20/04/2018 10:05 GMT+7

Nữ giảng viên trẻ chế keo giúp vết thương mau lành

TRẦN HUỲNH
TRẦN HUỲNH

TTO - Trong tương lai, TS Nguyễn Thị Hiệp sẽ tiếp tục phát triển chất keo này dùng để tái tạo mô cho những bệnh nhân ung thư bị mất mô.

Nữ giảng viên trẻ chế keo giúp vết thương mau lành - Ảnh 1.

TS Nguyễn Thị Hiệp - Ảnh: TRẦN HUỲNH

TS Nguyễn Thị Hiệp - giảng viên bộ môn kỹ thuật y sinh Trường ĐH Quốc tế (ĐH Quốc gia TP.HCM) - vừa nhận giải thưởng quốc tế L’Oréal - UNESCO cho nhà khoa học nữ trẻ tài năng của thế giới năm 2018.

Giải thưởng này thành lập từ năm 1997 nhằm tôn vinh phụ nữ làm khoa học; công nhận những đóng góp cho khoa học nhằm khuyến khích họ tiếp tục theo đuổi nghiên cứu khoa học.

Keo làm lành nhanh vết thương

Năm nay, TS Nguyễn Thị Hiệp là một trong 15 nhà khoa học nhận giải thưởng từ 275 đề cử khắp nơi trên thế giới.

"Mình rất bất ngờ và tự hào. Giải thưởng này là giải thưởng toàn cầu có tính cạnh tranh rất cao. Mình rất vui khi thấy hình ảnh bản đồ Việt Nam được nêu lên trong chương trình trao giải thưởng" - TS Hiệp chia sẻ.

TS Nguyễn Thị Hiệp tham gia giải thưởng L’Oréal - UNESCO với đề tài "Thiết kế một loại keo có khả năng cầm máu, chống vi khuẩn và giúp làm lành nhanh vết thương".

Theo TS Hiệp, công trình nghiên cứu chế tạo loại keo có thể dùng để chữa các loại vết thương khác nhau, diệt khuẩn và giảm thời gian tái tạo mô được xem là giải pháp sơ cứu hữu hiệu cho những người sống xa bệnh viện.

"Đây là một loại keo thông minh được hình thành chủ yếu bằng liên kết chéo axit hyaluronic (axit này có đóng góp đáng kể cho quá trình gia tăng và di chuyển tế bào) và chitosan (hữu ích trong tái tạo mô).

Đồng thời có thể có thêm các thành phần khác như bạc và hạt nano curcumin (bột nghệ) cho các mục đích ứng dụng cụ thể" - TS Hiệp giải thích thêm và cho biết đề tài này được phát triển từ công trình nghiên cứu chị thực hiện từ năm 2013.

TS Hiệp cũng cho biết: "Những loại vật liệu cầm máu hiện có trên thị trường chỉ có tác dụng tạm thời, khi bệnh nhân đến bệnh viện phải gỡ ra. Nhưng tôi mong muốn chất keo của mình sau khi đặt vào vết thương sẽ lành, không cần phải lấy ra và có tác dụng như mô thay thế mô đã mất.

Trong tương lai sẽ tiếp tục phát triển chất keo này dùng để tái tạo mô cho những bệnh nhân ung thư bị mất mô".

Tôi hi vọng có cá nhân, đơn vị nào cảm thấy đề tài này khả thi, tài trợ kinh phí để tôi tiếp tục nghiên cứu trở thành một sản phẩm nghiên cứu hoàn toàn của người Việt"

TS Nguyễn Thị Hiệp

Mong sản phẩm là của người Việt

Loại keo này đã được thực nghiệm trên heo với kết quả rất khả quan. Hiện TS Hiệp đang xin kinh phí của ĐH Quốc gia TP.HCM để thực hiện nghiên cứu sâu hơn nhằm kiểm tra khả năng kháng khuẩn và chống thẹo của keo… Thời gian tới chị cũng làm việc với các cơ quan để tiếp tục thí nghiệm lâm sàng.

Các thí nghiệm của đề tài được TS Hiệp thực hiện tại phòng thí nghiệm Trường ĐH Quốc tế. Tuy nhiên, điều khó khăn trong quá trình nghiên cứu của chị là hóa chất phục vụ thí nghiệm mỗi bộ có giá gần 20 triệu đồng. Trong khi quá trình nghiên cứu, độ rủi ro thất bại khá cao nên rất tốn kém.

Đó là chưa kể việc nuôi heo làm thí nghiệm cũng có những khó khăn như điều kiện vệ sinh chuồng trại không tốt, không phản ánh được hết hiệu quả của kết quả nghiên cứu…

"Khó khăn lớn nhất hiện nay tôi đang gặp phải là kinh phí. Để có kết quả nghiên cứu như hiện tại tôi đã được một tổ chức của Mỹ đầu tư 2 tỉ đồng. Trong quá trình nghiên cứu tôi có nhờ một số sinh viên hỗ trợ, tôi tự trả lương cho các bạn.

Tôi hi vọng có cá nhân, đơn vị nào trong nước cảm thấy đề tài này khả thi, tài trợ kinh phí để tôi tiếp tục nghiên cứu trở thành một sản phẩm nghiên cứu hoàn toàn của người Việt" - TS Hiệp nói.

Nói về TS Nguyễn Thị Hiệp, PGS.TS Huỳnh Thành Đạt - giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM - cho biết: "Là nhà khoa học nữ, TS Hiệp luôn nỗ lực, phấn đấu không mệt mỏi để có những đóng góp quan trọng cho sự phát triển của lĩnh vực kỹ thuật y sinh…

Với đề tài đoạt giải thưởng lần này, mục tiêu cuối cùng mà TS Hiệp muốn đạt được là tạo ra sản phẩm nằm trong tầm tay của người nghèo; những người sống xa bệnh viện, như những người dân vùng nông thôn, hải đảo".

10 năm nghiên cứu vật liệu sinh học

TS Nguyễn Thị Hiệp (sinh năm 1981, tại TP.HCM) có hơn 10 năm nghiên cứu về vật liệu sinh học, y học ứng dụng. Chị phụ trách nhóm nghiên cứu gần 40 người về chuyên ngành y học tái tạo.

Đến nay, TS Hiệp đã được trao nhiều giải thưởng như giải nhất Phát minh khoa học xuất sắc nhất năm về Nghiên cứu và phát triển các thiết bị phục vụ cho phòng nuôi cấy tế bào (ĐH Soonchunhyang 2011); giải thưởng cho nhà khoa học nữ (L’Oréal for Women in Science) về Biến tính bề mặt titanium bằng Col-I/Fn dùng phương pháp điện di; giải nhất Giải thưởng ASEAN-US-2017 về Giải pháp giảm áp lực lên các thành phố đô thị hóa nhanh - mảng sức khỏe cộng đồng…

Hai nhà khoa học Việt vào danh sách 100 nhà khoa học hàng đầu châu Á Hai nhà khoa học Việt vào danh sách 100 nhà khoa học hàng đầu châu Á

TTO - GS.TS Phan Thanh Sơn Nam và PGS.TS Nguyễn Sum vừa được tạp chí khoa học Asian Scientist (Singapore) bình chọn là hai trong 100 nhà khoa học hàng đầu châu Á năm 2018.

TRẦN HUỲNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên