16/09/2018 15:52 GMT+7

Nữ tài xế vùng quê quyết không dừng bước

THÙY TRANG
THÙY TRANG

TTO - Cầm tờ giấy báo trúng tuyển đại học trên tay, lẽ ra phải chạy ù về nhà khoe cha mẹ, nhưng Huỳnh Kim Thoa (huyện Đầm Dơi, Cà Mau) nước mắt lưng tròng chạy tìm cô chủ nhiệm. “Hạn cuối đóng tiền học phí tới rồi mà em chưa có cô ơi!”.

Nữ tài xế vùng quê quyết không dừng bước - Ảnh 1.

Mỗi ngày từ 6 giờ sáng Thoa phải đến công ty làm việc - Ảnh: A LỘC

Tôi đã xúc động nghẹn ngào khi biết Thoa đã được báo Tuổi Trẻ hỗ trợ kịp thời suất học bổng nghĩa tình. Tôi tin suất học bổng không chỉ giúp em vượt qua khó khăn mà còn tạo cho em niềm tin vững vàng vào cuộc sống

Cô TRẦN TÚ UYÊN

Thoa đậu vào ngành chế biến thủy sản Trường ĐH Cần Thơ. Gần hai tháng nay, Thoa đi làm công nhân xé lông vịt ở Bình Dương để mong đủ tiền đóng học phí đầu năm.

Nhà nghèo xơ xác

Mỗi ngày phân loại và sơ chế lông vịt, chịu đựng mùi hôi thối rất khó chịu, tay Thoa cũng nứt nẻ, rướm máu chỗ nào thì băng lại chỗ đó. Thoa thường tăng ca đến 9h tối mới về phòng trọ.

Nhà Thoa nghèo xơ xác, cả nhà 5 người sống trong căn chòi rách nát dột trước hở sau ở huyện nghèo Đầm Dơi, tỉnh Cà Mau. Từ nhỏ Thoa chứng kiến cha mẹ chạy ăn từng bữa, cãi nhau là chuyện thường ngày, các em thì bệnh lên bệnh xuống mà chỉ uống thuốc nam cầm chừng.

"Ông bà, cha mẹ không cho mình đi học tiếp, nhưng mình nghĩ kỹ rồi, dù bất cứ giá nào cũng phải đi học" - Thoa xác định.

Nhà có chiếc Cub 50 lâu đời, nên vừa lên lớp 10 Thoa tập chạy rồi làm "xe ôm" từ đó. "Lúc đầu nhiều người còn ngại nhưng rồi dần dần họ quen với tài xế nữ vùng quê" - Thoa cười. Lục tục từ tờ mờ sáng, Thoa chở các cô, các chị đi chợ sớm rồi quay về đi học cho kịp.

"Có bữa trời mưa dầm mình biết không thể quay về nhà thay đồ. Cặp thì cho vào bọc nilông quấn lại, mặc bên trong là đồng phục, bên ngoài một bộ đồ, che thêm áo mưa nữa. Chở khách đi chợ xong mình tới trường lột hết đồ dơ bên ngoài thì đồng phục vẫn sạch" - Thoa kể.

Chạy xe cẩn thận, giá cả lại rẻ hơn người khác nên trong xóm ai có việc là kêu Thoa. Ngoài giờ học cứ chạy ngời ngời ngoài đường nên là con gái mà da Thoa đen nhẻm, khó nhả nắng được.

"Dù thế nào em cũng đừng bỏ học nhé"

Thoa nói giấc mơ đại học Thoa ôm ấp đã lâu. Đến khi đăng ký xét tuyển vào đại học thì cả nhà dậy sóng. Cha mẹ, bà ngoại, cô dì, chú bác đều phản đối kịch liệt.

"Mọi người nói không học có chết đâu, mà tiền đâu học, ai lo cho nổi. Nên khi biết tin đậu đại học mình không báo cho ai trong gia đình biết, tự nghĩ mình sẽ lo nổi. Ai ngờ học phí cao hơn sức tưởng tượng. Mình chỉ dám tâm sự với cô chủ nhiệm" - Thoa ngậm ngùi.

Ngày Thoa gom đồ đi Bình Dương làm thuê ai cũng cản, nhiều lúc cũng nhụt chí lắm nhưng nhớ đến ngày xưa dì út của Thoa cũng cãi bà ngoại đi học, giờ cuộc sống của dì là khá nhất dòng họ. Thế nên quyết tâm của Thoa càng cứng cỏi hơn.

Cô Trần Tú Uyên, giáo viên chủ nhiệm lớp 12, cũng là người duy nhất ủng hộ và khuyên Thoa học tiếp. Lúc Thoa quyết định lên Bình Dương làm thuê, chắt mót trong nhà còn hơn 1 triệu đồng, cô đã cho Thoa dằn túi đi đường và khuyên dù thế nào cũng không bỏ học.

"Tới ngày hết hạn đóng học phí bé mang tiền đến trả cho tôi nói đã hết cách rồi cô ơi, làm cả tháng cũng không đủ đóng, muốn bảo lưu mà giờ quy định khác rồi không cho bảo lưu nữa. Nhìn học trò mình phải dừng lại ước mơ, lòng tôi thắt lại. Tôi quyết định gọi đến báo Tuổi Trẻ nhờ cứu giúp hoàn cảnh em" - cô Uyên tâm sự.

Hôm chủ nhật, cũng là ngày hết hạn nộp học phí, khi báo Tuổi Trẻ trao đổi về tình hình của Thoa, ông Nguyễn Minh Trí, trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Cần Thơ, không ngần ngại xin ý kiến ban giám hiệu nhà trường và được chấp nhận ngay. "Chúng tôi để em nhập học trước, học phí có thể bổ sung sau" - ông Trí nói.

Cầm xe, bán heo lấy tiền nhập học

Phương tiện duy nhất và là tài sản có giá trị nhất trong nhà của tân sinh viên Nguyễn Phương Tính (huyện Lấp Vò, Đồng Tháp), ngành công nghệ ôtô Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM, là chiếc xe Cub 50.

Vừa mới đây, nó đã được mang đến tiệm cầm đồ lấy về 5 triệu đồng. Heo nuôi làm giống mấy năm qua cũng kêu bán đi. Đó là phương án sau nhiều đêm cả nhà bàn tính để giải quyết số học phí cho Tính vào đại học.

Bà Lê Cẩm Nhung, mẹ Tính, nói thấy Tính lên trường về rồi như "gà mắc tóc", cứ đi ra đi vô, tối thì trằn trọc. "Tui gặng hỏi miết nó mới chịu nói học phí quá cao, nghe mà đứt ruột" - bà Nhung bùi ngùi.

Bao năm qua, hai vợ chồng bà Nhung bán hàng ăn vặt theo mùa hội chợ, tối ngủ lều dã chiến, ngày dựng ghế bán hàng. "Cóp nhặt lắm mỗi tháng cũng đủ tiền ăn uống cho mấy bà cháu ở nhà. Còn lại cứ mượn nợ gối đầu" - bà Nhung tâm sự.

Từ lớp 8, Tính đã phụ lặt rau, rửa chén ở quán ăn gần nhà kiếm tiền học phí cho hai anh em. "Cha mẹ đi bán dạo không có bao nhiêu tiền, có khi ngoại bệnh bất tử mà nhà không có đồng nào, không biết hỏi mượn ai" - Tính kể.

Rồi giọng Tính chùng lại: "Vì kiếm tiền lo cho cuộc sống mà nhiều năm rồi nhà mình không được sum vầy trọn vẹn. Có bữa cha chạy về thăm vài tiếng rồi trở lại làm, mẹ thì vài tháng mới về thăm nhà một hai bữa. Mình chỉ mong mau thành tài để đưa cha mẹ về cùng ở một nhà".

Ban đầu, Tính cũng muốn chuyển sang ngành khác hoặc học cao đẳng để bớt gánh nặng nhưng cha mẹ dứt khoát không chịu, mà thâm tâm Tính cũng không muốn vì ngành này Tính ước mơ theo đuổi từ năm học lớp 10.

"Thấy cha đưa tờ giấy cầm xe để lại cho ngoại ở quê đóng tiền lời, còn mẹ đem con heo đi bán mà mình muốn nghẹn. Mình biết mình phải tiếp tục, không dừng, không nản một phút giây nào" - Tính nói.

Tiếp sức đến trường: những tấm gương chiến thắng số phận Tiếp sức đến trường: những tấm gương chiến thắng số phận

TTO - Chiều 5-9, tại TP Quy Nhơn (tỉnh Bình Định), báo Tuổi Trẻ tổ chức lễ trao học bổng "Tiếp sức đến trường" cho 118 tân sinh viên ĐH, CĐ quê Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên.

THÙY TRANG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên