệm việc thay đổi hoàn toàn phương pháp dạy và học.

Tiết học sinh động

Mô hình trường học mới đã xây dựng được một lớp học tự quản, bài dạy được thiết kế rõ ràng, khắc phục hiện tượng không đồng đều của giáo viên.

Việc này sẽ giúp phát triển năng lực, năng khiếu và phẩm chất của người học chứ không đơn thuần là truyền thụ kiến thức như trước.

Tuy nhiên cần cẩn thận sự rập khuôn, máy móc, cách tổ chức đọc đồng loạt.

Giáo viên cần biết sử dụng thông minh các phương pháp giảng dạy trong từng tình huống sư phạm cụ thể.

Mỗi góc ở, lớp học đều thật đặc biệt và nhiều thông tin. Bức tường phía trong là “góc cộng đồng” với những tấm hình về người lao động và các ngành nghề. Có bản đồ “đường em đến lớp” trong đó mỗi học sinh sẽ dán hình của mình tương ứng với vị trí nhà mình trên bản đồ. Có rất nhiều hộp thư: hộp thư điều em muốn nói, hộp thư cam kết, hộp thư gửi bạn. Có góc lịch sử, góc địa lý, góc thư viện, góc sản phẩm… Tất cả đều là những công trình tự làm của cô và trò mà không lớp nào giống lớp nào.

"Trò nói nhiều hơn… cô" là không khí những tiết học với mô hình trường học mới. Tiết học toán của lớp 4/4 bắt đầu với không khí gần giống với một tiết… ngoại khóa. Ghép đôi hai dãy bàn, từng nhóm học sinh ngồi quay mặt lại với nhau. Có tất cả 6 nhóm, mỗi nhóm có một cái cây ghi tên nhóm đặt giữa bàn. Một chiếc sọt nhỏ đựng dụng cụ học tập riêng của nhóm: bút lông, bút màu, thước kẻ, miếng xốp xóa bảng… Mỗi nhóm có hai biểu tượng mặt cười và mặt khóc do giáo viên làm bằng bìa cứng hoặc tấm xốp, sử dụng trong giờ làm bài tập.

Trưởng ban học tập bước lên bục giảng và hỏi: “Mình có một trò chơi thay chữ bằng số. các bạn có muốn chơi không? Mời các bạn lấy dụng cụ cho nhóm của mình”.

Học cụ là những tờ bìa màu vàng có in sẵn các con số và con dấu để học sinh ghép lại thành phép cộng thích hợp. Các bạn nhỏ chụm đầu thảo luận. Thảo luận xong thì chụm tay lại, cùng hô “Yeah!” và giơ biểu tượng mặt cười.

sopHYT2W.jpg
Giờ học toán với mô hình trường học mới tại lớp 4/4, Trường tiểu học Tân Thông, Củ Chi, TP.HCM - Ảnh: L.Trang

Nhóm nào làm xong nhưng chưa tự tin vào đáp án của mình thì gọi cô giáo bằng cách đưa biểu tượng mặt khóc. Lúc này, giáo viên tới gần nhóm giúp học sinh thảo luận về đáp án.

Một học sinh khác luân phiên lên điều khiển hoạt động các nhóm: “Các bạn đã làm xong. Bây giờ mời ban ngoại giao đi kiểm tra đáp án”.

Giáo viên nhận xét về kết quả của cả 6 nhóm, có lời khen cho nhóm làm nhanh nhất và nhắc “nhóm hai cố gắng để lần sau có kết quả nhanh hơn nhé”.

Tiết học “Tính chất giao hoán của phép cộng” đã trôi qua nhẹ nhàng như thế.

Tiết tiếng Việt ở một lớp khác. Giáo viên yêu cầu học sinh điền từ vào chỗ trống. Nhóm nhanh nhất là nhóm nghĩ ra đáp án, viết vào tấm bảng hình chiếc lá và chạy lên đính lên bảng bằng một miếng dán nam châm. Không khí thi đua sôi nổi khi nhóm nào cũng muốn viết nhanh và đẹp để dành phần thắng. Cả những học sinh ngày thường rất nhút nhát khi giơ tay phát biểu nhưng khi sinh hoạt nhóm lại tự tin hẳn lên và tham gia điền từ cùng các bạn.

Cô giáo không điều khiển mà giao cho một bạn lên tổ chức cho cả lớp đọc bài đọc trong sách tiếng Việt. Nhóm này đọc xong một đoạn thì nhóm kế tiếp phải theo dõi để đọc tiếp đoạn tiếp theo. Cô giáo hướng dẫn cách ngắt, nghỉ giữa câu sao cho diễn cảm. Thỉnh thoảng, giáo viên đến gần một nhóm cuối lớp và hỏi một bạn: “Con hãy chỉ cho cô xem bạn đang đọc đến đâu rồi?”. Cách làm này đòi hỏi tất cả học sinh phải chú ý theo mạch của bài đọc.

PjlOSTkM.jpg
Một tiết học với mô hình trường học mới VNEN tại Trường tiểu học Tân Thông, Củ Chi, TP.HCM - Ảnh: L.Trang

Làm sao với lớp đông học sinh?

Đổi mới phương pháp giảng dạy là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của ngành giáo dục nhằm thay đổi cách học đọc - chép và thụ động. Vấn đề là thay đổi cách nghĩ, quan điểm của hầu hết giáo viên vốn đã quen với cách dạy truyền thống.

Cô Lê Thị Châu, giáo viên chủ nhiệm lớp 3/5, trường tiểu học Tân Thông cho biết: “Sau một năm thực hiện mô hình trường học mới, điều dễ thấy nhất là học sinh trở nên rất tự tin, nắm bắt kiến thức rất tốt và có tính tự giác cao. Trong mỗi nhóm, giáo viên sẽ đan xen nhiều đối tượng để các em giúp đỡ lẫn nhau. Tất nhiên phần chuẩn bị của giáo viên phải rất kỹ, giáo viên phải vất vả hơn, làm nhiều học cụ cho giờ dạy thật sinh động để giúp tất cả các em ham thích”.

Dễ nhận thấy đa số học sinh của trường rất tự tin khi nói trước đám đông. Trong lớp mỗi em đều có cơ hội thể hiện sở trường, cá tính của mình. Điều đặc biệt là so với nhiều trường tiểu học khác thì trường Tân Thông có số lượng học sinh bị cận thị rất ít. Mỗi giờ học trôi qua trong niềm vui thích của học trò khi được vận động, chơi các trò chơi, xung phong làm bài tập, giao lưu với các bạn khác… Giáo viên chủ yếu quan sát, hướng dẫn những kỹ năng cơ bản. Việc tổ chức các trò chơi, ra hiệu lệnh, kiểm tra lẫn nhau và nhận xét bài học là của học sinh.

gMZljPnJ.jpg
Giờ học toán với mô hình trường học mới tại lớp 4/4, Trường tiểu học Tân Thông, Củ Chi, TP.HCM - Ảnh: L.Trang

Tại hội thảo Triển khai áp dụng tinh thần mô hình trường học mới VNEN vào trường tiểu học tại TP.HCM sáng 4-10, đại diện phòng giáo dục 24 quận huyện và hiệu trưởng gần 100 trường tiểu học trên địa bàn thành phố đã dự giờ những tiết học theo mô hình mới này.

Bên cạnh mặt tích cực của mô hình, nhiều đại biểu cũng băn khoăn với dự án mở rộng mô hình này ở TP.HCM.

Cụ thể, tại thành phố đông dân này, những lớp học với sĩ số chuẩn 35 học sinh/ lớp chỉ có thể đếm trên đầu ngón tay. Mô hình này sẽ khó ứng dụng ở những lớp học có 45 – 50 học sinh hoặc hơn. Học sinh sẽ dễ nói chuyện, thiết tập trung khi được ngồi theo nhóm. Sách giáo khoa thực nghiệm còn mới mẻ, chưa thể thay đổi thói quen của giáo viên trong ngày một ngày hai. Những hoạt động của ban, tổ có mang yếu tố… quyền lực, đôi lúc đánh mất sự hồn nhiên con trẻ…

Trong thời gian tới, các quận, huyện tại TP.HCM sẽ đăng ký thí điểm mô hình trường học mới. Theo đó, nhà trường sẽ làm việc với phụ huynh và giáo viên trong học kỳ I này, đồng thời đăng ký thí điểm, nhận tài liệu để chuẩn bị cho việc thí điểm vào năm học 2014 - 2015.

Dự án mô hình trường học mới VNEN (viết tắt của chữ “trường học mới Việt Nam” theo tiếng Tây Ban Nha) được triển khai trong ba năm (từ 2012 đến 2015)

Dự án dựa trên mô hình khởi nguồn từ Colombia những năm 1995, hướng đến việc tạo ra một môi trường giáo dục phù hợp với học sinh ở các vùng miền khó khăn.

Đặc trưng của mô hình này là chuyển đổi hình thức dạy học từ chỗ giáo viên truyền thụ kiến thức sang việc học sinh tự giác, tự học, lấy học sinh làm trung tâm.

Đã có 1.447 trường tiểu học tại Việt Nam thử nghiệm giảng dạy mô hình này.

____________

Tin bài liên quan:

Đổi mới giáo dục: hãy bắt đầu từ nhà giáoƯu tiên đổi mới giáo dụcĐừng để đổi mới chỉ là hình thứcNăm học 2013-2014: Dạy học phát triển năng lực

Ông Nguyễn Hoài Chương (phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên