Lớp 12A năm học 1989-1990 của chúng tôi rộn ràng trước những ngày chuẩn bị thi tốt nghiệp. Ai cũng phập phồng trong lòng nỗi lo cho kỳ thi sắp đến: Thi khối nào, trường nào, trung cấp, cao đẳng hay đại học?
Thằng Tân - Bí thư Chi đoàn nói: "Thi lần đầu tụi mình không đọ lại học sinh thành phố đâu, một mà chọi cả trăm, cứ thi đại trường nào đó cho có kinh nghiệm rồi năm sau ôn thi lại".
Sau đó đa số những đứa học giỏi nhất lớp tôi chỉ thi cao đẳng, trung cấp.
"Thi thoảng tôi vẫn cho phép mình nhịn ăn để còn biết cảm giác đói khát, để biết còn nhiều mảnh đời ngoài kia đang cần lắm sự sẻ chia, cho dù đó chỉ là nửa cái bánh mì… "
Trương Nhất Vương
Tôi nghĩ thằng Tân nói đúng nên theo lời rủ rê của thằng Chút (bạn thân) thi trung cấp dâu, tằm tơ ở Bảo Lộc (Lâm Đồng) cùng nó cho vui.
Rồi kỳ thi tốt nghiệp đầy lo lắng cũng qua, ngày khăn gói đi thi cũng đã đến. Buổi sáng mẹ dậy sớm nấu một nồi xôi đậu đỏ, phần thì ăn, phần gói để tôi mang theo. Mẹ vét túi dúi vào tay tôi 12 đồng rưỡi.
Tiền xe đã hết 5 đồng mỗi đứa. Xe dừng ăn cơm, mọi người đều xuống vào quán, còn hai đứa tôi mỗi đứa một gói xôi, tay vẫn ôm khư khư cái túi trong đó có bộ quần áo cũ và số tiền còn lại.
Đến Di Linh, chúng tôi ở nhờ nhà một người quen chờ đến ngày lên Bảo Lộc thi. Tôi và thằng bạn đi dạo dưới trời mưa phùn lê thê và lạnh. Ai cũng áo ấm khăn cổ quàng, chỉ có hai đứa tôi phong phanh áo mỏng.
Chúng tôi mua 2 ký chôm chôm - thứ quả lạ mà tôi chưa từng ăn trước đó ngồi ăn hết rồi về. Tối đó tôi lên cơn sốt rét, uống thuốc mà hai ngày sau vẫn không đỡ.
Tôi quyết định bỏ thi vì... không còn tiền. Thằng bạn phải chạy vạy lo được mấy đồng để đưa tôi lên xe về quê. Tôi nóng lạnh suốt hành trình trở về, đói và mệt lả…
Xe dừng ăn cơm. Mọi người xuống hết còn mình tôi nằm lại. Tôi tỉnh dậy khi có bàn tay mát lạnh đặt lên trán. Một Sư cô đang đứng trước mặt hỏi han, rồi chìa ra nửa cái bánh mì, nhẹ nhàng bảo tôi ráng ăn cho khỏe. Tôi rụt tay theo quán tính.
Từ ngày còn bé, tôi đã được ba mẹ dạy không được nhận những gì người ta cho mà chưa được phép, bởi ba mẹ không để tôi phải nhịn đói bao giờ. Nhiều người thấy vậy động viên tôi. Tôi đưa tay đón nhận.
Khoảng khắc ấy, ánh mắt ấy… ánh mắt của Sư cô nhìn tôi vừa nhân từ, trìu mến vừa khích lệ đã theo tôi đến tận bây giờ.
Thú thật, lần đầu tiên trong đời tôi được ăn bánh mì, mùi bơ sữa thơm nồng khiến ruột gan tôi xao xuyến. Tôi đã không có gì trong bụng từ ngày hôm qua. Tôi ăn chậm, mỗi miếng bánh đưa vào miệng là vị ngọt sâu đậm thấm vào lưỡi rồi lan tỏa đến từng chân tơ kẽ tóc.
Có lẽ vì tôi quá đói, vì cảm xúc nhân nghĩa lớn lao, vì tình thương đồng loại giữa con người và con người được gửi gắm trong nửa cái bánh mì mà Sư cô đã san sẻ cho tôi. Tôi khỏe lại nhờ nửa cái bánh mì ấy, đưa mắt tìm sư cô nhưng tuyệt nhiên không thấy. Sư cô đã xuất hiện rồi biến mất nhanh như khi đến.
Tôi xuống xe ở bên kia cầu Bồng Sơn (Hoài Nhơn - Bình Định) rồi đi bộ hơn 10 km về Hoài Ân quê tôi trong bộ dạng của một người hành khất. Gia đình đón tôi như người đã vinh quy bái tổ.
Con đường học hành dang dở, tôi chọn học nghề lái máy kéo, máy ủi rồi đi làm. Năm tháng đã lùi xa, nhiều chuyện trong cuộc đời tôi đã lùi vào dĩ vãng nhưng câu chuyện về nửa cái bánh mì ấy vẫn in hằn mãi trong tâm trí tôi…
Khoảng khắc ấy, nửa cái bánh mì ấy dạy cho tôi cách sống nhân nghĩa ở đời và ghi lòng tạc dạ cho đến lúc chết phải biết "sống là cho không chỉ nhận riêng mình".
Đời tôi long đong lận đận, hết lái máy ủi, sang lái xe tải, xe khách và bây giờ làm giáo viên dạy lái xe. Ở công việc nào, bất cứ nơi đâu, tôi luôn sống thật thà ngay thẳng.
Tôi vừa làm vừa tập viết lách. Công việc dạy lái xe là công việc nặng nề, dạy làm sao để học viên sau khi có giấy phép ra đường không gây tai nạn. Tôi không chỉ dạy về nghề mà chú trọng dạy cả ý thức, dạy tâm, dạy tính, nhất là với các thanh niên trẻ học lái xe.
Chứng kiến nhiều vụ tai nạn, tai nạn nào cũng đau thương mất mát, tôi vô cùng đau xót… Tôi đã viết và cho ra đời cuốn sách: "Đừng để phải nói hai tiếng "giá như" năm 2014.
Sắp tới tôi sẽ tiếp tục ra cuốn sách mới vẫn về an toàn giao thông với mong muốn góp thêm một tiếng nói hy vọng tai nạn giao thông sẽ được kéo giảm và không còn gia đình nào trên đất nước này phải chịu đau thương, mất mát vì tai nạn giao thông…
Tôi vừa đi dạy, vừa để ý, vừa dặn dò các học viên của mình phải biết quan tâm đến gia đình và những người xung quanh.
Gia đình nào khổ nhất, có người già cả, đau yếu bệnh tật, những học sinh nghèo vượt khó, chăm ngoan học giỏi cần được hỗ trợ, giúp người ta được gì thì cố mà giúp, không giúp được chỉ cho thầy, cho những phóng viên viết bài kêu gọi cộng đồng chung tay.
Nhiều hoàn cảnh qua bài viết của tôi đăng trên các báo đã có thêm động lực vượt qua nghịch cảnh vươn lên trong cuộc sống. Tôi đã sống, làm việc, viết lách như vậy và nguyện sẽ không bao giờ dừng lại cho đến khi nào còn có thể.
Cuộc đời đã cho tôi nhiều người thầy lớn, nhiều ân nhân đã giúp đỡ tôi bằng cách này hay cách khác nhưng bài học nhân nghĩa từ nửa cái bánh mì ngày xưa ấy đã ăn sâu vào máu thịt tôi.
Mời bạn tham gia viết bài 'Những ký ức đẹp'
Điều gì đã đọng lại trong bạn để trở thành ký ức không thể quên? Gợi nhớ ký ức không phải là khơi lại đống tro tàn. Ký ức đôi khi là hành trang, là chiêm nghiệm... để ta bước tiếp với đôi chân vững chãi. Có những ký ức rất đẹp, cũng có những ký ức khi hồi tưởng lại, ít nhiều trong chúng ta vẫn còn cảm thấy "nợ" người trong cuộc.
Nhằm ghi lại những câu chuyện của chính bạn hoặc của người khác nhưng gây nhiều xúc động trong bạn, Tuổi Trẻ Online kính mời bạn viết bài với chủ đề 'Những ký ức đẹp' cho chuyên mục Bạn đọc làm báo.
Bài viết không giới hạn về thể loại bao gồm: văn xuôi, văn vần, thơ, vè... dài tối đa 1.200 từ (có thể kèm clip, hình ảnh). Những bài viết khi đăng sẽ được trả nhuận bút.
Mọi thư từ, bài viết xin vui lòng gửi về: nhungkyucdep@tuoitre.com.vn hoặc dandt@tuoitre.com.vn. Thông tin bạn đọc, tài khoản... xin ghi rõ dưới bài viết. Chân thành cảm ơn!
TUỔI TRẺ ONLINE
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận