TS Chu Thị Xuân (thứ hai từ trái qua) trong một hội nghị quốc tế - Ảnh: C.L.
TS Chu Thị Xuân (35 tuổi, Viện Đào tạo quốc tế về khoa học vật liệu (ITIMS) Trường ĐH Bách khoa Hà Nội) là người đam mê nghiên cứu cảm biến sinh học, công nghệ vi lưu và công nghệ nano.
Lúc còn học THPT, chị Xuân đã nuôi ước mơ du học. Do đó, dù cấp III học tiếng Nga nhưng khi vào ĐH, chị theo học tiếng Pháp với chuyên ngành vật lý hạt nhân Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐH Quốc gia Hà Nội) để có cơ hội xin học bổng.
“Tôi muốn chứng minh rằng khoa học không phải là một ngành nghề khô khan. Tôi vẫn làm khoa học với cái đầu lạnh và một trái tim nóng, một trái tim luôn hướng tới cộng đồng
TS CHU THỊ XUÂN
Luận văn được cấp bằng sáng chế
Tốt nghiệp ĐH, chị được cấp học bổng sau ĐH tại ĐH Paris 11 (Pháp) chuyên ngành công nghệ nano. Hoàn thành chương trình cao học, chị tiếp tục học tiến sĩ tại ĐH Công nghệ Compiegne (Pháp). Thời gian này, chị công bố 2 bài báo quốc tế ISI. Nội dung luận văn của chị cũng được cấp 2 bằng phát minh sáng chế.
TS Chu Thị Xuân kể: "Sáng chế của tôi là nghiên cứu về hệ vi lưu để chế tạo hạt nang và đo tính chất của màng hạt nang. Hiện nay, hạt nang được ứng dụng rộng rãi trong nhiều lĩnh vực như nước xả vải, nước hoa hoặc trong thực phẩm.
Hạt nang được dùng để bảo quản mùi, vị cũng như chất hoạt tính. Trong lĩnh vực chế tạo thuốc, ngoài tác dụng bảo quản chất hoạt tính trong thuốc, người ta còn điều khiển được vị trí hạt thuốc đi vào cơ thể thông qua việc điều khiển kích thước hạt. Việc giải phóng chất hoạt tính bọc trong hạt nang được thực hiện thông qua tính toán, điều khiển tính chất của màng bao quanh".
Về dự định tương lai cho sáng chế của mình, chị Xuân bộc bạch: "Hiện tại, với nghiên cứu này cần máy móc đắt tiền mà điều kiện nghiên cứu trong nước chưa cho phép. Vì vậy, tôi đã xin được một dự án ở Ý cho mua thiết bị để nghiên cứu và hi vọng sẽ có thêm nhiều đề tài nghiên cứu khác".
Vẫn nụ cười tươi tắn, chị nói thêm: "Việc liên kết với các nhà khoa học nước ngoài vô cùng quan trọng. Chính vì vậy, dù quay về Việt Nam, tôi vẫn giữ liên lạc thường xuyên với các thầy cô ở nước ngoài".
Hướng tới cộng đồng
Năm 2012, TS Chu Thị Xuân về Việt Nam và công tác tại ITIMS. Tại đây, chị thực hiện các nghiên cứu liên quan đến lĩnh vực của mình và tham gia nhiều đề tài khoa học.
Khi được hỏi lý do quay về, chị chia sẻ: "Thời gian học tập và nghiên cứu ở nước ngoài với tôi như vậy đủ rồi. Mặc dù bên đó tôi có rất nhiều bạn bè, đồng nghiệp, nhưng không hiểu sao lúc nào tôi cũng thấy cô đơn. Quan trọng hơn cả là ở Việt Nam đang có người chờ mình".
Đến nay, TS Xuân có 30 bài báo ISI và báo cáo tại các hội nghị trong nước và quốc tế; thành viên nghiên cứu trong đề tài nghiên cứu cấp bộ, đề tài Nafosted; chủ nhiệm một đề tài cấp trường, hai đề tài Nafosted, một đề tài của Ý; hướng dẫn hai học viên cao học và sáu sinh viên quốc tế...
Ngoài ra, chị cũng kết hợp với nhóm nghiên cứu của PGS.TS Mai Anh Tuấn - trưởng phòng thí nghiệm công nghệ vi hệ thống và cảm biến ITIMS - về cảm biến sinh học (biosensors).
Làm khoa học đã khó, phụ nữ làm khoa học càng khó hơn. Chị tâm sự: "Phụ nữ làm khoa học vất vả lắm. Nhưng tôi muốn làm và sẽ làm đến cùng vì con đường mình lựa chọn thật sự ý nghĩa.
Tôi cũng muốn chứng minh rằng khoa học không phải là một ngành nghề khô khan. Tôi vẫn làm khoa học với cái đầu lạnh và một trái tim nóng, một trái tim luôn hướng tới cộng đồng".
Chị Xuân chia sẻ thêm: "Mình phải sắp xếp thời gian một cách khoa học, hài hòa để có thể vừa làm công việc nghiên cứu vừa chăm sóc gia đình. Tôi luôn nghiêm khắc, kỷ luật về mặt thời gian nhưng cũng thường xuyên chia sẻ với ông xã về mọi vấn đề. Có lẽ vì vậy mà ông xã tôi luôn hiểu và ủng hộ nhiệt tình con đường của tôi".
Hướng dẫn sinh viên nước ngoài
PGS Mai Anh Tuấn cho biết: "TS Chu Thị Xuân là cán bộ nghiên cứu có năng lực với thái độ làm việc chuyên nghiệp, tập trung. Cô ấy đã giúp chúng tôi rất nhiều trong triển khai các định hướng nghiên cứu, hướng dẫn cao học, nghiên cứu sinh, đặc biệt là hướng dẫn sinh viên nước ngoài trong 5 năm trở lại đây".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận