05/09/2013 07:55 GMT+7

Năm học 2013-2014: Dạy học phát triển năng lực

TRỊNH VĨNH HÀ thực hiện
TRỊNH VĨNH HÀ thực hiện

TT - Bộ GD-ĐT cho biết từ năm học này, bộ sẽ điều chỉnh nội dung dạy học theo hướng phát triển năng lực của học sinh, rèn luyện cho học sinh năng lực vận dụng kiến thức nhằm giải quyết các vấn đề trong học tập và thực tiễn.

yLWebC1u.jpgPhóng to
Học sinh Trường tiểu học An Xuyên, xã An Xuyên, TP Cà Mau trong ngày khai giảng năm học mới (ảnh chụp sáng 4-9) - Ảnh: Hoàng Thạch Vân

Bộ GD-ĐT điều chỉnh nội dung dạy học theo hướng tăng cường tích hợp ở bậc học thấp và phân hóa, định hướng nghề nghiệp ở bậc học cuối cấp phổ thông. Mở rộng áp dụng các phương pháp dạy học tích cực...

Bàn về các câu chuyện này, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển cho biết:

- Năm học này, Bộ GD-ĐT sẽ tiếp tục chỉ đạo điều chỉnh nội dung dạy học theo hướng tinh giản hơn, chuyển dần sang hướng dạy học phát triển năng lực (làm được gì) của học sinh.

Cụ thể, sẽ triển khai việc dạy học theo các chủ đề liên môn, coi đây là bước đi tiến tới xây dựng các môn học tích hợp, đồng thời với việc giảm số lượng môn học bắt buộc ở mỗi cấp lớp và rèn luyện học sinh năng lực vận dụng kiến thức tổng hợp vào giải quyết các vấn đề trong học tập và trong thực tiễn; tăng cường tổ chức các hoạt động nhằm giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống cho học sinh các cấp.

Cùng với thực tiễn dạy học, Bộ GD-ĐT sẽ thúc đẩy nhanh việc chuẩn bị các điều kiện cụ thể để triển khai đổi mới nội dung chương trình, phương pháp dạy học, phương pháp kiểm tra, đánh giá để tạo nên chuyển biến tích cực và thực chất hơn về chất lượng giáo dục phổ thông.

Tuy nhiên, trong nhiều vấn đề bất cập cần khắc phục, điều chỉnh và chuyển hướng dần để đáp ứng ngày càng tốt hơn mục tiêu giáo dục, Bộ GD-ĐT xác định việc đổi mới cách thức tổ chức dạy học, đổi mới phương pháp dạy học là một trong những vấn đề then chốt. Một chương trình tốt, điều kiện dạy học tốt chưa thể tạo nên chất lượng nếu không đầu tư vào con người. Cụ thể ở đây là thầy và trò với việc đổi mới cách dạy và cách học.

* Có phải với quan điểm này nên năm học 2013-2014, Bộ GD-ĐT sẽ triển khai mô hình trường học mới ở gần 2.000 trường tiểu học và mở rộng việc áp dụng các phương pháp dạy học tích cực đối với các cấp học phổ thông, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm của năm học này?

- Việc tổ chức dạy học theo mô hình mới ở 1.447 trường tiểu học được dự án hỗ trợ và 200 trường tự nguyện triển khai vào năm học này là khởi đầu việc đổi mới đồng bộ mục tiêu giáo dục, cấu trúc chương trình, cách thức tổ chức giáo dục và kiểm tra đánh giá học sinh.

Trước đây các trường chỉ tập trung cung cấp kiến thức, thì với mô hình này, cách tổ chức dạy học này sẽ hướng tới việc rèn năng lực cho học sinh, giúp học sinh biết cách chủ động học theo nhóm và tự học, vận dụng kiến thức vào thực tiễn, hình thành năng lực tự quản bản thân và tự quản tập thể (theo nhóm, lớp).

Mô hình trên cũng coi trọng việc đánh giá học sinh trong cả quá trình, động viên những học sinh học tốt, giúp đỡ kịp thời học sinh gặp khó khăn.

Việc đánh giá cũng tập trung đánh giá việc học sinh làm được điều gì qua học chứ không phải xem các em học được cái gì, được truyền thụ kiến thức gì. Với yêu cầu đổi mới kiểm tra đánh giá này, giáo viên sẽ không ứng xử với học sinh theo cách đồng loạt mà có thể quan tâm, phát huy năng lực riêng của từng học sinh.

* Việc đổi mới phương pháp dạy học không phải vấn đề bây giờ mới bàn mà đã được đặt ra hơn thập kỷ qua. Rất nhiều chỉ đạo về việc này nhưng trên thực tế, việc đổi mới phương pháp dạy học vẫn chưa vượt trên mức “phong trào”. Vậy với hướng chỉ đạo trên, bộ làm thế nào để việc đổi mới hiệu quả, thực chất?

- Đúng là việc đổi mới phương pháp dạy học không phải nhiệm vụ mới, nhưng trong bối cảnh hiện nay, khi yêu cầu đổi mới giáo dục đang ở trước mắt trong khi có một thực tế phải thừa nhận là một bộ phận giáo viên yếu về phương pháp, vẫn dạy học theo lối mòn cũ, không muốn sáng tạo.

Việc thực hiện mô hình trường học mới và các phương pháp dạy học tích cực hiện tại là coi trọng áp dụng cách thức tổ chức dạy học, tức là nhấn mạnh vào cách làm của công tác quản lý để mở lối cho giáo viên đưa phương pháp vào nhà trường, chứ không chỉ đặt ra mục tiêu, mong muốn như trước đây.

Để các trường thực hiện một cách thực chất, Bộ GD-ĐT chỉ tạo cơ chế, hỗ trợ về điều kiện chứ không áp đặt. Thực tế ở những nơi đã thực hiện các phương pháp dạy học mà Bộ GD-ĐT chỉ đạo thí điểm đều có phản hồi tốt từ người dạy và người học.

Quan điểm của Bộ GD-ĐT là không nôn nóng “phủ kín” những phương pháp đã thí điểm trên toàn quốc mà nơi nào đủ điều kiện thì làm và có thể tùy theo tình hình nhà trường, đối tượng học sinh, đặc thù môn học để áp dụng các phương pháp dạy học khác nhau hoặc từng phần của mô hình nhà trường mới.

Xử lý nghiêm các sai phạm

* Cũng bàn tới vấn đề con người, những năm học qua Bộ GD-ĐT có nhiều văn bản chỉ đạo nhằm đẩy lùi tiêu cực như dạy trước chương trình lớp 1, đổi mới kiểm tra đánh giá đối với học sinh tiểu học, chống lạm thu, hướng dẫn xã hội hóa đúng mục đích... Nhưng trên thực tế tiêu cực vẫn không được khắc phục dứt điểm. Nguyên do vẫn là giáo viên, hiệu trưởng các trường thiếu kiên quyết hoặc đồng tình với sai phạm. Năm học này, Bộ GD-ĐT có thể cam kết đẩy lùi những tiêu cực kéo dài nhiều năm qua không?

- Từ chỗ kiểm tra, đánh giá học sinh tiểu học bằng điểm số 2 lần/học kỳ, Bộ GD-ĐT đã điều chỉnh chỉ cho điểm, xếp loại vào cuối kỳ, cuối năm học. Đồng thời chỉ đạo các trường, giáo viên tăng cường nhận xét, khuyến khích và hỗ trợ học sinh, hạn chế cho điểm.

Mới đây, Bộ GD-ĐT cũng hướng dẫn việc không chấm điểm đối với học sinh mới vào học lớp 1 bên cạnh quy định cấm dạy thêm ở lớp tiểu học học 2 buổi/ngày, cấm dạy trước lớp 1, cấm các trường mầm non dạy chữ hay hướng dẫn học sinh tập tô chữ; những điều chỉnh trong quy định kiểm tra, đánh giá ở trên nhằm tránh tạo áp lực không cần thiết đối với học sinh tiểu học, đặc biệt là lớp 1.

Cùng với đó, trong năm học này những tiêu cực khác như lạm thu, lạm dụng sách tham khảo...

Bộ GD-ĐT đều đã có những văn bản hướng dẫn cụ thể và chỉ đạo các sở GD-ĐT tăng cường thanh tra, kiểm tra. Bộ GD-ĐT cũng trực tiếp kiểm tra không báo trước. Sai phạm được phát hiện sẽ phải xử lý nghiêm khắc.

Nhưng đây là việc đụng chạm tới con người trong khi các trường đều rất thiếu các điều kiện nên rất khó cho người thực thi, vì vậy ngành GD-ĐT rất cần sự phối hợp của phụ huynh học sinh, chính quyền địa phương và truyền thông trong việc tuyên truyền, làm thay đổi nhận thức của chính người dân. Bởi nhiều việc làm trái quy định trong các trường cũng có nguyên nhân từ sự thỏa hiệp của phụ huynh học sinh.

Hình ảnh Trường Sa đến với ngày khai trường

yu6JQVaE.jpgPhóng to
Học sinh Trường tiểu học Lộc Thọ tập dượt mừng khai giảng - Ảnh: V.T.

Nhân lễ khai giảng năm học 2013-2014, ngày 4-9 Trường tiểu học Lộc Thọ (Nha Trang, Khánh Hòa) phối hợp cùng Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Khánh Hòa và nhà báo Trần Minh Ngọc (phóng viên Báo Ảnh TTXVN tại Khánh Hòa) triển khai trưng bày tại khuôn viên trường 70 bức ảnh thời sự nghệ thuật cỡ lớn về đề tài Trường Sa. Thầy Võ Tiến Đạt, hiệu trưởng nhà trường, cho biết rất nhiều học sinh của trường là con cháu cựu chiến binh, quân nhân đã và đang công tác tại các đơn vị quân đội đóng trên địa bàn, trong đó có nhiều người từng hoặc đang chiến đấu, công tác ở Trường Sa.

TRỊNH VĨNH HÀ thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên