11/04/2020 14:10 GMT+7

Nữ kỹ sư phần mềm trẻ ở Google: 'Đừng giống những ứng viên khác'

BÌNH MINH thực hiện
BÌNH MINH thực hiện

TTO - Cô gái trẻ Đỗ Thị Bảo Lộc hiện là kỹ sư phần mềm cho Công ty Google tại thành phố Waterloo (Canada). Lộc từng tốt nghiệp với điểm số GPA 4.0 đứng đầu tất cả các môn học ở Trường cao đẳng cộng đồng Orange Coast College (California, Mỹ).

Nữ kỹ sư phần mềm trẻ ở Google: Đừng giống những ứng viên khác - Ảnh 1.

Đỗ Bảo Lộc trong lễ tốt nghiệp tại Đại học UCLA - Ảnh: NVCC

Hằng ngày chạy ngang qua trụ sở Google, tôi tự hỏi khi nào mình có thể được vui vẻ làm việc với vai trò là một thành viên trong công ty. Những thành công mà tôi tưởng tượng cũng trở thành mục tiêu phấn đấu mà tôi muốn mình đạt được trong vòng 5 năm.

ĐỖ BẢO LỘC

Bảo Lộc được các giáo sư mời về trường giảng dạy ngành computer science (khoa học máy tính) và cũng là trợ giảng tại Đại học UC Berkeley (bang California). 

Trao đổi với Nhịp sống trẻ, Lộc nói nhiều đến "cẩm nang", ví dụ những yếu tố mà một ứng viên cần có để nổi bật trong mắt các công ty tuyển dụng về công nghệ hàng đầu như Google, Boeing, Amazon, Microsoft, Intel... Lộc chia sẻ:

- Các "ông trùm" công nghệ muốn tìm kiếm những tài năng với đam mê thực sự, nên những dự án bạn tự nghiên cứu hoặc tự tạo ra sẽ gây ấn tượng hơn những dự án bạn làm trong trường giống như hầu hết những ứng viên khác. 

Dự án cá nhân cũng là cách để bạn "gỡ điểm" nếu không có nhiều kinh nghiệm làm việc trước đó. 

Hồ sơ của bạn phải gọn gàng, bao gồm những kỹ năng và kinh nghiệm có liên quan tới công việc mà bạn ứng tuyển chứ không cần dài dòng hay màu mè.

Ở vòng phỏng vấn, mỗi công ty công nghệ có cách phỏng vấn và yêu cầu khác nhau. Microsoft, Amazon và Google tập trung rất nhiều về khả năng giải quyết vấn đề khó trong thời gian ngắn. 

Họ tìm kiếm những kỹ sư tài năng với kỹ năng cao nhất nên sẽ không quan trọng về kỹ năng giao tiếp. 

Ứng viên thường phải trải qua 5-6 vòng phỏng vấn với nhiều kỹ sư khác nhau ở những công ty này. Nhìn chung, nhóm các công ty gồm Facebook, Amazon, Apple, Netflix và Google sẽ yêu cầu ứng viên giải quyết vấn đề và lập trình.

Trong khi đó, Boeing và Intel lại ít tập trung vào khả năng lập trình mà hỏi nhiều về kỹ năng giao tiếp và ứng xử. Khi tôi phỏng vấn thực tập ở Boeing, tất cả ứng viên được ngồi cùng một phòng để giải một đề bài hóc búa. 

Có 5-6 lãnh đạo sẽ ngồi quan sát cách các ứng viên làm việc nhóm và giải quyết vấn đề, sau đó chỉ chọn ra một người phù hợp. Ở Intel, ứng viên sẽ phải một mình vượt qua vòng phỏng vấn với cùng lúc 5-6 lãnh đạo.

* Điểm nào là khó nhằn nhất trong quá trình phỏng vấn qua điện thoại với các công ty công nghệ Mỹ?

- Công ty tuyển dụng gọi ứng viên vào thời gian đã hẹn trước, đưa link đến trang web mà họ có thể thấy ứng viên lập trình trực tiếp và đặt vấn đề để xem cách xử lý của ứng viên. 

Đối với Google, tôi được hẹn phỏng vấn với hai kỹ sư. Mỗi cuộc phỏng vấn kéo dài 45 phút. Nếu bạn qua được vòng phỏng vấn với kỹ sư đầu tiên, bạn mới được gặp người thứ hai. 

Tôi nhận được những câu hỏi hóc búa và vừa phải lập trình qua Google Docs trực tiếp, vừa giải thích những gì mình suy nghĩ với người tuyển dụng. 

Ứng viên cần phải đưa ra câu trả lời tốt nhất, chạy nhanh nhất đối với những câu hỏi thường không có trong chương trình học, đòi hỏi sự sáng tạo và vận dụng kiến thức đã học để giải quyết.

Quá trình phỏng vấn không dễ dàng vì ứng viên vừa phải lập trình, vừa phải trò chuyện với người phỏng vấn qua điện thoại. Sau khi nghe câu hỏi, tôi phải ghi chú những ý quan trọng, hỏi lại những điểm chưa rõ và suy nghĩ nhiều phương án giải khác nhau. 

Ứng viên có thể im lặng vài giây để suy nghĩ, nhưng không được làm đứt mạch cuộc trò chuyện vì người phỏng vấn muốn biết cách bạn tiếp cận vấn đề và phối hợp với người khác để giải quyết ra sao.

* Tại Google, các nữ nhân viên có được trao quyền, khuyến khích học tập hoặc được cộng sự hỗ trợ trong quá trình làm việc?

- Bản thân tôi là nữ trợ giảng duy nhất trong số 12 giảng viên tại Đại học UC Berkeley. Tại Google, tôi là một trong hai phụ nữ giữa gần 60 đồng nghiệp nam, là nữ quản lý trẻ nhất và duy nhất trong số 10 người đứng đầu các phòng ban. 

Khi cùng đồng nghiệp tại Google đi tuyển dụng ở Đại học UC Irvine (bang California), một bạn sinh viên thẳng thắn từ chối trò chuyện cùng tôi với lý do: "Xin lỗi, em chỉ muốn trò chuyện cùng kỹ sư" với quan niệm nữ giới làm ở công ty công nghệ chỉ thường ở vị trí tuyển dụng.

Hiện nay, Công ty Google có nhiều chương trình giúp đỡ và khuyến khích nữ giới học và làm việc trong ngành công nghệ, ví dụ như Women Tech Makers hay I Am Remarkable. 

Ngoài ra, Google cũng là nhà tài trợ thường niên cho Grace Hopper Celebration, hội nghị về khoa học máy tính lớn nhất thế giới dành cho phụ nữ.

Google khuyến khích nhân viên tham gia để trao đổi và học hỏi từ những phụ nữ thành công khác trong ngành, cũng như trao học bổng để tạo điều kiện cho những nữ sinh học ngành công nghệ.

"Trong nội bộ, các lãnh đạo khuyến khích hoặc đề cử chúng tôi học thêm các lớp bồi dưỡng kỹ năng cần thiết cho công việc, ghi nhận, công bố và khen thưởng thành tích mà các nữ nhân viên đạt được" - Lộc cho biết.

Nữ kỹ sư đầu tiên của thế giới Google tưởng nhớ là ai? Nữ kỹ sư đầu tiên của thế giới Google tưởng nhớ là ai?

TTO - Ngày 10-11, Google Doodle vinh danh bà Elisa Leonida Zamfirescu, nữ kỹ sư tiên phong người Romania nhân ngày sinh nhật lần thứ 131 của bà.

BÌNH MINH thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên