"Chúng tôi khuyến cáo người dân hãy cảnh giác với bất kỳ vụ nổ mạnh nào vì các hoạt động phun trào của núi lửa vẫn đang tiếp diễn", Ricardo William, quan chức cấp cao tại Cơ quan khí tượng và địa chất, nói với Hãng tin AFP.
Nhà chức trách đã khoanh vùng một "khu vực nguy hiểm" thuộc phạm vi 10km quanh núi lửa East Epi. Khu vực này cách thủ đô Port Vila 68km về phía bắc.
Theo cơ quan khí tượng địa phương, hoạt động núi lửa bắt đầu vào khoảng trước 8h (giờ địa phương, 4h giờ Việt Nam).
Ban đầu, hơi nước bắt đầu quần tụ ở khu vực miệng núi lửa, sau đó, ngọn núi lửa nằm dưới mặt biển bắt đầu phun tro bụi lên không. Tro bụi núi lửa được phun lên cao tới 100m vào đầu ngày 1-2.
Ông Philip Dick, một quan chức địa phương chứng kiến vụ phun trào, cho biết khi núi lửa phun, mặt đất bắt đầu rung lên. Từ xa cũng có thể nhìn thấy khói trên mặt biển rất rõ ràng.
"Sau đó các vụ nổ bắt đầu. Ở các ngôi làng gần đó, người dân vẫn còn nghe thấy mùi hôi của khí sulphur", ông Philip nói.
Hiện mức báo động do ngọn núi lửa này hoạt động là mức 1, nghĩa là báo động nhỏ, mức thấp nhất trong thang báo động gồm 5 cấp.
Người dân ở các đảo Epi và Tongoa lân cận được khuyến cáo nên tránh xa các bãi biển do có thể có sóng thần.
Thông báo cũng nêu mặc dù trung tâm cảnh báo sóng thần trụ sở tại Alaska (Mỹ) không ghi nhận có ngọn núi lửa nào đang hoạt động ở khu vực Vanuatu, "những vụ phun trào như vậy có khả năng gây ra sóng thần".
Hồi đầu tháng 1-2023, Vanuatu, quốc đảo ở Thái Bình Dương, bị rung chuyển bởi trận động đất mạnh 7 độ, với tâm chấn ngoài khơi hòn đảo lớn nhất là Espiritu Santo ở phía bắc quần đảo.
Vanuatu nằm trong "Vành đai lửa" Thái Bình Dương, nơi các mảng kiến tạo va chạm vào nhau, do đó quốc đảo này thường xuyên có động đất và núi lửa hoạt động.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận