Đạo diễn Điệp Văn trao một mái ấm trong chuỗi “100 ngàn - vạn mái ấm” - Ảnh: M.A.
5 năm qua, chương trình đã xây 110 ngôi nhà cho người nghèo (mỗi ngôi nhà trung bình 40 triệu đồng, tổng kinh phí gần 5 tỉ đồng) với sự kết nối của đạo diễn Điệp Văn và cộng sự. Cuộc trò chuyện của anh với Tuổi Trẻ không chỉ về nghề, về xây mái ấm cho người nghèo...
Người nhận hạnh phúc, người cho thêm năng lượng
* Chào anh, tại sao là "100 ngàn - vạn mái ấm"?
- Đó là mức vận động đóng góp 100.000 đồng. "Vạn mái ấm" là mơ ước của tôi cùng với các cộng sự. Trong một dịp tình cờ, thấy người bạn đồng nghiệp cứ loay hoay gọi điện người này đến người khác để xin đủ tiền xây căn nhà tình thương cho một gia đình nghèo.
Tôi thật sự hiểu được tấm lòng đó của người bạn, nhưng tôi lại nghĩ nếu hoàn tất được một ngôi nhà thì ngôi nhà tiếp theo lại phải tiếp tục gọi điện lòng vòng xin quyên góp. Liệu cách này có làm cho mọi người thoải mái không và có duy trì việc thiện lâu dài?
Khoảnh khắc tình cờ ấy đã khiến tôi tìm ra một giải pháp hiệu quả hơn. Tôi muốn làm sao vận động quyên góp từ thiện bằng cách thức nhẹ nhàng, để cho mọi người tự nguyện và không phải suy nghĩ xin tiền người này người kia.
Điều ý nghĩa nhất theo cách làm này là tạo điều kiện thuận lợi cho mọi người, không phân biệt bất cứ ai, từ trẻ em đến người già, từ người giàu đến người nghèo... ai cũng có thể tham gia đến với từ thiện nhẹ nhàng, vui vẻ. Và quan trọng nhất là giúp duy trì thường xuyên hạt giống thiện tâm trong mỗi người, vì mức đóng góp chỉ 100.000 đồng.
* Trong 110 căn nhà anh và chương trình đã làm được, tiêu chí nào anh đặt ra làm chủ đạo?
- Với định hướng rất rõ cho việc xây nhà người nghèo, nên tôi đặt ra tiêu chí khi người nghèo được tặng nhà là ngoài hoàn cảnh gia đình khó khăn, ngôi nhà rách nát, xiêu vẹo, không có điều kiện sửa chữa... điều bắt buộc là gia đình phải làm ăn lương thiện, không cờ bạc, không bạo hành trong gia đình.
Và quan trọng nhất, con cái phải được đến trường (nếu có đứa trẻ nào chưa đến trường, chúng tôi sẽ hỗ trợ học phí giúp trẻ phải được học hành).
Để các trẻ duy trì việc đi học, chương trình luôn có thành viên vệ tinh phối hợp với nhà trường, cùng chính quyền địa phương giám sát, theo dõi. Chính vì vậy, hầu hết các ngôi nhà xây từ chương trình đều có trẻ em được học hành đàng hoàng, ngoan, giỏi.
Bên cạnh đó, chương trình còn mang một ý nghĩa nhân văn nữa mà ai đã từng tham gia một lần đi trao nhà đều thấy ấm áp, thấy vui và nhìn cuộc sống thật đẹp. Đó là những người tham gia chương trình và đóng góp cùng xây nhà, nhiều người chưa hề có nhà riêng cho mình. Ngay cả nhiều sinh viên đang trọ học nhưng vẫn vui vẻ chung tay đi giúp người nghèo.
Người nhận rất hạnh phúc, người cho cũng được tiếp thêm năng lượng, họ thấy cuộc đời ý nghĩa hơn và mầm yêu thương luôn được duy trì một cách nhẹ nhàng từ "100 ngàn".
* Vậy những hoàn cảnh mà anh và chương trình tiếp sức làm nhà sau đó họ có thay đổi cuộc sống?
- Sau khi tặng nhà, chúng tôi vẫn theo dõi cuộc sống mới của họ khi có nhà. Đặc biệt là các thành viên vệ tinh của chương trình ở từng khu vực luôn theo sát thăm hỏi bà con, giúp định hướng tương lai và công việc cho họ.
Ghi nhận của tôi cho thấy đa số họ thay đổi rất nhiều, họ vui hơn, gia đình ấm áp hơn và quan trọng nhất là họ tự tin chăm chỉ làm việc kiếm tiền nhiều hơn.
Các con của họ luôn được các thành viên vệ tinh của chương trình, nhà trường và địa phương thăm hỏi động viên về việc học tập. Nên mỗi ngày năng lượng sống trong gia đình họ đã thật sự thay đổi tích cực. Đúng như câu "an cư rồi mới lập nghiệp".
Năng lượng tuyệt vời từ làm từ thiện
* Là người làm nghệ thuật, hẳn anh sẽ kết nối được nhiều người trong nghề, nhiều giới khác. Họ có cùng anh làm những việc thiện?
- Với chương trình "100 ngàn - vạn mái ấm", chúng tôi được nhiều nghệ sĩ tham gia như đạo diễn Lê Cung Bắc, đạo diễn Vũ Thành Vinh, ca sĩ Hồ Trung Dũng, ca sĩ Võ Hạ Trâm và nhiều ca sĩ trẻ, MC truyền hình... Tất cả họ luôn sẵn sàng hỗ trợ chương trình bằng nhiều hình thức khác nhau.
Tôi quan niệm rằng người nghệ sĩ luôn cần công chúng quan tâm. Nó đồng nghĩa với việc ta cần cộng đồng để minh chứng cho công việc nghệ thuật của ta. Vì thế, việc làm gì đóng góp cho cộng đồng, người nghệ sĩ nên cần phải tiên phong, tận dụng vào sự nổi tiếng hay hình ảnh của mình để kết nối, vận động mọi người cùng tham gia từ thiện.
Đây chính là cách gieo duyên cũng rất nhanh và hiệu quả. Nhưng quan trọng nhất phải thật sự làm bằng cái tâm chính mình, không một mục đích nào khác.
* Vừa rồi, trong đợt hạn mặn ở những tỉnh miền Tây, thấy anh cũng làm "giọt nước nghĩa tình", chương trình đó đã làm được những gì?
- Trong thời gian dịch COVID-19 lây lan cũng là lúc miền Tây kêu cứu vì thiếu nước ngọt. Ở thành phố ta chỉ lo chống dịch nhưng bà con ở nhiều vùng miền Tây thì phải đối diện với nhiều thứ. Có những vùng ngập mặn khiến họ không có nước để uống huống chi là nước sinh hoạt.
Tôi lập tức lập ngay chương trình "Nước sạch tình người". Thông qua Facebook, điều bất ngờ là mọi người khắp nơi đồng cảm, chung tay đóng góp. Từng đợt một tôi vận động xây trạm nước sạch và tặng bồn nhựa chứa nước cho các hộ nghèo.
Cứ như thế sau khoảng một tháng với 5 đợt vận động, chương trình đã xây được 10 trạm nước sạch miễn phí đặt ở mỗi xã và tặng 300 bồn nhựa 500 lít cho các hộ nghèo ở tỉnh Kiên Giang, Trà Vinh và Bến Tre, với tổng kinh phí gần 1 tỉ đồng.
Đạo diễn Điệp Văn trao một mái ấm trong chuỗi “100 ngàn - vạn mái ấm” - Ảnh: M.A.
* Đúc kết qua bao nhiêu năm, anh nghĩ việc làm từ thiện mang lại cho anh điều gì lớn nhất?
- Tôi làm phim từ hơn 25 năm, với vai trò quay phim. Đến năm 2002 tôi mới bắt đầu vai trò đạo diễn. Sản phẩm thì nhiều lắm sau ngần ấy năm, bao gồm 5 MV ca nhạc, cùng các live show, game show, phim...
Bắt đầu năm 2010, tôi tạm gác công việc cũ và chọn các đề tài tâm linh, giáo dục trẻ em để nghiên cứu và đóng góp cho cộng đồng. Năm 2019, tôi chính thức trở lại công việc cũ, sản xuất MV cho ca sĩ, phim quảng cáo và đạo diễn sự kiện...
Mỗi chuyến từ thiện về, tôi luôn có được giấc ngủ ngon và năng lượng sống tích cực trong mình tăng lên. Đó là một thực tế tuyệt vời khó giải thích, nhưng rõ ràng như tôi đã nói, "cho là nhận".
Cũng chính đi từ thiện nhiều mà các tác phẩm của tôi hầu hết mang thông điệp hướng thiện, giáo dục trẻ em và khuyến khích mọi người sống biết cho đi. Nên ở khía cạnh nào đó, từ thiện cũng đang nuôi dưỡng cảm xúc chân thành để tôi làm nghề có chất hơn.
Tôi luôn nói với mọi người, nếu ai chưa từng tham gia đi trao nhà tình thương thì chưa cảm nhận được năng lượng tuyệt vời từ môi trường tập thể này. Chính mỗi chuyến đi đã giúp tôi yêu đời hơn và tiếp cho tôi thêm nhiều năng lượng rất lớn.
Chú trọng vào giáo dục
* Đi nhiều, làm nhiều chương trình, anh thấy người nghèo họ cần được hỗ trợ gì để thoát nghèo bền vững?
- Chỉ có học mới hi vọng đổi đời, nên tôi luôn chú trọng vào giáo dục thế hệ tiếp nối của họ bằng những việc tôi có thể làm.
Mỗi người có thể góp giúp người nghèo
Với các hoạt động từ thiện do anh Điệp Văn làm, tôi rất ấn tượng với ý tưởng mỗi người có thể góp tiền xây nhà cho người nghèo chỉ từ 100.000 đồng.
Nhờ vậy ai cũng có thể góp sức xây ngôi nhà mơ ước cho người khác, giúp họ nuôi dưỡng tâm thiện, lan tỏa nhiều người. Không chỉ công ty đứng ra hỗ trợ chương trình mà các nhân viên của tôi cũng mở lòng đóng góp cùng các chương trình của Điệp Văn.
Vừa rồi, giữa mùa dịch, miền Tây nhiều nơi hạn mặn, Điệp Văn đã nhanh chóng làm chương trình đem nước tới bà con. Phải có sự thao thức với cái khổ của đồng bào anh mới có thể làm được vậy. Đây là điều tôi quý mến.
Ông Đặng Trọng Ngôn (chủ tịch HĐQT Tập đoàn KTG)
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận