18/04/2025 06:06 GMT+7

Nuôi động vật hoang dã làm thú cưng: Hàng càng 'độc lạ' càng dễ lãnh án

Theo quy định, nuôi động vật hoang dã cần phải có giấy tờ chứng minh nguồn gốc và đăng ký với cơ quan chức năng. Thế nhưng một số người vẫn lén lút mua bán, nuôi làm thú cưng và bị xử phạt, kể cả án tù.

hoang dã - Ảnh 1.

Hai con trăn đất mà người dân nuôi làm kiểng tự nguyện giao cho Chi cục Kiểm lâm TP.HCM vào tháng 2-2025 - Ảnh: NGỌC KHẢI

Trên mạng xã hội, việc trao đổi mua bán một số động vật hoang dã như rái cá, khỉ, cá sấu, rùa, trăn, mèo rừng... để làm thú cưng diễn ra khá sôi động. Từ các nhóm công khai đến các nhóm kín trở thành "chợ ảo", mức tiền giao dịch mua bán thú từ vài trăm ngàn đồng đến hàng triệu đồng.

Thú chơi "độc"

Thú săn bắt được mua bán trái phép, mua đi bán lại, có những người do nuôi một thời gian không muốn nuôi nữa nên đem bán. Động vật hoang dã như cá sấu, trăn... được các tay chơi nuôi tại gia làm thú cưng, có khi còn tổ chức offline gặp mặt giao lưu thú chơi "độc" này.

Thậm chí ngay trên vỉa hè, một số loài động vật hoang dã như rùa ba gờ cũng được rao bán cho người nuôi làm thú cưng. Nam thanh niên bày bán nhiều con rùa ba gờ trên vỉa hè đường Tân Kỳ Tân Quý (quận Tân Phú, TP.HCM) chào mời người mua mang về phóng sinh hoặc nuôi.

Giá rùa nhỏ là 180.000 đồng/con, rùa lớn hơn (nặng khoảng 0,5kg) giá là 350.000 đồng/con. Rùa ba gờ thuộc nhóm IIB trong danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm. Khi hỏi số rùa trên bắt ở đâu, người này nói: "Nghe nhiều người nói ở An Giang, Đồng Tháp, bắt ở trong rừng".

Người phụ nữ bán rùa trên vỉa hè đường Tân Sơn (quận Gò Vấp) nói: "Rùa vàng mới kích tài lộc được, phải chọn con to thì kích lộc mới lẹ, dân làm ăn hay nuôi lấy phong thủy, cho công việc người ta may mắn". 

Tuy nhiên thực tế rùa được chào bán là rùa tai đỏ, là loài sinh vật ngoại lai gây hại.

Thời gian qua, một số người tự nguyện giao nộp động vật hoang dã cho Chi cục Kiểm lâm TP.HCM vì lo ngại "thú cưng" sổng chuồng gây hại. 

Nhiều người đều không biết rõ về các quy định của pháp luật liên quan đến loài đang nuôi.

Đơn cử như tháng 2-2025, hai người dân (cùng ở TP Thủ Đức) tự nguyện giao ba con trăn đất (con nặng nhất khoảng 28kg) cho Chi cục Kiểm lâm TP.HCM. 

Hai người này cho biết nuôi trăn từ năm 2021 khi trăn còn nhỏ để làm kiểng, do lo ngại trăn lớn có thể gây nguy hiểm cho người khác nên tự nguyện giao cho kiểm lâm.

Lý giải về một số trường hợp động vật hoang dã như khỉ, cá sấu, chim niệc mỏ vằn, cao cát bụng trắng... xuất hiện ở khu vực dân cư tại TP.HCM thời gian qua, một cán bộ kiểm lâm nhận định có khả năng do ai đó nuôi làm thú cưng, làm cảnh sau đó con vật bị sổng chuồng hoặc do người nuôi không muốn nuôi nữa thả ra ngoài.

hoang dã - Ảnh 2.

Con rùa đặt trên cục gạch mà nam thanh niên rao bán tại vỉa hè đường Tân Kỳ Tân Quý (quận Tân Phú) - Ảnh: NGỌC KHẢI

Coi chừng phạm pháp

Một số người vì đam mê tức thời, không tìm hiểu các quy định của pháp luật nên nuôi động vật hoang dã làm thú cưng, làm kiểng. 

Một cán bộ kiểm lâm cho biết việc mua bán, nuôi động vật hoang dã không có giấy tờ chứng minh nguồn gốc hợp pháp dù là nuôi thương mại hoặc nuôi làm cảnh đều vi phạm pháp luật. Tùy vào tính chất mức độ mà có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc bị xử phạt hành chính.

Tại TP.HCM, thời gian qua cơ quan kiểm lâm đã tiếp nhận và đưa về cứu hộ theo quy định nhiều động vật hoang dã do người nuôi tự nguyện giao nộp, trong đó có cá sấu, khỉ, trăn...

Một số người cho biết nguồn gốc do mua từ người bán ngoài đường, hoặc mua từ người bán trên mạng, hoặc được cho tặng... để nuôi làm thú cưng, làm kiểng. 

Sau khi tìm hiểu các quy định của pháp luật hoặc lo ngại hiểm họa mà con vật đang nuôi có thể tấn công người hoặc mong muốn con vật được nuôi dưỡng, chăm sóc và thả về tự nhiên nên tự nguyện giao nộp cho cơ quan kiểm lâm.

"Người dân không nên mua bán, nuôi trái phép động vật hoang dã, bởi điều này vi phạm pháp luật cũng như tiếp tay cho người buôn bán, săn bắt động vật hoang dã trái phép. 

Bên cạnh đó, động vật hoang dã có bản năng hoang dã có thể tấn công gây hại cho người, hoặc có thể có mầm bệnh, ảnh hưởng đến sức khỏe", cán bộ kiểm lâm khuyến cáo.

Nuôi động vật hoang dã làm thú cưng: Coi chừng lãnh án - Ảnh 3.

Luật sư LÊ TRUNG PHÁT

Luật sư LÊ TRUNG PHÁT (Đoàn luật sư TP.HCM) cho biết theo nghị định 84/2021/NĐ-CP sửa đổi nghị định 06/2019/NĐ-CP các loài như rái cá, rùa, trăn, cá sấu... được xem là động vật hoang dã. Người kinh doanh chúng phải có giấy tờ chứng minh nguồn gốc hợp pháp.

Người nuôi cũng cần phải đáp ứng các yêu cầu về nuôi các loài động vật này theo quy định tại nghị định 84/2021/NĐ-CP. Nếu mua bán, nuôi nhốt không hợp pháp thì tùy mức độ vi phạm mà người có hành vi vi phạm có thể bị xử lý hành chính hoặc xử lý hình sự.

Trường hợp vi phạm ở mức xử phạt hành chính thì mức phạt có thể bị phạt từ 1 triệu đồng đến 300 triệu đồng và áp dụng hình thức xử phạt bổ sung bằng việc tịch thu tang vật vi phạm.

Người nuôi nếu vi phạm các quy định về việc thực hiện ghi chép sổ theo dõi nuôi động vật, thì có thể bị phạt số tiền từ 1 - 2 triệu đồng. Trường hợp xác minh nhận thấy có dấu hiệu hình sự thì có thể khởi tố tội "vi phạm quy định về bảo vệ động vật hoang dã" theo điều 234, tội "vi phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý hiếm" theo điều 244 Bộ luật Hình sự.

"Không phải bất kỳ động vật nào cũng có thể nuôi để làm thú cưng, cần tìm hiểu trước về nguồn gốc loài đó, nếu nuôi thì cần đáp ứng các yêu cầu gì của pháp luật, tránh bị vi phạm pháp luật về sau", luật sư Lê Trung Phát nêu ý kiến.

Bị phạt vì nuôi rái cá rồi mang bán

Ngày 4-4, Chi cục Kiểm lâm TP.HCM vừa phối hợp với Ban quản lý rừng phòng hộ Cần Giờ, Hạt kiểm lâm Cần Giờ, Công ty TNHH MTV Thảo cầm viên Sài Gòn thả con rái cá vuốt bé (nặng khoảng 3,6kg) về rừng phòng hộ Cần Giờ.

Đây là một trong hai con rái cá vật chứng được cơ quan tiến hành tố tụng giao cho Công ty TNHH MTV Thảo cầm viên Sài Gòn tạm thời nuôi, chăm sóc trong quá trình giải quyết vụ án nhưng một con đã chết do bệnh.

Nuôi động vật hoang dã làm thú cưng: Coi chừng lãnh án - Ảnh 4.

Rái cá được chào bán trên mạng xã hội - Ảnh chụp màn hình

Trước đó ngày 22-3-2024, Tòa án nhân dân TP.HCM xét xử phúc thẩm, tuyên y án 1 năm tù đối với N.V.N. (sinh năm 1983, ngụ tỉnh Đồng Nai) về tội vi phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý hiếm.

Theo đó, khoảng tháng 11-2022, N. lên mạng xã hội tìm hiểu, mua hai con rái cá giá 4,5 triệu đồng về nuôi nhốt tại nhà. Đến tháng 6-2023, N. bán hai con rái cá trên giá 16 triệu đồng.

Khi N. đang chờ giao hai con rái cá thì bị công an bắt. Kết luận giám định xác định đây là loài rái cá vuốt bé có tên khoa học là Aonyx Cinereus có tên trong phụ lục I, danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ.

Nuôi động vật hoang dã làm thú cưng: Coi chừng lãnh án - Ảnh 5.Nuôi động vật hoang dã làm thú cưng: Coi chừng phạm luật

Dù nuôi động vật hoang dã như rái cá, khỉ, cá sấu, rùa, trăn, mèo rừng… cần phải có giấy tờ, đăng ký với cơ quan chức năng, thế nhưng một số người vẫn lén lút mua bán, nuôi làm thú cưng, không ít trường hợp vi phạm bị cơ quan chức năng xử lý.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên