Tiến sĩ Tiên Huỳnh - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Cuộc trò chuyện xoay quanh sự kỳ diệu của quả gấc với TS Tiên Huỳnh diễn ra ở TP.HCM - nơi cô sinh ra trước khi cùng gia đình qua Úc định cư.
Tiêu diệt 85-90% tế bào ung thư
* Trước đây cô có biết gì về quả gấc không?
- Trước đó thì không. Năm 2009, trong một lần về nước hướng dẫn sinh viên thực tập, khi đi bộ qua khu chợ nhỏ gần Trường ĐH Nông nghiệp Hà Nội, tôi đặc biệt ấn tượng với một loại quả có các màu đỏ, vàng rực rỡ. Lúc đó, các sinh viên mua một quả về lấy nước nấu xôi cho tôi ăn thử, tôi rất thích.
Rồi một dịp khác qua Thái Lan, tôi lại thấy loại quả này được dùng ăn với cà rem trông rất bắt mắt, ăn rất ngon. Còn ở Sri Lanka, quả này được người dân cắt nấu với khoai tây giống như cách nấu món cà ri. Tôi như bị mê hoặc bởi màu sắc của quả gấc và điều này thôi thúc tôi tìm hiểu về loại quả đặc biệt này.
* Cô đã bắt đầu nghiên cứu về quả gấc như thế nào?
- Tôi đi hơn 18 tỉnh của Việt Nam, 4 tỉnh của Thái Lan và 3 tỉnh của Sri Lanka... tìm xem quả gấc trồng ở nước nào tốt nhất. Tôi nhận thấy ở Việt Nam loại quả này rất dồi dào, đặc biệt mẫu gấc trồng ở các tỉnh miền Trung và miền Bắc tốt nhất về chất và trọng lượng. Ở vùng này, quả gấc cân nặng trung bình 4kg, cứ mỗi lần lấy mẫu tôi gom 40-50kg bỏ túi cẩn thận mang về Úc để thí nghiệm.
* Và cô phát hiện điều gì từ việc nghiên cứu quả gấc?
- Màu sắc của một loại trái cây đều tiềm ẩn một loại chất có công dụng rất tốt cho sức khỏe nếu biết cách sử dụng. Quả gấc cho tôi nhiều bất ngờ bởi tinh chất khi thoa lên cơ thể được da hấp thụ hút vào trong rất nhanh, tác dụng tốt hơn hẳn các loại trái cây, củ quả khác.
Kết quả nghiên cứu cho thấy công dụng của quả gấc tốt gấp 54 lần so với củ cà rốt và 200 lần so với quả cà chua - vốn được người Úc ưa chuộng sử dụng. Trong quả gấc còn chứa chất có thể tiêu diệt 85-90% tế bào ung thư, đặc biệt là ung thư da.
Tôi đang tiếp tục nghiên cứu, tinh chế các hợp chất hoạt tính của quả gấc để phát triển thành một loại thuốc, hoặc sản xuất các loại mỹ phẩm như son môi, kem dưỡng da, thuốc nhỏ mắt... mà mọi người có thể sử dụng mỗi ngày, ngăn chặn tế bào ung thư.
Ăn gấc như ăn cơm, uống cà phê
* Với công dụng lớn như vậy, theo cô, làm thế nào có thể tận dụng hết giá trị từ quả gấc?
- Ở Việt Nam, người dân xem quả gấc rất bình thường, chỉ dùng để lấy nước tạo màu cho xôi chứ không có gì đặc biệt cả, rất đáng tiếc.
Tôi muốn khuyến khích mọi người nên ăn gấc bình thường như ăn cơm, uống cà phê mỗi ngày để cơ thể tốt hơn. Đó là lý do tôi muốn đưa nghiên cứu khoa học để chứng minh cho mọi người hiểu hơn về loại quả đặc biệt này.
Hiện tại, một số công ty liên hệ để hợp tác sản xuất thuốc, nhưng tôi chưa xem đó là điều quá quan trọng. Điều tôi muốn là mọi người dân có thể ý thức, sử dụng quả gấc như một thực phẩm tự nhiên hơn là bào chế thành dược phẩm. Bởi thuốc trị ung thư thường đắt đỏ, không phải người bệnh nào cũng tiếp cận được.
* Rong ruổi khắp nhiều vùng quê Việt Nam, cô thấy điều gì ở nông dân, đặc biệt là người trồng gấc?
- Tôi thấy đời sống của họ rất vất vả. Mỗi ngày họ phải làm rất nhiều việc trong thời tiết khắc nghiệt, nhưng cái họ nhận lại không đủ để trang trải cuộc sống.
Bằng việc hợp tác nghiên cứu, tôi mong muốn phụ giúp một tay để người dân có được thành quả xứng đáng. Khi áp dụng khoa học vào quá trình sản xuất sẽ giúp bảo vệ môi trường, tiết kiệm thời gian, công sức và tăng thu nhập cho người dân.
TS Tiên Huỳnh (bìa trái) cùng các sinh viên đi thực tế tại các tỉnh ở Việt Nam nghiên cứu về quả gấc - Ảnh do nhân vật cung cấp
Vỏ không phải là rác
* Ngoài quả gấc, cô thấy ở Việt Nam còn có nhiều loại cây có giá trị không?
- Có chứ, cà phê chẳng hạn. Tôi thấy ở Việt Nam người sản xuất có thói quen chỉ chăm chăm sử dụng hạt bên trong mà vô tình bỏ phí rất nhiều thứ từ vỏ, nước ép từ vỏ, hoa... Giá trị của các loại "rác" này đôi khi lại tốt hơn rất nhiều với thứ họ sử dụng.
Trong vỏ cà phê có hoạt chất rất tốt giúp làm lành vết thương trên da. Với chất này, tôi làm thí nghiệm so sánh một bên vết thương được đắp bởi chất chiết xuất từ vỏ cà phê và một bên chỉ có nước. Kết quả sau 48 giờ, vùng da được đắp chất này vết thương hoàn toàn biến mất, ngược lại bên không sử dụng vết thương vẫn còn.
Không chỉ vậy, ở các nước tiên tiến họ còn sử dụng nước ép từ vỏ cà phê để sản xuất dầu cho ôtô, hoặc trộn hỗn hợp vỏ cà phê làm đường giao thông nhằm giảm sự giãn nở khi nắng nóng.
* Theo như cô nói thì có rất nhiều "rác quý". Có loại "rác" nào cô thấy người dân biến thành "rác" có ích?
- Việc này không nhiều lắm. Tôi ấn tượng ở Cần Thơ, người dân biết cách sử dụng lợi thế về rác sợi xơ dừa trộn vào ximăng, cát, sạn... tăng độ chịu uốn của bêtông trong làm đường giao thông. Rác sợi xơ dừa có tác dụng thay thế khối lượng đá và ximăng, từ đó có thể giảm chi phí cho nguyên liệu, xây dựng.
Ngoài ra, sợi xơ dừa còn được người dân sử dụng trong gia công, chế tạo hầm ủ biogas (khí sinh học) - một loại năng lượng sạch được làm nhiên liệu đốt, đun nấu, chạy động cơ đốt trong, máy phát điện... Tôi nghĩ loại "rác" nào cũng được tận dụng như thế thì tốt biết bao!
* Là người Việt, để có được thành công ở môi trường có tính cạnh tranh cao như Úc, chắc cô phải được đầu tư rất lớn?
- Hoàn toàn trái ngược với điều đó. Tôi sinh ở Sài Gòn, năm 6 tuổi tôi cùng gia đình qua Úc định cư. Thời gian ấy, gia đình tôi vất vả lắm, nhưng cha mẹ luôn khuyến khích và ủng hộ tôi học tập.
Lớn hơn một chút, tôi phải gánh vác nhiều việc của gia đình như chăm lo ăn uống, học hành. Còn thời gian, tôi phụ bán hàng tại tiệm bánh ngọt kiếm tiền đóng học phí. Điều này giúp tôi có sự trải nghiệm, bản lĩnh. Bây giờ chắc không có gì làm khó được tôi rồi (cười...).
Nghiên cứu có tính ứng dụng cao
Quả gấc và tinh dầu chiết xuất từ gấc
Ông Nguyễn Công Kha - giám đốc Trung tâm Công nghệ sinh học tỉnh An Giang - cho rằng ở Việt Nam, gấc chủ yếu sử dụng làm thực phẩm, chưa có định hướng nghiên cứu sử dụng làm dược liệu.
TS Tiên Huỳnh trực tiếp về An Giang và một số tỉnh miền Tây lấy mẫu gấc nghiên cứu và đến nay hiệu quả mang lại rất tốt. "Tôi đánh giá rất cao công trình nghiên cứu có tính ứng dụng cao này" - ông Kha nói.
Từ nghiên cứu bài bản của TS Tiên Huỳnh, người dân biết được liều lượng sử dụng hợp lý với nguồn dược liệu điều trị bệnh quanh môi trường sống của mình.
Ngoài ra, sản phẩm này có nguồn gốc tự nhiên nên hoàn toàn phù hợp với tất cả các đối tượng, nếu phát triển trồng phổ biến ngoài điều trị bệnh sẽ còn giúp người dân tăng thu nhập.
ThS Nguyễn Thị Đào, giảng viên khoa nông - lâm nghiệp ĐH Tây Nguyên, cho biết TS Tiên Huỳnh là người rất gần gũi, chân thành và nhiệt tâm với các bạn trẻ đam mê nghiên cứu khoa học, đặc biệt là nghiên cứu sinh đến từ Việt Nam.
"Siêu sao nghiên cứu khoa học và công nghệ"
Sau khi tốt nghiệp cử nhân Trường ĐH RMIT Úc năm 1999, Tiên Huỳnh nhận học bổng đào tạo tiến sĩ chuyên ngành phát sinh loài (phylogenetics) tại Trường ĐH Melbourne (Úc) từ năm 2000-2003.
Từ năm 2004, cô làm việc tại Vườn thực vật hoàng gia Kew (Anh) và Trường ĐH Degli Studi di Napoli Federico II (Ý). Hiện cô là giảng viên chính tại ĐH RMIT (Úc).
Tiên Huỳnh là nữ tiến sĩ gốc Việt duy nhất vượt qua hơn 300 ứng viên là nhà khoa học Úc để đoạt giải thưởng "Siêu sao nghiên cứu khoa học và công nghệ" (STEM), do Tổ chức Khoa học và công nghệ Úc trao tặng vào tháng 8-2017.
Các dự án nghiên cứu thành công của Tiên Huỳnh rất đa dạng, từ các cây thuốc, khoa học môi trường, kỹ thuật vật liệu và các bệnh ở người như ung thư, tiểu đường, điều trị lành vết thương.
Thành công nhất là nghiên cứu về quả gấc có thể điều trị ung thư. Trở lại Việt Nam lần này, cô cùng các sinh viên Việt Nam nghiên cứu công dụng của ca cao, cà phê trong việc điều trị chữa lành vết thương.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận