TS Võ Cẩm Quy - Ảnh: NHƯ HÙNG
Xuất thân từ ngành công nghệ sinh học Trường ĐH Khoa học tự nhiên, sau khi tốt nghiệp, TS Võ Cẩm Quy ở lại trường công tác và giữ chức vụ phó trưởng khoa rồi đi học tiến sĩ và làm việc tại Ý, Canada, Đức.
Sau 15 năm cần mẫn trong môi trường học thuật, cô quyết định bỏ việc đi học MBA (thạc sĩ quản trị kinh doanh) và khởi nghiệp. Cô thành lập công ty chuyên thực hiện dịch vụ tối ưu hóa hoạt tính enzym ở Đức. Cô cũng phát triển công ty thứ hai tại Thụy Sĩ về truy xuất dữ liệu y tế với công nghệ blockchain.
Hiện cô là giám đốc phát triển kinh doanh và dữ liệu của HIT Foundation, Thụy Sĩ. Trở về TP.HCM sau dịp Tết, cô chia sẻ con đường biến ý tưởng khoa học thành mô hình kinh doanh có lợi nhuận.
* Chị từng chia sẻ phương châm sống: "Bỏ việc, mua vé, tắm nắng, yêu và không bao giờ nuối tiếc". Vậy mục tiêu mỗi lần bỏ việc của chị là gì?
- Tôi theo đuổi những gì tôi đam mê!
Lần bỏ việc đầu tiên là khi tôi đang ở vị trí phó trưởng khoa Sinh. Thời đó việc một cán bộ trẻ 25-26 tuổi giữ chức vụ lãnh đạo tại trường ĐH lớn không phổ biến lắm.
Tôi có đầy đủ điều kiện để phát triển sự nghiệp quản lí ở Việt Nam. Nhưng tôi vẫn quyết định du học vì tôi yêu Bioinformatics (ngành Tin sinh học). Nhưng lúc đó ngành này bậc học sau thạc sỹ hết "thầy" để học. Thế là đi thôi!
Lần bỏ việc thứ hai vào khoảng mùa hè năm 2016 khi đang leo núi ở Canada, chồng tôi đưa cho đọc quyển sách về blockchain. Bị thuyết phục bởi nhiều ứng dụng tích cực, tôi tin đây là công nghệ của tương lai. Thêm nữa, cuộc "hôn nhân" 15 năm giữa tôi và nghề giáo, nghề nghiên cứu đã tới lúc đi vào lối mòn. Tôi muốn theo đuổi ước mơ kinh doanh từ bé.
Cùng với sinh viên và đồng nghiệp cũ, nhóm chúng tôi viết hồ sơ kêu gọi đầu tư và may mắn nhận được gói hỗ trợ từ chương trình EXIST Start-up Germany của chính phủ. Công ty chuyên thực hiện các dịch vụ về tối ưu hóa hoạt tính enzym.
Công việc trợ giảng gián đoạn, nhưng tôi có nhiều thời gian để trang bị nền tảng kinh doanh, tham dự các sự kiện startup, kết nối ý tưởng.
Sau đó, tôi gặp tiến sĩ kinh tế Eberhard Scheuer ở Thụy Sĩ để cùng nhau thành lập HIT Foundation (nền tảng truy xuất thông tin sức khỏe trên thị trường trực tuyến dựa vào công nghệ blockchain) chính thức vào tháng 11-2017. Hiện tại tôi không còn nghiên cứu về sinh hay dược mà phụ trách phát triển kinh doanh và dữ liệu của công ty.
Trợ giảng, nghiên cứu, TS Quy luôn chuẩn bị tài chính cho sở thích leo núi, chụp ảnh và ước mơ khởi nghiệp - Ảnh: NVCC
* Chị sinh sống như thế nào sau những lần bỏ việc?
- Nói dễ nhưng muốn "bỏ việc, mua vé đi chơi" phải có tiền. Muốn startup, tôi cũng phải dự trù tài chính và dành dụm cho ít nhất ba năm đầu tiên công ty chưa sinh lời.
Tôi đã "cày" cật lực cho sở thích leo núi, băng rừng và giờ này là mơ ước thực hiện mô hình kinh doanh về quyền sở hữu dữ liệu y tế của mỗi người. Muốn ham chơi cũng phải có tiền chứ!
* Bước ra từ phòng thí nghiệm, chị đã chuẩn bị gì để trở thành doanh nhân?
- Tôi chuẩn bị những bài nói 1 phút, 3 phút, 5 phút, bản trình chiếu dự án startup để sẵn sàng trình bày ý tưởng tuỳ vào quỹ thời gian của nhà đầu tư. May mắn lắm mới có cơ hội "làm phiền" nhà đầu tư, họ cho tôi mấy phút, tôi đều có bài thuyết trình quăng ra. Trong tích tắc, họ sẽ quyết định có để mắt tới chúng tôi hay không.
Lúc bắt đầu, tôi có ý tưởng nhưng không startup ngay được. Tôi đi học MBA để trang bị tầm nhìn tổng quan về thị trường, kiến thức kinh tế, tài chính, marketing, người tiêu dùng. Dĩ nhiên, người nghiên cứu về sinh - dược như tôi không giỏi về sale, marketing.
Ở công ty, tôi không cần là người trực tiếp viết code hoặc đi chào hàng, nhưng cần nắm nền tảng để biết phải làm gì, tìm nhóm cộng sự như thế nào để lo chiến lược phát triển kinh doanh, công nghệ.
* Rào cản lớn nhất khi nhà khoa học lấn sân kinh doanh?
- Ý tưởng của nhà khoa học, lần nào xem qua tôi cũng phải ồ lên vì quá hay. Nhưng khi tôi hỏi sẽ ứng dụng cụ thể cho ai, ở đâu, đa số thường kết luận chung chung mà không chỉ ra được công ty dược nào, bệnh viện nào đang cần và đã chấp nhận sử dụng sản phẩm nếu được tung ra thị trường.
Nhà khoa học thường nghĩ cho ý tưởng của mình mà quên nhìn từ góc độ khách hàng, làm vì khách hàng. Cần có tầm nhìn tổng quan về sự dịch chuyển của nền kinh tế.
Rào cản khác là quỹ đầu tư. Người làm nghiên cứu thường không giỏi đi xin tiền, đi bán hàng. Startup không phải con đường hoa hồng. Phải dành 100% thời gian, 200% sức lực, trí lực cho công ty.
Không thể xem startup như nghề tay trái, chỉ dành một ít thời gian mà mong nhận kết quả tốt. Ngoại trừ đội ngũ cố vấn, dàn nhân sự lãnh đạo của startup chúng tôi phải làm toàn thời gian, thậm chí không có lương suốt thời gian đầu.
"Tôi và chồng thường ngồi nhà thảo luận vì sao tỉ lệ nữ quá ít trong khoa học và công nghệ. Chúng tôi nhận ra một trong nhiều lí do là giáo dục. Khi bé trai khoảng 1-5 tuổi, cha mẹ cho chúng chơi robot, lego - trò chơi kích thích sáng tạo; trong khi các bé gái được cho chơi búp bê, đồ nấu ăn. Vô tình gia đình đã giới hạn đam mê và sức sáng tạo của bé gái. Vì vậy, chúng tôi quyết định sẽ cho con trải nghiệm nhiều thứ, theo đuổi điều khiến con hạnh phúc vì ai cũng chỉ sống một lần, phải không?"
TS Võ Cẩm Quy
* Trở về sau hơn 10 năm, chị có ý định gì cho công ty startup tại quê nhà?
- Đây là thời điểm để quay về. Cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin đã tốt hơn, nhân lực công nghệ thông tin dồi dào và chất lượng, nhiều startup nước ngoài đang nhìn về TP.HCM cũng với nhu cầu con người.
Trên hết, Việt Nam có gần 94 triệu người, chỉ cần 1% số đó sử dụng nền tảng, chúng tôi có thể tạo ra thị trường dữ liệu của gần 1 triệu người.
Điển hình như Facebook, Google đang sử dụng dữ liệu của người dùng mà không cần trả phí, đó là cái giá của các tiện ích miễn phí họ mang lại. Nhưng thông tin về sức khỏe, bệnh án của mỗi người trong bệnh viện là nguồn tài sản quý giá phải được tôn trọng.
Mô hình của chúng tôi sẽ tạo ra thị trường mua bán dữ liệu y tế từ cá nhân đến cá nhân, cá nhân đến tổ chức không qua trung gian, dữ liệu được bảo mật hoàn toàn. Các hãng dược, đơn vị nghiên cứu muốn thu thập, sử dụng dữ liệu phải được sự cho phép của từng người và trả cho mỗi người số tiền nhất định theo "hợp đồng thông minh".
Với công nghệ mới, dữ liệu cá nhân không thể bị hacker đột nhập hoặc làm giả, đảm bảo tính an toàn, minh bạch cho các bên trao - nhận.
Nhìn chung, tôi về Việt Nam để tìm kiếm đối tác và triển khai ứng dụng này.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận