Khu đô thị Saint Louis nằm hai bên bờ sông Mississippi và Missouri khá thơ mộng. Du khách đến rồi đi, nhưng đọng lại sâu nhất trong ký ức là Gateway Arch (cổng vòm).
Nước Mỹ, lần đầu trong mắt tôiKỳ 2: Đối mặt 126 triệu mẫu vật
Cổng vào miền Tây
GateWay Arch được tạo từ những miếng thép thẳng có diện tích bằng nhau. Bàn tay tài hoa của nhà thiết kế đã tạo ra một dáng hình và công dụng mới cho những miếng thép. Ngoài, Gateway Arch cứ như là một thanh thép khổng lồ được uốn cong lại hình vòng cung. Trong, Gateway Arch rỗng hoàn toàn và đủ khoảng không gian cho một hệ thống xe điện đưa khách lên đỉnh cao 192m, ngắm cảnh thành phố. Ngày, cổng vòm chỉ là một biểu tượng lạ không đụng hàng của cả nước Mỹ. Đêm, nó như một cầu vồng lấp lánh, lộng lẫy giữa bầu trời.
Gateway Arch còn có tên gọi Cổng vào miền Tây (Gateway to the West), để kỷ niệm việc mở rộng Hoa Kỳ về phía tây. Chính từ cổng vào này chúng tôi đã làm một cuộc hành trình, hướng về miền Tây, tìm về Texas - nơi mà từ thuở niên thiếu tôi đã biết đến qua truyện tranh Luky Luke và bộ phim truyền hình nhiều tập Miền Tây hoang dã (The wild wild west).
7 giờ sáng, Saint Louis vẫn còn chìm trong bầu trời mờ xám. Dù đã từng một lần lái xe rong ruổi đến Texas, nhưng vừa ngồi vào tay lái, anh Đinh Sang, Việt kiều Mỹ đã vài chục năm, vẫn phải bật ngay định vị GPS để đảm bảo… không lạc đường. Đường đến Austin - thủ phủ bang Texas, dài khoảng 1.300 cây số, đồng hồ định vị thông báo thời gian đi dự kiến khoảng hơn 14 tiếng.
Nếu bạn có dự định dạo qua phía tây Hãy lên đường cùng tôi Đó là con đường tuyệt vời nhất Hãy ghé qua đường số 66…
(Lời bài ca Route 66)
Trước đây, Route 66 là một con đường nổi danh thế giới, xa lộ đầu tiên của nước Mỹ, nối liền 8 tiểu bang, bắt đầu từ Chicago, chạy ngang qua Illinois, Missouri, Kansas, Oklahoma, Texas, New Mexico, Arizona và California (chấm dứt ở Los Angeles). Giờ đây Route 66 trở thành đường cổ dành cho dân đi phượt muốn thăm thú những hình ảnh, dấu tích xưa - những bưu điện, cây xăng, quán nhỏ ven đường bị bỏ hoang. Xe chúng tôi đi vào xa lộ Liên tiểu bang 44 - một trong 5 xa lộ được xây dựng để tránh quốc lộ 66 cũ. Tùy đoạn mà có từ 6 tới 12 làn xe ngược xuôi. Ở những đoạn 12 làn xe, có lúc tôi cảm giác như mình bị hoa mắt, những nhánh đường uốn éo như đan vào nhau, những chiếc xe như dàn hàng ngang từ trước lao ập tới…
Đâu rồi hình ảnh cao bồi
Ký ức của con người cũng kỳ lạ, có những vùng đất lần đầu tiên đến nhưng đã có cảm giác quen thuộc. Với tôi, lúc về miền Tây nước Mỹ cũng trong tâm thế đó. Tại sao? Bởi các tập truyện tranh mà tôi đã xem từ nhỏ. Đó là hình ảnh chàng cao bồi gầy còm Luky Luke ngồi trên lưng ngựa cô độc rong ruổi qua những con đường bụi đỏ, trong bối cảnh miền Tây từ mấy thế kỷ trước. Nơi đó có những chuyến tàu hỏa hối hả băng qua vùng hoang mạc, cố trốn chạy những tên cướp bịt mặt, những chiến binh da đỏ mặt vẽ rằn ri, của một vùng đất hoang dã.
Chàng Luky Luke lạc vào thế kỷ 21 này chắc chỉ có nước ghì dây cương đứng bên đường, kinh ngạc nhìn cháu chắt cưõi xe hàng trăm mã lực, nối đuôi nhau phi vun vút. Vẫn còn đó những ngôi sao cảnh sát, nhưng hiếm hoi lắm mới nhìn thấy một xe cảnh sát nhấp nháy đèn làm nhiệm vụ. Mở nhẹ cửa kính tìm cảm giác của chàng cao bồi xưa giữa thiên nhiên: gió rít ào ào cọ xát da mặt gây gây, nhưng chẳng có đám bụi nào cuốn theo sau chiếc xe có hơn trăm con ngựa (mã lực) của chúng tôi.
Xe vào Oklahoma - vùng đất người da đỏ ngày nào. Chẳng còn bóng dáng túp lều nào. Chỉ những ngôi nhà gỗ khang trang ở vùng ngoại ô. Riêng ở khu vực trung tâm, các tòa nhà cao tầng ngạo nghễ, hiện đại đan xen những con đường trên cao chồng chéo lên nhau 3, 4 tầng… Xe qua những cánh đồng. Một màu xanh mát mắt trải dài thay cho hình ảnh đất đá, bụi gai khô cằn trong cảnh phim cao bồi đánh nhau cùng da đỏ. Thi thoảng lắm mới gặp vài chú bò lững thững, còn thường chỉ có những đụn cỏ khô cuộn tròn, to đùng nằm rải rác, để dành làm thức ăn cho súc vật vào mùa đông.
Về miền Tây hôm nay muốn tìm khung cảnh đá núi cằn cỗi mà hùng vĩ hay những hẻm núi nhỏ e rằng phải… tránh xa xa lộ mới có cơ may nhìn thấy. Như một bức ảnh chụp khu vực đá đỏ Sedona, bang Arizona mà tôi xem được trên mạng: một đường bêtông nhỏ quanh co, kề bên một vách núi hai tầng nâu vàng nhô lên từ sa mạc dựng đứng... Chẳng trách gì giới làm phim Hollywood hay chọn nơi này làm bối cảnh để quay những bộ phim cao bồi…
Những nhà nghỉ có gắn sao
Trong phim về miền Tây xa xưa, tôi luôn thấy các chàng cao bồi sau khi làm một hành trình dài thường ghé vào một thị trấn nhỏ, cho ngựa uống nước, còn chủ vào quán rượu, với các vũ nữ nhảy múa trên sân khấu, với các bàn cờ bạc, những cuộc ẩu đả... Trên lộ 44 hôm nay, những “thị trấn nhỏ” nằm rải rác dọc đường. Tại những cây xăng, như Luky Luke ngày xưa, anh Đinh Sang phải tự tiếp “nước” cho chú ngựa trăm mã lực của mình với thẻ tín dụng. Những quán hàng bán thức ăn nhanh, đồ uống và cả hàng bách hóa trên đường có nhiều và cách nhau cũng khá xa. Nhưng độc đáo nhất, trong mắt nhìn của tôi, là những trạm nghỉ khá tiện nghi, phục vụ cho “cao bồi đường xa” hoàn toàn miễn phí.
Tôi cứ nghĩ mình đang bước vào một khách sạn có gắn sao khi lách vào và bước theo vòng xoay cửa kính của trạm nghỉ ở ngay ranh giới giữa hai bang Oklahoma - Texas. Mà cũng giống khách sạn hai sao thật, khi trước mắt tôi là một quầy lễ tân với hai phụ nữ ngồi, mỉm cười chào khách và sẵn sàng giải đáp mọi thông tin. Góc nhà bên phải trưng bày đầy đủ những sản phẩm của Oklahoma, từ những viên đá cuội, quần áo cho đến quả bóng bầu dục, mũ cao bồi… Làm vệ sinh trong các phòng rộng sạch tựa như ờ các trung tâm thương mại xong, chúng tôi ghé qua góc giải khát. Một phút tự phục vụ theo sở thích, mỗi người cầm ngay ly trà hay cà phê còn nghi ngút khói, rồi sà xuống những băng ghế nệm đặt sát tường mà nhâm nhi…
Còn trong phạm vi tiểu bang Texas, chúng tôi ghé vào một ngôi nhà đá to rộng, mặt tiền được thiết kế khá lạ: hình ảnh bánh xe ngựa lớn, với những ô cửa nhỏ xinh xắn, bên trên gắn hàng chữ Safety Rest Area (tạm dịch Khu vực nghỉ an toàn). “An toàn" vì ngoài phòng giới thiệu “lai lịch ngôi nhà”, phòng vệ sinh, còn có cả phòng… tránh bão. Texas là vùng đất hay có bão mà. Bên ngoài nhà là một số chòi lộ thiên khang trang, xây kiên cố, có bàn ăn lớn bằng sắt, với mặt bàn đan lưới, mạ bạc. Như những khách qua đường khác, chúng tôi bày bánh mì thịt nguội, chả lụa, nước suối mua sẵn ra, làm bữa ăn gọn nhẹ. Ăn xong tự thu dọn, cho rác vào thùng, trả lại hiện trường như ban đầu. Ai thích nước giải khát thì bỏ tiền vào máy tự động làm một lon…
Thấy tôi có vẻ thích thú với những “quán bên đường" này, anh Đinh Sang thông tin thêm: tất cả các xa lộ liên bang đều có các khu nghỉ như thế, gọi là Rest Area. Tính trung bình thì cứ từ khoảng 50 đến 100 km, hai bên đường sẽ có những khu nghỉ đối diện nhau (chiều xuôi, chiều ngược). Tại các khu nghỉ đều có những thông tin cơ bản về các thành phố hoặc tiểu bang mà khách lữ hành đang đi qua và sẽ đến…
Quả thật những khu nghỉ miễn phí này làm tôi nghĩ lan man. Tôi nhớ đến châu Âu và chuyện đi tìm những nhà vệ sinh trên đường. Rất trần ai khoai củ mà lại bị thu phí nữa chứ. Rồi tôi lại nghĩ chẳng biết Mỹ có lập ra ban an toàn giao thông gì không, mà sao họ lo cho sự an toàn của khách đi đường thế. Từ chỗ nghỉ ngơi, ăn uống lấy sức cho đến cả phòng tránh bão. Quá cúc cung tận tụy thật!
Một góc miền Tây mới
Ngõ vào Austin xuất hiện dưới bầu trời xanh trong hòa cùng những tia nắng vàng rực rỡ. Liếc nhìn đồng hồ đeo tay, đã… 19g45. Ở đây cũng như một số nơi trên đất Mỹ, trừ mùa đông, ông mặt trời thường đi ngủ muộn, có hôm tới 21 giờ vẫn còn sáng như trời chiều Việt Nam. Là thủ phủ của tiểu bang Texas, ngoài những tòa nhà cao tầng hiện đại, đường sá rộng thoáng từa tựa các thành phố khác, tôi cảm nhận Austin còn là một thành phố rất gần gũi với thiên nhiên. Một thiên nhiên chẳng hoang dã như miền Tây trước đây.
Austin có dòng sông Colorado, nhưng có thêm ba hồ nhân tạo cùng các ngọn đồi thoai thoải phủ màu xanh tươi của hoa lá, cây cỏ rất thơ mộng. Chúng tôi đã leo lên một ngọn đồi nằm ngay trung tâm thành phố, dựa lưng vào cây cổ thụ xòe bóng mát, thích thú ngắm nhìn một tòa nhà có phong cách Phục Hưng, mái vòm bằng cẩm thạch, tường xây bằng các loại đá granite màu hồng. Đó là tòa nhà Quốc hội tiểu bang Texas.
Qua cổng kiểm tra an ninh, chỉ 5 phút chờ đợi, người hướng dẫn (miễn phí) xuất hiện, tự giới thiệu tên: Brandon. Anh vui vẻ đưa chúng tôi lần đi theo hành trình lịch sử của bang Texas. Anh giải thích về những huy hiệu Texas theo sự phát triển từng thời kỳ của tiểu bang. Anh nói thêm về từng bức ảnh chân dung treo ngay sảnh lớn. Đó là những gương mặt đã có công tạo ra một Texas từ vùng đất hoang dã cằn cỗi của miền Viễn Tây thời đầu tiên. Trong đó có Stephen F. Austin, người có công lớn trong việc lập quốc gia Texas non trẻ, nên còn được gọi là "cha đẻ của Texas". Brandon đưa chúng tôi lên lầu thăm nghị trường của các nghị sĩ. Chao ôi bàn ghế khá cũ kỹ - chắc giữ nguyên model của thời xưa. Chỉ có máy nhấn nút biểu quyết và micro trên bàn là dấu tích của nghị trường thời nay…
Qua Brandon, cùng một số thông tin tự tìm hiểu, tôi mới rõ hơn ý nghĩa, phạm vi của hai chữ miền Tây đã nhiều lần thay đổi theo thời gian. Thời của chàng lãng tử Luky Luke có thể lấy dãy núi Appalachian (thuộc miền Đông) làm biên cương phía tây, sau đó nới ra đến sông Mississippi… Còn bây giờ biên cương miền Tây được mở rộng hơn. Để rồi không chỉ tóm gọn một miền Tây mà còn Tây Nam (trong đó có phần đất Texas hiện nay), Tây Bắc, rồi Tây Bắc Thái Bình Dương…
Mà thôi câu chuyện “khảo cổ” miền Tây nước Mỹ xin dành cho các nhà sử, địa. Là một du khách tôi chỉ biết rằng hành trình của mình chỉ như một dải lụa vắt ngang lãnh thổ miền Tây. Dù vậy chuyến đi cũng giúp tôi hiểu rằng: Hết rồi! Hết thật rồi chất hoang dã của miền Viễn Tây ngày xưa mà tôi nhìn thấy trên phim, trên sách. Thay vào đó là một miền Tây hiện đại, hài hòa cùng vẻ đẹp thiên nhiên và lịch sử độc đáo của mình.
Phóng to |
Một “chòi” phục vụ bên ngoài của nhà nghỉ thuộc khu vực Texas |
Phóng to |
Tòa nhà Quốc hội tiểu bang Texas vẫn giữ nét cổ kính như ngày đầu nhưng bên trong cũng đã có chỗ sửa chữa mang nét hiện đại |
Phóng to |
Tòa nhà Quốc hội tiểu bang Texas vẫn giữ nét cổ kính như ngày đầu nhưng bên trong cũng đã có chỗ sửa chữa mang nét hiện đại |
Phóng to |
Phòng họp của Quốc hội tiểu bang Texas vẫn giữ 2 tầng y như ngày xưa và tầng trên dành cho người dân vào trực tiếp “theo dõi “các nghị sĩ của mình |
Phóng to |
Mặt tiền trạm dừng chỉ gợi chút bóng dáng miền Tây ngày trước |
Phóng to |
Bên trong một trạm nghỉ cứ như phòng tiếp tân của khách sạn |
Phóng to |
Một góc thiên nhiên miền Tây hôm nay - Ảnh: L.Đ.T. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận