22/04/2012 08:18 GMT+7

"Ở chung dưới một bầu trời"

ĐOÀN BẢO CHÂU
ĐOÀN BẢO CHÂU

TT - 64 tuổi, tóc đã bạc trắng và khi được hỏi về Việt Nam, về những trường lớp mình đã đến và giúp đỡ các thầy cô, em nhỏ thì gương mặt của thầy giáo Hasegawa Yoshiharu vẫn bừng lên nguyên vẹn ánh sáng của lòng yêu quý đất nước mà ông đã gắn bó hơn 40 năm.

dzkF7Eg4.jpgPhóng to
Thầy giáo Hasegawa Yoshiharu - Ảnh: Bảo Châu

Những ngày đầu tháng 4, một khu nhà lưu trú của Trường THCS Ngọc Tem, nằm cheo leo trên vùng núi thuộc xã Ngọc Tem, huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum đã chính thức được khánh thành với tổng chi phí gần 500 triệu đồng. Tất cả đều do ông Hasegawa tích cóp dành dụm cùng với những người bạn của mình cũng rất yêu quý Việt Nam.

Hộp phổ tai yêu thương

Trên tấm bảng kỷ niệm khánh thành nhà lưu trú ở Ngọc Tem, người ta đọc thấy những dòng chữ rất khác với lệ thường, không có chức vụ người bỏ tiền ra, cũng chẳng có mức kinh phí, chỉ là những lời chân thành: Các em thân mến. Các em đã sinh ra ở Việt Nam. Chúng tôi đã sinh ra tại Nhật Bản. Tuy đất nước sinh ra của mình thì khác nhau nhưng chúng ta lại ở chung nhau dưới một bầu trời. Chúng ta cùng cố gắng xây dựng tương lai tươi đẹp nhé - Hase (người Nhật, sinh năm 1948).

“Đây không phải là tiền của riêng tôi nên việc ghi lên tên tuổi không cần thiết. Một ngày nào đó, nếu có em học sinh tốt nghiệp Trường THCS Ngọc Tem nói với tôi rằng: Cảm ơn bác! Nhờ bác động viên, cháu cũng đã cố gắng được rồi... thì câu nói ấy đã là tấm huy chương trong lòng tôi rồi!” - ông cho biết bằng tiếng Việt vẫn còn đôi chỗ lơ lớ.

"Tôi vẫn mong muốn trong quãng đời còn lại của mình vẫn có thể tiếp tục học tập, tìm hiểu xã hội Việt Nam và làm những công việc góp phần tạo dựng tình cảm giữa người dân Việt Nam và Nhật Bản"

Ông Hasegawa Yoshiharu

Năm ngoái, khi đọc bài báo “Mang gạo và dưa muối đến trường” (Tuổi Trẻ 7-9-2011), mặc tuổi cao sức yếu, đường sá đi lại khó khăn (20km đường rừng phải đi mất một giờ rưỡi mới đến nơi bằng xe Jeep), ông vẫn nhất quyết lên đến tận nơi để gặp thầy cô và từng em học sinh ở Trường Ngọc Tem. Để rồi sau đó không chỉ bỏ tiền ra xây nhà lưu trú, chính ông Hasegawa còn tự đi mua, tỉ mẩn chuẩn bị rất nhiều nhu yếu phẩm để gửi tặng trường.

Để mua chăn mền cho trường, vợ chồng ông chở nhau vào siêu thị, cố gắng ghi lại cơ sở sản xuất của những loại mền tốt nhất, rồi liên lạc để mua ngay nguồn với số lượng nhiều, nhất quyết không mua hàng trôi nổi bên ngoài. Nước mắm, cá cơm khô mua về được đóng trong thùng cactông khá chắc chắn. Tuy nhiên, ông vẫn lo lắng các bình nhựa sẽ bị vỡ vì đường dằn xóc nên cặm cụi ngồi dán băng keo kín các mép của hơn 30 thùng giấy trước ngày chuyển hàng lên xe.

Trong số thực phẩm ông Hasegawa gửi tặng Trường Ngọc Tem có một món rất lạ: phổ tai. Ông lý giải: “Phổ tai là món ăn quen thuộc với người Nhật, rất tốt cho sức khỏe. Hơn nữa, phổ tai là đồ khô nên nhẹ, rất dễ vận chuyển lên miền núi”. Sợ mọi người trên đó sẽ ăn không quen, không biết cách nấu, ông đã tự mình vào bếp nấu và thức canh suốt từ 5g chiều đến 12g đêm để có được một nồi phổ tai với cá cơm khô làm mẫu. Cho món này vào tủ lạnh để đông cứng lại, sau đó ông đã gửi đi kèm theo bảng hướng dẫn cách nấu, cách ăn bằng tiếng Việt rất chi tiết.

Thậm chí ông còn nghĩ đến cả việc các em cắt phổ tai sẽ bị đứt tay nên cẩn thận gửi kèm luôn một hộp băng keo cá nhân. Vẫn chưa hết, tối đó ông còn gọi cho thầy hiệu trưởng để hỏi xem các em ăn có quen không. “May quá, thầy nói là rất ngon, các em ăn thấy thích nên tôi vui lắm!” - ông kể.

Đây không phải là lần đầu tiên ông Hasegawa hỗ trợ cho trường lớp tại Việt Nam. Là một độc giả trung thành của báo Tuổi Trẻ, cứ đọc thấy tin trường lớp ở đâu gặp khó khăn ông lại cắt ra, giữ lại và tìm mọi cách để đến giúp đỡ.

Điển hình như năm 2008, từ bài viết “Cô giáo nghèo và lớp học xóm ve chai” (4-10), ông đã bỏ tiền sửa lớp học tình thương cho cô giáo Đỏ ở Q.7, TP.HCM và năm nào cũng đến thăm, tặng sách giáo khoa, tổ chức tiệc cuối năm, tặng quà cho các em ở đó. Ông còn lặn lội xuống huyện Trà Cú, tỉnh Trà Vinh tài trợ hơn 2.000 bộ sách giáo khoa cho các em học sinh Trường tiểu học Hàm Giang B suốt hai năm qua. Khi được hỏi về lý do của công việc này, ông cho biết: “Tôi không phải là một người giàu có, tôi chỉ là một chiếc cầu nối giao lưu văn hóa giữa những người bạn Nhật Bản với người dân Việt Nam”.

“Việt Nam luôn trong tim tôi”

Đó là lý tưởng mà ông Hasegawa đã theo đuổi suốt 40 năm qua, với một tình yêu có thể gọi là định mệnh với Việt Nam. Những năm đầu của thập niên 1970, phong trào phản đối chiến tranh Việt Nam lan rộng trên toàn thế giới, trong đó có nước Nhật. Một cách tình cờ, ông Hasegawa đã sống rất gần và kết thân với những người bạn Việt Nam yêu nước. Ông nhớ lại: “Lúc đó chúng tôi cùng nhau làm khá nhiều việc, chẳng hạn như chuẩn bị các gian hàng bán món ăn Việt để kêu gọi phản đối chiến tranh trong lễ hội văn hóa, viết tờ rơi nhằm mở rộng dư luận phản chiến trong xã hội Nhật Bản. Qua đó, tôi cảm nhận rất rõ lòng yêu nước của những người bạn này. Tôi cũng muốn đến quê hương của họ để tìm hiểu thêm”.

Tháng 2-1975, khi đang công tác tại Hiệp hội Văn hóa sinh viên châu Á, ông nhận được một lời đề nghị tài trợ chuyến đi đến Việt Nam. Ý thức được rằng tình hình tại Việt Nam vào thời điểm này rất căng thẳng và khó khăn, đặc biệt đối với một người nước ngoài, nhưng chàng thanh niên Hasegawa lúc đó đã bất chấp tất cả. Ông đến Sài Gòn, và cứ thế mỗi sáng học tiếng Việt với một người bạn, chiều đi bộ ra phố quan sát, tìm hiểu cuộc sống người Việt Nam.

Sau hai năm, ông quay về Nhật khi trong lòng vẫn còn rất nhiều khát khao học tập và gắn bó với đất nước này. Kể về thời gian ở Nhật suốt 20 năm sau đó, ông cho biết: “Thời đó tuy tôi có công việc khá ổn định ở Nhật nhưng chỉ là về mặt kinh tế. Về mặt tinh thần, lúc nào tôi cũng hướng về việc tiếp tục học tập, tìm hiểu xã hội ở Việt Nam. Tuy nhiên, tôi cũng cố gắng làm việc ở Nhật để có thể dành dụm được một số tiền cho các hoạt động của mình khi quay lại Việt Nam”.

Năm 1991, ông Nguyễn Đức Hòe - người sáng lập Trường Nhật ngữ Đông Du tại TP.HCM - đến Nhật tìm giáo viên người Nhật và ông Hasegawa là người duy nhất đến Việt Nam. Ông không mua vé máy bay khứ hồi cho chuyến đi Việt Nam lần này của mình và quả thật, hành trình này đến nay vẫn không hề có dấu hiệu kết thúc. 20 năm qua, ông đã sống gần như trọn vẹn là một người Việt Nam, cưới một người vợ Việt đảm đang, nói tiếng Việt trong hầu hết thời gian sinh hoạt của mình. Ngay cả trong công việc, ông cũng luôn tâm niệm vai trò kết nối văn hóa Nhật - Việt rất rõ ràng.

Ông cho biết: “Nơi tôi đầu tư nhiều nhất về tất cả mọi mặt, từ tài lực, thể lực, trí lực là công việc biên soạn từ điển Nhật - Việt”. Bắt tay vào thực hiện từ điển này từ năm 1994 cùng với các người bạn Việt Nam, dù các cộng sự cứ lần lượt thay đổi do ốm đau, mất vì tuổi tác, ông vẫn cứ thế cặm cụi với từng từ, từng chữ, thức đến 2g, 3g sáng mỗi ngày để có thể cho ra mắt một cuốn từ điển Nhật - Việt tương đối hoàn chỉnh và đầy đủ nhất. Không những vậy, trong rất nhiều hoạt động giao lưu văn hóa Nhật - Việt, người ta vẫn thường xuyên thấy cái tên Hasegawa với vai trò biên dịch truyện thiếu nhi, truyện cổ tích Nhật Bản, phiên dịch kịch bản cho các đoàn kịch Nhật Bản đến Việt Nam, tiêu biểu có thể kể đến vở kịch Người tốt Tứ Xuyên của đoàn kịch Tokyo Ensemble gây tiếng vang khá lớn tại Việt Nam năm 2009...

Để rồi hôm nay, khi ngồi trong căn nhà gọn gàng, khiêm tốn ở một con hẻm tại Q.3, TP.HCM, người thầy giáo tóc đã ngả màu bạc trắng này vẫn nói về Việt Nam với một tình yêu trọn vẹn nhất.

Trong một thư ngắn gửi anh Hasegawa Yoshiharu mới đây để trả lời anh một số việc, tôi đã viết: “...Thưa anh, trước hết tôi muốn bày tỏ sự xúc động và sự khâm phục đối với anh, một người mang tấm lòng Nhật nồng ấm và những suy nghĩ thiết thực dành cho học sinh Việt Nam ở nơi núi rừng xa... Về học bổng, đúng là đầu tư chiều sâu rất cần thiết nhưng trong khả năng của mình, anh lo được vài ba học bổng là vô cùng đáng quý rồi anh ạ...”.

Nhà bán trú ở Ngọc Tem, Kon Tum do anh tài trợ toàn bộ vừa xây xong, tôi liền nhậ được thư anh, lá thư thật sự đã làm tôi hết sức bất ngờ và xúc động vì sự tận tình, chu đáo, lo toan của anh. Anh nghĩ về sự giá rét đêm đêm sẽ đến với các em giữa núi rừng và anh vận động bạn bè Nhật giúp áo ấm, chăn màn cho các em. Anh nghĩ về những bữa ăn thiếu chất của các em và anh đã tích cóp mua mắm, dầu, những món ăn Nhật ít tiền nhưng giàu dinh dưỡng gửi cho các em. Anh nghĩ về tương lai xa của các em nên anh vận động học bổng, đầu tư chiều sâu. Anh nghĩ về đời sống tinh thần của các em nên anh đề nghị những sinh hoạt dành cho các em...

Tôi biết anh không giàu có, dư dả gì, làm cái gì, mua sắm cái gì anh đều phải tích cóp, dành dụm. Sức khỏe yếu nhưng anh ít lo cho mình mà lại luôn lo xa cho các em. Anh đặt vấn đề với tôi: “Ngày tết, ngày mưa lũ mình sẽ giúp các em thế nào, gửi đến tận tay các em ra sao...?”.

Khoảng mười năm trước, anh tìm tôi nói về dự án đưa sách đến cho học sinh nghèo, mười năm sau tôi và anh lại bàn về dự án xây nhà lưu trú cho các em học sinh miền núi. Mười năm, tấm lòng Nhật dành cho học sinh nghèo Việt Nam vẫn đậm, vẫn ấm. Có khác là vốn tiếng Việt của anh sau mười năm đầy hơn, đủ hơn, cả nói và viết.

ĐOÀN BẢO CHÂU
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên